Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Hà Nội) cho biết, ông đang tập hợp các văn bản pháp lý liên quan, đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội để có thể giúp đỡ gia đình Đoàn Thị Hương.
"Ông Đoàn Văn Thạnh, bố của Đoàn Thị Hương là thương binh, thuộc đối tượng gia đình chính sách được trợ giúp pháp lý miễn phí nên chúng tôi với trách nhiệm là luật sư sẽ hỗ trợ hết mức nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp trong vụ việc.
Chúng tôi cũng đang liên hệ thêm để sớm có thể gặp được ông Thạnh", luật sư Hòe nói.
Cũng theo luật sư Hòe, do Đoàn Thị Hương phạm tội và đang bị tiến hành xét xử với cáo buộc về tội giết người được cho là Kim Jong-nam ở Malaysia nên cần phải có thêm thời gian để tìm kiếm thêm các văn bản về tương trợ tư pháp giữa hai nước.
"Thực tế, công dân Việt Nam được quyền mời luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình nếu xảy ra các vụ việc ở trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, trong vụ việc này, cần phải xem kỹ các văn bản liên quan đến tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và Malaysia.
Và điều quan trọng nhất ở đây mà chúng tôi đang làm là liên hệ với Bộ Ngoại giao để tìm hiểu các quy định trong việc có thể đưa luật sư sang Malaysia để tham gia bảo vệ cho công dân như thế nào", luật sư Hòe cho hay.
Theo dõi phiên tòa ngày hôm qua và các thông tin trước đó, luật sư Hòe cho rằng, Đoàn Thị Hương khai là được thuê để làm chương trình truyền hình thực tế , "đóng clip hài"... nên mới tung vật đó vào nạn nhân.
"Ở đây, theo như báo chí phản ánh có thể thấy mục đích ban đầu của Đoàn Thị Hương không phải là giết người mà chỉ là được thuê để quay truyền hình, clip với mong muốn nổi tiếng, luật sư Hòe nêu rõ.
Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Hà Nội) cũng cho rằng, pháp luật Việt Nam hay các nước đều quy định rõ, việc công dân nước ngoài phạm tội tại quốc gia mình khi đưa ra xét xử đều có luật sư tham gia bào chữa.
"Ở Việt Nam, một số bị cáo người nước ngoài khi phạm tội, đưa ra xét xử đều áp dụng khoản 2 Điều 57, Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo đó, tòa án có thẩm quyền sẽ chỉ định luật sư người Việt bào chữa cho bị cáo tại tòa án Việt Nam và với các nước khác cũng tương tự như vậy", luật sư Thiệp cho biết.
Theo luật sư Thiệp, vụ án liên quan đến Đoàn Thị Hương đã được Malaysia đưa ra xét xử và hiện tại, tòa án đã cử luật sư Selvam Shanmugam, người bản địa bào chữa cho Đoàn Thị Hương tại phiên toàn.
"Ở đây, mỗi quốc gia có chính sách hình sự cũng như các quy định cụ thể về tội danh và hình phạt khác nhau.
Nếu luật sư Việt Nam tham gia vụ án thì phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu luật hình sự của Malaysia...", luật sư Thiệp nêu ý kiến.
Trao đổi với PV, ông Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho biết, Liên đoàn Luật sư mong muốn hỗ trợ tư pháp cho Đoàn Thị Hương. Do đó, Liên đoàn sẽ đề xuất, bàn với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp về vấn đề này, song hiện chưa ấn định thời gian.
"Chúng tôi dự kiến đưa ra hai hướng. Thứ nhất, Việt Nam thuê luật sư bào chữa, phối hợp với liên đoàn luật sư Malaysia. Hướng thứ hai, luật sư Việt Nam phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại làm rõ về nhân thân, hành vi phạm tội, tình tiết giảm nhẹ hoặc cung cấp thêm những tài liệu liên quan", ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, Malaysia và Việt Nam chưa ký hiệp ước tương trợ tư pháp nên rất khó để dẫn giải Đoàn Thị Hương về nước xét xử. Hơn nữa, luật của Malaysia cũng không cho luật sư nước ngoài tham gia bào chữa.