Hôm qua (1/8), Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực. Đi kèm với văn bản này là những thông tin liên quan đến việc xử phạt hành chính đối với các phương tiện giao thông "vượt đèn vàng".
Để có góc nhìn đầy đủ hơn về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm này, sáng nay (2/8), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn LS Bùi Phương Lan - Phó Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính (Đoàn LS TP.Hà Nội).
LS Bùi Phương Lan - Phó Trưởng Văn phòng LS Danh Chính
PV: Dưới góc độ luật sư, chị thấy thông tin "vượt đèn vàng sẽ bị phạt" có chính xác không?
LS Bùi Phương Lan: Liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính do không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, trước đây, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại Điều 5, Khoản 4, Điểm k quy định (đối với ô tô): "Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng".
Mức phạt với trường hợp trên là từ 800.000 đ đến 1.200.000 đ (đối với xe máy quy định tại Điều 6 Khoản 4, Điểm c, mức phạt từ 200.000đ đến 400.000đ).
Căn cứ nội dung điều luật và nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, có thể thấy rằng, điều luật trên được áp dụng để xử phạt hành vi: "Không dừng trước vạch khi đèn tín hiệu đã chuyển sang màu đỏ" chứ không quy định về xử phạt khi "vượt đèn vàng".
Hiện nay, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/08/2016, thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định việc xử phạt hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông tại Điều 5, Khoản 5, Điểm a (đối với xe ô tô), cụ thể:
"Phạt tiền từ 1.200.000đ đến 2.000.000đ đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: a/ Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông" (đối với xe máy quy định tại Điều 6, Khoản 4, Điểm c, mức phạt từ 300.000đ đến 400.000đ).
Điều luật không quy định cụ thể việc không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là "vượt đèn đỏ hay đèn vàng". Do đó, cần căn cứ các quy định của pháp luật liên quan, tập quán, thực tiễn để giải thích và áp dụng.
Căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ số QCVN 41/2016/BGTVT (có hiệu lực từ 01/11/2016), điều 10.3 quy định về "Ý nghĩa của đèn tín hiệu":
"Tín hiệu xanh: Cho phép đi.
Tín hiệu vàng: Báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn "Vạch dừng xe".
Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe", thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt qua vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng xe sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.
Tín hiệu đỏ: Báo hiệu phải dừng lại trước vạch dừng xe. Nếu không có vạch sơn "Vạch dừng xe", thì phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi".
Căn cứ Quy chuẩn có thể thấy rằng: Đèn xanh là cho phép đi; đèn đỏ là bắt buộc phải dừng; còn đèn vàng: Báo hiệu sự thay đổi từ xanh sang đỏ, và điều quan trọng nhất là người điều khiển phương tiện được "quyền lựa chọn đi tiếp hay dừng lại" tùy theo hoàn cảnh, cụ thể:
"Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt qua vạch sơn "Vạch dừng xe", nếu dừng xe sẽ gây nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau".
Về nguyên tắc, khi quy định pháp luật đã cho phép người tham gia giao thông được "lựa chọn tùy hoàn cảnh" thì không thể coi là "hành vi vi phạm" và do đó sẽ không thể xử phạt.
PV: Vậy việc quy định về đèn tín hiệu giao thông như trong luật Giao thông 2008 cần được hiểu như thế nào trong trường hợp đèn vàng, thưa luật sư?
LS Bùi Phương Lan: Điều 10, Khoản 3, Luật Giao thông đường bộ quy định: "Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau: a. Tín hiệu xanh là được đi; b. Tín hiệu đỏ là cấm đi; Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường".
Nếu căn cứ quy định của điều luật này thì: "Người điều khiển phương tiện giao thông phải dừng lại trước vạch khi có tín hiệu đèn vàng".
Tuy nhiên, quy định này chưa đồng nghĩa với việc nếu người tham gia giao thông không dừng lại khi có đèn vàng là hành vi vi phạm hành chính và sẽ bị xử phạt.
Theo nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính, việc coi hành vi không dừng lại khi có đèn vàng có phải là "hành vi vi phạm hành chính và bị xử phạt" hay không cần phải căn cứ vào các quy định của pháp luật, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan.
Để pháp luật được thực hiện thống nhất, công bằng, khách quan, nghiêm minh, các cơ quan chức năng cần có quy định thống nhất, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để người dân được biết và tuân theo, tránh việc áp dụng tùy tiện, mỗi nơi, mỗi người hiểu một cách.
PV: Để thực hiện quy định này một cách nghiêm túc, một số người đề nghị cần có bảng hiển thị thời gian ở nơi có đèn tín hiệu, tránh việc phương tiện không kịp dừng khi gần đến vạch sơn do quán tính. Là một người tham gia giao thông, luật sư có ý kiến như thế nào về việc này?
LS Bùi Phương Lan: Bảng hiện thị thời gian trong hệ thống đèn tín hiệu giao thông là một sự cải tiến rất hữu ích cho người tham gia giao thông, giúp họ ước lượng được thời gian, làm chủ tốc độ khi điều khiển phương tiện qua nơi giao nhau.
Theo tôi, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần cố gắng đầu tư, trang bị trên toàn hệ thống.
Xin cám ơn luật sư.