Như ANTĐ đã đưa tin, mặc dù bị cơ quan CSĐT – CAQ Hoàn Kiếm, TP Hà Nội khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chỉ sau 3 ngày kể từ khi bị bắt, Dương Thúy Hà, tức Hà “sứt”, SN 1988, trú tại số 1B, ngõ 189/1 Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, TP Hà Nội lại được tại ngoại để… đi đẻ.
Và không lâu sau khi sinh con, Hà “sứt" lại tiếp tục phạm tội. Điều đáng nói ở đây là, đối tượng này biết lợi dụng sự khoan hồng của pháp luật nên hoạt động phạm tội một cách ngang nhiên, khiến dư luận bức xúc.
Hà “sứt” đang trở thành nỗi ám ảnh của những người kinh doanh các mặt hàng như: trang sức, điện thoại di động, máy tính, nước hoa, túi xách thời trang…
Và không ít người thắc mắc, liệu đến bao giờ đối tượng này sẽ phải ngồi tù? Bởi nếu Hà còn tiếp tục nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, sẽ còn nạn nhân mắc lừa chiêu trò của “nữ quái” này.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ, Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh cho biết:
Pháp luật hình sự hiện nay có nhiều quy định mang tính nhân đạo đối với một số đối tượng có hành vi phạm tội, chẳng hạn như người già, người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Một trong những quy định nhân đạo đối với người có hành vi phạm tội là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, đó là không áp dụng biện pháp tạm giam trong trường hợp họ phạm tội, kể cả khi họ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng (trừ các tội xâm phạm an ninh quốc gia).
Luật sư Giang Hồng Thanh
Do vậy việc Cơ quan công an không tạm giam Hà "sứt" mặc dù đã khởi tố người phụ nữ này về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, trường hợp Hà "sứt" vẫn có thể bị tạm giam nếu tiếp tục phạm tội. Khoản 2, Khoản 4 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định như sau:
"Điều 119. Tạm giam
1. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
2. Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
d) Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
4. Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp:
b) Tiếp tục phạm tội;"
Như vậy có nghĩa là khi Cơ quan điều tra khởi tố Hà "sứt" về hành vi phạm tội lần thứ nhất, Cơ quan điều tra sẽ không tạm giam đối tượng này.
Nhưng nếu sau khi bị khởi tố và được tại ngoại, Hà "sứt" lại tiếp tục phạm tội thì khi đó Cơ quan điều tra hoàn toàn có thể tạm giam Hà "sứt".
Đó là quy định về biện pháp ngăn chặn áp dụng trước khi xét xử đối với Hà "sứt" nói riêng và những người phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi nói chung.
Còn sau khi bị Tòa án xét xử và bị tuyên phạt bằng một bản án tù giam có hiệu lực pháp luật, Hà "sứt" cũng vẫn có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù. Điều 67 Bộ luật hình sự quy định như sau:
"Điều 67. Hoãn chấp hành hình phạt tù
1. Người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt trong các trường hợp sau đây:
b) Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;"
Nhưng cũng như quy định về tạm giam, nếu trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà Hà "sứt" lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì Tòa án có thể buộc Hà "sứt" phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới.
Như vậy, cách duy nhất có thể khiến Hà “sứt” phải ngồi tù, đó chính là việc nạn nhân trong các vụ lừa đảo do “nữ quái” này gây ra lên tiếng tố cáo với cơ quan công an, từ đó chứng minh Hà “sứt” vẫn tiếp tục phạm tội trong thời gian được tại ngoại nuôi con nhỏ, là căn cứ để cơ quan CSĐT thi hành quyết định tạm giam Hà “sứt”, hoặc nâng hình phạt đối với đối tượng này.
Xem bài gốc Tại Đây