Luật sư: Ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung không có quyền tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải |

Ông Nguyễn Trọng Thìn, chủ quán phở Thìn 13 Lò Đúc hay Đoàn Hải Trung, “truyền nhân” của ông Thìn… đều không phải là người bị xâm hại quyền sở hữu trí tuệ sau những lùm xùm về nhãn hiệu “phở Thìn” thời gian qua.

Nội dung chính:

Tranh chấp nhãn hiệu giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung không có ý nghĩa bởi người sở hữu nhãn hiệu phở Thìn là ông Bùi Chí Đạt. Không sở hữu nhãn hiệu, ông Nguyễn Trọng Thìn không có quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn trong nước.

Bài viết của Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM chia sẻ góc nhìn pháp lý về tranh chấp xung quanh thương hiệu Phở Thìn. BBT xin đăng tải nguyên văn.

Luật sư: Ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung không có quyền tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Hoàng Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM

Tranh chấp nhãn hiệu giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung không có ý nghĩa

Tra cứu dữ liệu tại WIPO (Website tra cứu thông tin nhãn hiệu của Cục Sở hữu trí tuệ), hiện có 13 đơn đã nộp đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ để bảo hộ nhãn hiệu “Phở Thìn” cho nhóm hàng hóa dịch vụ là nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Tuy nhiên đến nay, chỉ có đơn của ông Bùi Chí Đạt nộp ngày 26/12/2014 được chấp nhận và cấp bằng ngày 25/3/2015 còn hiệu lực, các đơn còn lại hoặc đã bị từ chối hoặc đang trong quá trình thẩm định.

Trước đó, nhãn hiệu “Phở Thìn” được ông Bùi Chí Đạt nộp đơn đăng ký lần đầu vào ngày 20/11/2003, đơn này đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận (văn bằng) vào ngày 18/3/2005, văn bằng này có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần, thời điểm hết hạn của văn bằng là ngày 20/11/2013.

Về phía ông Nguyễn Trọng Thìn ở 13 Lò Đúc, năm 2009, người này nộp đơn đăng ký nhãn hiệu “Phở Thìn” nhưng sau đó bị từ chối. Đến ngày 15/5/2020, ông Thìn tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có chữ “Phở Thìn”, đơn này đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định về mặt nội dung và chưa có quyết định cấp hay từ chối dù đã quá thời hạn thẩm định theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy tại Việt Nam, ông Bùi Chí Đạt là chủ sở hữu duy nhất của nhãn hiệu “Phở Thìn”, ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung không có bất cứ quyền nào đối với nhãn hiệu này cho đến thời điểm hiện tại. Do đó, tranh chấp giữa ông Nguyễn Trọng Thìn và ông Đoàn Hải Trung liên quan đến nhãn hiệu “Phở Thìn” không có ý nghĩa, nếu có chỉ là những tranh chấp trong quá trình góp vốn, hùn hạp hoặc các tranh chấp khác (nếu có), chứ không phải tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ.

Luật sư: Ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung không có quyền tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn - Ảnh 2.

Phở Thìn Bờ Hồ được ông Bùi Chí Thìn mở từ năm 1954.

Khi nhiều quán ăn lấy tên “Phở Thìn”, kể cả những quán ăn được cho là do ông Nguyễn Trọng Thìn mở, thì quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt đang bị xâm phạm. Dù vậy, ông Đạt chưa lên tiếng hay có phát ngôn nào về quyền lợi của mình.

Ông Nguyễn Trọng Thìn cho biết nhãn hiệu “Phở Thìn” đã được ông sử dụng từ năm 1979, còn ông Bùi Chí Thành (cháu nội của ông Bùi Chí Thìn (đã mất) - người khai trương quán Phở Thìn tại đường Đinh Tiên Hoàng) cho hay nhãn hiệu “Phở Thìn” được ông Bùi Chí Thìn sử dụng từ năm 1954.

