Luật sư nói về miễn xử lý hình sự với nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội

Hoàng Đan |

Các luật sư đã lên tiếng về việc không xử lý hình sự với nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội và các lãnh đạo Vinaconex xung quanh vi phạm xảy ra tại Tổng công ty này.

Không đúng luật?

Ngày 15/7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung vụ án "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty CP xuất nhập khẩu VN (Vinaconex)", đồng thời chuyển hồ sơ tới Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 9 bị can.

Cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinaconex, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội; Nguyễn Văn Tuân, nguyên Tổng giám đốc Vinaconex cùng 3 thành viên HĐQT có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (TP Hồ Chí Minh) thì những căn cứ để không tiếp tục xử lý hình sự đối với vụ án đã có quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố các bị can, có cáo trạng, quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng lại không xử lý hình sự bị can là một "thách thức" với dư luận xã hội

Vì trong quá trình điều tra, dù những người này có khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án, có nhân thân tốt, nhiều đóng góp, vi phạm lần đầu, và việc ra các quyết định trái quy định là muốn công trình nhanh, giá rẻ, có chăng chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xem xét lượng hình của HĐ xét xử chứ không thể xem là căn cứ để đình chỉ việc khởi tố vụ án, đình chỉ việc khởi tố các bị can.

Nhất là tình tiết "kết quả điều tra không xác định được động cơ vụ lợi" thì lại càng không thể xem là lý do để đình chỉ.

Bởi với tội "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" theo điều 229 bộ luật Hình sự, tội danh này quy định khá chi tiết, là hành vi:

"Vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình…", hoàn toàn không đề cập gì đến yếu tố cấu thành là nhằm động cơ, mục đích vụ lợi.

Luật sư nói về miễn xử lý hình sự với nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội - Ảnh 1.

Luật sư Phạm Công Út

"Do vậy theo tôi, việc đình chỉ như thế này dễ dẫn đến sự không đồng tình của dư luận, vì hành vi vi phạm này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của hàng trăm ngàn hộ dân của thủ đô với 18 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước sông Đà", luật sư Út bày tỏ.

Còn luật sư Đặng Văn Cường (Hà Nội), theo quy định pháp luật hiện hành thì tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Người nào thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì sẽ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (trừ trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự).

Cũng theo luật sư Cường, về nguyên tắc của luật hình sự thì một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm) thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chỉ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nếu do "chuyển biến tình hình", hành vi như vậy không còn nguy hiểm nữa (pháp luật đã thay đổi hoặc xã hội đã thay đổi và nội dung này được quy định tại Điều 25 BLHS.

Phạm tội lần đầu, thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, thành khẩn khai báo.... chỉ là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 46 BLHS chứ không phải là tình tiết để miễn truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 25 BLHS.

Luật sư nói về miễn xử lý hình sự với nguyên Phó Chủ tịch Hà Nội - Ảnh 2.

Đường ống nước sông Đà liên tục gặp sự cố vỡ. Ảnh: Zing.vn

"Ở đây, cơ quan tố tụng xác định, ông Phí Thái Bình và các lãnh đạo Vinaconex có dấu hiệu tội phạm nhưng khai báo thành khẩn, phạm tội lần đầu, sức khỏe yếu nên không xem xét trách nhiệm hình sự".

Việc xác định như vậy là không phù hợp với quy định tại Điều 25 BLHS, nên việc "miễn truy cứu trách nhiệm hình sự" với ông Phí Thái Bình và 4 lãnh đạo khác của Vinaconex là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc không truy cứu người có tội sẽ gây "nguy hiểm" cho cơ quan tiến hành tố tụng "(Điều 294 BLHS) và có thể gây bức xúc trong dư luận. Vụ việc này cần phải xem xét lại một cách thấu đáo và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Cường nêu rõ.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Luật sư Cường cũng nhấn mạnh thêm, BLHS năm 1999 và năm 2015 (đang tạm hoãn thi hành) đều có quy định về các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, tuy nhiên đều không quy định trường hợp hành vi của ông Phí Thái Bình và các lãnh đạo Vinaconex được loại trừ trách nhiệm hình sự.

"Vì vậy VKSND tối cao phải truy cứu trách nhiệm với ông Bình và các lãnh đạo Vinaconex dựa vào kết quả điều tra và chứng cứ cứ đã được xác minh, thu thập.

Việc xem xét lại các trường hợp này để đảm bảo đúng nguyên tắc bình đẳng trong luật hình sự, đảm bảo công bằng và tránh việc phản ứng của dư luận xã hội.

Và nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự ở đây, theo tôi là sẽ có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm theo quy định của pháp luật hiện hành", luật sư Cường đưa ý kiến.

Luật sư Út cũng việc nêu rõ, cơ quan tố tụng đưa ra các căn cứ ấy để không xử lý hình sự hoàn toàn không đúng với các quy định của pháp luật hiện hành.

"Thậm chí nếu việc đình chỉ này trót lọt thì sẽ tạo một tiền lệ rất xấu cho những hành vi phạm tội tương tự sau này cho xã hội. Vì hành vi này vốn đã bị xem là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật hình sự.

Tôi hy vọng cơ quan tố tụng TƯ tiếp tục xem xét lại tính hợp pháp của việc không xử lý hình sự này để khôi phục lại quyết định khởi tố.

Đồng thời xem xét động cơ, mục đích của người đã ra quyết định đình chỉ này về hành vi "Không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội" theo điều 294 BLHS", luật sư Út nhấn mạnh thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại