Luật sư: Sai phạm do động cơ tích cực hay lợi ích nhóm?
Sáng 13/1, luật sư Đỗ Ngọc Quang, bào chữa cho Ninh Văn Quỳnh, Lê Đình Mậu đã trình bày phần bào chữa cho thân chủ mình.
Luật sư Quang thừa nhận ông thực sự đau lòng khi nhìn các bị cáo là các cán bộ của PVN, những người đã có nhiều công lao, đóng góp cũng như cống hiến gần như cả cuộc đời cho ngành dầu khí Việt Nam từ những thập kỷ 70 của thế kỷ trước đã và đang chuẩn bị về hưu nghỉ ngơi lại phải đứng trước tòa.
Vị luật sư đặt dấu hỏi các bị cáo này vì quá nóng vội, quyết liệt, muốn góp phần vào công nghiệp hóa, điện khí hóa đất nước mà mắc phải sai lầm là đã đồng ý chuyển tiền cho Ban quản lý dự án NĐ Thái Bình 2 để chuyển tạm ứng cho PVC hay vì lợi ích nhóm?
"Nếu thực sự có lợi ích nhóm trong vụ án này thì phần luận tội của VKS cũng kính đề nghị đại diện VKS chỉ ra nhóm lợi ích này có những ai và lợi ích của nhóm này thể hiện như thế nào để kết luận chắc chắn vì lợi ích nhóm nên các lãnh đạo PVN đã có hành vi nêu trong cáo trạng", luật sư Quang nói.
Theo quan điểm của luật sư Quang, hành vi của các bị cáo là các lãnh đạo PVN hoàn toàn không phải lợi ích nhóm mà vì động cơ rất trong sáng, tích cực.
"Tuy nhiên động cơ dù có trong sáng, tích cực, nhiệt tình đến đâu chăng nữa mà bỏ qua những quy định của pháp luật thì rất có thể dẫn đến sai lầm như trong vụ án này đối với PVN. Thực tế, trong lịch sử chúng ta cũng có những bài học tương tự", luật sư Quang nói.
Luật sư Đỗ Ngọc Quang (Ảnh chụp màn hình)
Luật sư phân tích: Bị cáo Ninh Văn Quỳnh và các lãnh đạo khác của PVN luôn xác định được tầm quan trọng của dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.
Các lời khai của bị cáo đều khẳng định, trước tình hình cấp bách về việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, lãnh đạo PVN, nhất là Chủ tịch HĐTV Đinh La Thăng rất quyết liệt chỉ đạo xây dựng đúng thời gian, tiến độ, thiết kế và đúng pháp luật.
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh: TTXVN.
Luật sư Quang dẫn tại biên bản lấy lời khai ngày 9/10/2017, Nguyễn Xuân Sơn khai: "Vào quý 2/2011, anh Thăng có giao trong cuộc họp, công trình Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là công trình trọng điểm quốc gia được triển khai theo cơ chế đặc thù của Chính phủ để phát điện vào năm 2014 do vậy yêu cầu phải tạm ứng nhanh, đủ cho tổng thầu để đẩy nhanh tiến độ các công việc có liên quan, xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc.
Vào khoảng vài ngày trước khi chuyển tiền cho BQL dự án, anh Thăng gọi tôi, anh Khánh đến phòng làm việc và mắng tôi, với anh Khánh về tiến độ dự án Thái Bình 2 chậm. Nói với anh Khánh là triển khai nhanh lên và nói với tôi phải lo tiền tạm ứng đầy đủ, kịp thời. Nói với hai chúng tôi, không triển khai thì biến đi".
Luật sư: Ông Sơn từng khai bị ông Đinh La Thăng mắng "không triển khai thì biến đi"
Luật sư nhận định, như vậy, mặc dù các hợp đồng 33, 4194 còn có một số nội dung chưa hoàn chỉnh nhưng vẫn phải triển khai nhanh, lo chuyển tiền cho Ban quản lý dự án Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC. Các việc đều phải rất khẩn trương, quyết liệt.
Còn hậu quả xảy ra chủ yếu do PVC đã sử dụng không đúng tiền tạm ứng. Vì vậy luật sư nhận định động cơ phạm tội của các bị cáo, trong đó có Ninh Văn Quỳnh là động cơ tích cực, để làm sao xây dựng cho được nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Kết quả giám định thiệt hại chưa rõ ràng
Về hành vi chuyển tiền cho Ban quản lý dự án NĐ Thái Bình 2 để tạm ứng cho PVC để đẩy nhanh tiến độ dự án dù hợp đồng 33 chưa hoàn chỉnh và thiếu sót nhưng theo luật sư, bị cáo Ninh Văn Quỳnh lúc đó giữ chức Kế toán trưởng thực hiện việc chuyển tiền là theo yêu cầu của bị cáo Nguyễn Xuân Sơn.
Cũng theo luật sư, mặc dù biết rõ căn cứ Hợp đồng 33 chưa đầy đủ và Ninh Văn Quỳnh đã đọc Hợp đồng 33 nhưng vẫn phải chuyển tiền vì "buộc phải làm và không thể không làm là do áp lực từ cấp lãnh đạo Tập đoàn".
"Ngay tại phiên tòa bị cáo Ninh Văn Quỳnh đã khai rõ điều này và nhận thấy bản thân mình có hành vi làm trái có liên quan đến việc chuyển tiền từ PVN sang Ban quản lý dự án TB 2 để chuyển sang PVC.
Mong HĐXX xem xét rõ vấn đề này do bị cáo buộc phải làm vì chịu áp lực của Tập đoàn lúc bấy giờ", luật sư đề nghị.
Luật sư đề nghị, HĐXX cho Ninh Văn Quỳnh được hưởng các tình tiết giảm nhẹ.
Đồng thời, do hậu quả nghiêm trọng trong kết quả giám định còn chưa rõ ràng cần phải tính toán lại cho phù hợp với thực tế khách quan, trên cơ sở pháp luật hiện hành và đảm bảo quyền của bị cáo Ninh Văn Quỳnh nên ông Quang đề nghị HĐXX trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung phần này.
Đối với bị cáo Lê Đình Mậu, nguyên Phó Trưởng Ban Kế toán - Kiểm toán PVN, theo luật sư Quang, tại phiên toà, bị cáo Ninh Văn Quỳnh cũng đã khai bị cáo Mậu đã làm đúng theo sự uỷ quyền, không trái với các nhiệm vụ được Tập đoàn PVN giao
Luật sư bào chữa đề nghị HĐXX xem xét cho Mậu được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ như người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn, hối cải; có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác..; xem xét cho Lê Đình Mậu được hưởng hình phạt tù án treo vì mức hình phạt này là đủ để bị cáo nhận thức được sai phạm của mình và thể hiện sự khoan hồng của Đảng và nhà nước.
Tiền tạm ứng thực chất chuyển từ "két nọ sang két kia" trong Tập đoàn
Trước đó, luật sư Lê Đình Ứng, người bào chữa cho Nguyễn Xuân Sơn cho biết, giai đoạn lấy lời khai ông Sơn không mời luật sư vì cho rằng làm đúng quy định của PVN. Ông Sơn đã tự bào chữa cho mình. Sau đó, do sức khỏe không đảm bảo, thấy cần luật sư trình bày rõ cho mình trong vụ án, ông Sơn đã mời luật sư.
Luật sư Ứng cho rằng, chủ trương thành lập dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 được thành lập trước khi bị cáo về PVN. Ngoài ra, dự án nhiệt điện Thái Bình 2 được Ban Tổng giám đốc Tập đoàn phân công Phó giám đốc chuyên trách là ông Nguyễn Quốc Khánh trực tiếp theo dõi.
Danh sách Ban chỉ đạo dự án điện than do HĐTV PVN thành lập cũng không có tên ông Sơn.
Với các căn cứ đã nêu, luật sư nhận định các văn bản, thông tin về nội dung hợp đồng EPC số 33 không được cấp dưới báo cáo ông Nguyễn Xuân Sơn. Theo ông Ứng, bị cáo Sơn không biết hợp đồng đã ký thiếu cơ sở pháp lý.
Về việc chỉ đạo Bản quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tạm ứng tiền cho PVC - công ty do Trịnh Xuân Thanh điều hành - luật sư cho rằng thân chủ của ông chỉ thực hiện theo quyền được phân công. Theo quy định, các dự án trọng điểm như nhiệt điện Thái Bình 2, việc cấp vốn thực hiện theo kế hoạch cấp được HĐQT PVN phê duyệt. Ban quản lý dự án có trách nhiệm thay mặt tập đoàn quản lý, sử dụng tiền theo quy định hiện hành.
Trích dẫn một số văn bản gửi đi, luật sư Ứng nói ông Sơn luôn nhắc nhở, yêu cầu Ban quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 sử dụng đúng mục đích, đúng pháp luật.
"Tiền tạm ứng thực chất là chuyển từ túi nọ sang túi kia, két nọ sang két kia thuộc Tập đoàn, trách nhiệm sử dụng thuộc Ban quản lý dự án", người bào chữa cho rằng bị cáo Sơn đã thực hiện đúng vai trò người quản lý tài chính.
Ông Ứng yêu cầu HĐXX xem xét căn cứ, phương pháp giám định thiệt hại khoản tiền 1.100 tỷ đồng PVC sử dụng sai mục đích. Trong trường hợp phát sinh thiệt hại thì trách nhiệm thuộc công ty con là PVC, không thuộc PVN.
Lời khai mâu thuẫn của các bị cáo trong phiên tòa về sai phạm của hợp đồng số 33