Giả sử ông Nguyễn Trọng Thìn mở cửa hàng phở và sử dụng tên gọi Phở Thìn trước ông Bùi Chí Đạt nhưng không đăng ký bảo hộ thì vẫn không được pháp luật thừa nhận chủ sở hữu. Pháp luật Việt Nam áp dụng nguyên tắc “First to file” - bảo hộ cho người đăng ký trước chứ không áp dụng nguyên tắc “First to use” - bảo hộ cho người sử dụng trước như một số nước khác, nguyên tắc này được thể hiện tại Điều 6.3 Luật Sở hữu trí tuệ

Quán Phở Thìn tại đường Đinh Tiên Hoàng - còn được gọi là Phở Thìn bờ Hồ để phân biệt với các phiên bản “Phở Thìn” khác.

Ông Nguyễn Trọng Thìn không có quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu phở Thìn trong nước

Ông Nguyễn Trọng Thìn đã mở một số tiệm phở ở nước ngoài như Mỹ, Pháp, Úc. Tại các quốc gia này, ông được cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu “Phở Thìn”.

Tại quận 7, quán Phở Thìn được ông Nguyễn Trọng Thìn xác nhận “chính chủ” không được coi là nhượng quyền thương mại. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, việc nhượng quyền thương mại phải gắn với nhãn hiệu của tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Trong khi đó, riêng nhãn hiệu Phở Thìn đã không thuộc sở hữu của ông Nguyễn Trọng Thìn.

Thậm chí, nếu cho người khác sử dụng nhãn hiệu “Phở Thìn”, ông Nguyễn Trọng Thìn đang có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt.

Điều 129.1.a Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Hành vi sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu.

Như vậy tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Thìn mới là người có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt chứ không phải người khác xâm phạm quyền của ông cho dù ông có đặt tên cho các tiệm phở của mình là “Phở Thìn 13 Lò Đúc” để phân biệt với các Phở Thìn khác. Chi tiết “13 Lò Đúc” chỉ là những dấu hiệu đi kèm, không phải là yếu tố mạnh đập vào tiềm thức của người tiêu dùng.

Ngay cả khi tên thật của ông là Thìn, thì việc đặt tên quán phở là Phở Thìn 13 Lò Đúc, cũng là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của ông Bùi Chí Đạt!

Với những công cụ mà pháp luật đã trao, chủ nhãn hiệu “Phở Thìn” (là ông Bùi Chí Đạt) hoàn toàn có quyền ngăn cấm những người đang sử dụng nhãn hiệu của mình trong lĩnh vực ăn uống bằng cách yêu cầu các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.

Cần làm gì để tránh tranh chấp nhãn hiệu trong kinh doanh

Trước khi sử dụng một dấu hiệu nào đó làm nhãn hiệu, chủ cơ sở kinh doanh cần xác lập quyền đăng ký nhãn hiệu, tránh trường hợp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác.

Luật sư: Ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung không có quyền tranh chấp nhãn hiệu Phở Thìn - Ảnh 3.

Các quán phở Thìn mọc lên khắp nơi. Đây là một quán Phở Thìn tại Quận 7 - TP.HCM, cách quán của ông Nguyễn Trọng Thìn vài chục mét.

Trước khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chủ cơ sở kinh doanh cần tìm đến những chuyên gia có kinh nghiệm tra cứu nhãn hiệu. Việc tra cứu này nhằm đánh giá khả năng nhãn hiệu mà mình đăng ký có xâm phạm quyền của người khác hay chưa, có thể đăng ký cho nhóm hàng hóa dịch vụ nào.

Ngoài đăng ký tại Việt Nam, chủ cơ sở có thể xem xét, cân nhắc đăng ký ở những quốc gia khác mà tương lai nhãn hiệu đó sẽ có mặt.

Ngoài ra chủ sở hữu nhãn hiệu cần thường xuyên tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ tại WIPO để phản đối cấp những đơn nộp tại Việt Nam đăng ký trùng nhãn hiệu.

Ngoài ra khi lựa chọn một nhãn hiệu cho hoạt động kinh doanh, chủ sở hữu thường đầu tư nhiều chi phí như thiết kế, quảng cáo, in bao bì, tem nhãn mác… Nếu không tra cứu kỹ dẫn đến tình trạng cơ quan chức năng không công nhận, khoản tiền đầu tư vào nhãn hiệu có thể trở thành “công cốc”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại