Xoay quanh vụ việc một người phụ nữ dựng hiện trường giả nhảy cầu Đông Trù cùng 3 con để doạ chồng, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VP Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) đã có một số nhìn nhận dưới góc độ pháp lý.
Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, xuất phát từ việc giận dỗi chồng, người vợ đã lên kế hoạch tạo ra màn kịch viết thư tuyệt mệnh, ôm con nhảy cầu và để lại các tài sản hiện trường nhằm gây áp lực cho chồng để giải quyết mâu thuẫn.
Theo Luật sư, việc mâu thuẫn nội bộ gia đình thì vợ chồng phải cùng nhau giải quyết hoặc nhờ chính quyền địa phương hòa giải. Nếu mâu thuẫn trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được thì có thể xin ly hôn. Người vợ tạo ra màn kịch như vậy đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động tìm kiếm cứu nạn cứu hộ của các cơ quan chức năng và người dân.
Ngay sau khi có thông tin về vụ việc, Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ số 2, Phòng Cảnh sát giao thông cũng triển khai cano phối hợp cùng Cảnh sát PCCC & CNCH đường sông tìm kiếm các nạn nhân nghi vấn nhảy cầu từ khu vực chân cầu Đông Trù đến cửa Dâu ngã ba sông Hồng, sông Đuống. Việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ diễn ra vất vả dưới cái lạnh giá của Thủ đô.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng hành vi của người vợ điều khiển xe ô tô dừng đỗ trên cầu, để lại thư tuyệt mệnh cũng như 4 đôi dép trên cầu là những thông tin giả.
Hành vi của người vợ đã vi phạm điểm c, khoản 3 Điều Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình.
Theo đó, người vợ có thể bị bị xử phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi "Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền".
Ngoài ra, người vợ còn có thể bị xử phạt về hành vi dừng đỗ xe ô tô trên cầu phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo điểm d khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm c và điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Bên cạnh đó người có hành vi đỗ xe ô tô trên cầu còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
Hiện trường tìm kiếm 4 mẹ con. Ảnh: Hà Nội 24h
Trước đó, vào khoảng 07h24' ngày 1/3, Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an quận Long Biên nhận tin báo nghi vấn có người nhảy cầu tại cầu Đông Trù. Ngay sau đó, đơn vị đã xuất xe đến hiện trường.
Khi lực lượng chức năng có mặt, hiện trường để lại 1 ô tô, thư nhắn lại người nhà (chồng) và 4 đôi dép (1 người lớn, 3 trẻ em).
Từ những dấu hiệu bất thường để lại hiện trường như các đôi dép đều sắp xếp trật tự, trên xe ô tô đồ đạc ít bị xáo trộn, lực lượng cảnh sát hình sự, cảnh sát khu vực quyết định toả đi các nhà nghỉ quanh khu vực tìm kiếm.
Đến khoảng 10h40' cùng ngày, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã tìm thấy chị H. cùng các con nhỏ ở địa điểm an toàn. Chị H. bước đầu cho lực lượng chức năng biết, do giận dỗi chồng nên làm hành động dại dột trên để doạ gây áp lực.
Hãy ngừng công kích người mẹ
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt cho rằng, dư luận không nên dồn ép, công kích người vợ trong vụ việc. Trong trường hợp nói trên, có thể người phụ nữ gặp vấn đề nào đó về sức khỏe tâm lý hoặc chị có những bất lực, mệt mỏi riêng.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm, sau vụ việc, điều quan trọng là người chồng và gia đình cần tìm hiểu xem người vợ đang gặp áp lực hay vấn đề tâm lý nào mà phải sử dụng đến một biện pháp tiêu cực như vậy.
Nữ thạc sĩ cũng đưa ra lời khuyên, khi gặp mâu thuẫn, áp lực trong hôn nhân hay bất cứ áp lực nào trong cuộc sống, công việc, các cặp vợ chồng nên bình tĩnh đối thoại tìm phương án xử lý. Mọi sự nóng giận đều khiến đôi bên khó tìm được tiếng nói chung.