Những cuộc thương lượng đầy khó khăn
Sau 7 cuộc thương lượng với liên ngành tư pháp tỉnh Bình Thuận, đến sáng 17/1, ông Biện Văn Hoan, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận cho biết gia đình "người tù thế kỷ" Huỳnh Văn Nén đã chấp nhận khoản bồi thường hơn 10 tỷ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh), một trong các luật sư được ông Nén mời tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp vẫn không giấu được niềm vui khi sau lần thương lượng thứ 7 và cũng là cận Tết nguyên đán, gia đình thân chủ của mình đã nhận được kết quả.
Để có được kết quả trên, theo luật sư Út, gia đình ông Huỳnh Văn Nén và các luật sư đã phải trải qua 6 cuộc thương lượng "đầy khó khăn, thậm chí có cả thất vọng" với liên ngành tư pháp tỉnh Bình Thuận, bởi các quy định của pháp luật chưa đầy đủ.
"Nếu mà nói về khó khăn nhất sau 7 cuộc thương lượng này thì đó chính là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước vẫn chưa hoàn chỉnh dẫn đến việc trao đổi giữa hai bên không đồng chung quan điểm, nhất trí.
Nhiều khoản chi phí, tổn thất được chúng tôi đưa ra nhưng phía liên ngành đều từ chối hoặc bác bỏ và cho rằng, không có căn cứ khiến cho không ít lần, mọi người cảm thấy thất vọng", luật sư Út nói.
Cũng theo luật sư Út nhớ lại, khi các cuộc thương lượng dường như đang "bế tắc" thì gia đình quyết định cùng luật sư ra Hà Nội để cầu cứu tới Quốc hội vào ngày 19/11/2016.
"Khi đó, chúng tôi không đủ tiền để mua 6 chiếc vé máy bay cho ông Huỳnh Văn Nén, cụ Huỳnh Văn Truyện, ông Nguyễn Thận, ông Nghĩa, tôi, và một nhà báo nên phải thay phiên nhau lái xe ôtô trên đoạn đường gần 2.000 km, cả ngày lẫn đêm.
Tiền mang theo cũng ít nên chỉ đủ tiền ăn cơm bụi, ngủ nhà trọ tồi tàn để ra kịp kỳ họp của Quốc hội.
Nhưng cũng may là lần đầu tiên ông Nén đã được diện kiến người ơn của mình là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.
Và cũng ngay ngày hôm sau, bà Nga đã có những lời chất vấn và yêu cầu xác đáng tại diễn đàn của Quốc hội. Chúng tôi cũng vẫn nói, chính vì nhờ những tiếng nói như thế mà lần thương lượng thứ 7 mới được khép lại, đạt kết quả chấp nhận được", luật sư Út chia sẻ thêm.
Gia đình ông Nén và luật sư trong một lần thương lượng bồi thường. Ảnh: VOV.
Một kỷ niệm khác cũng được luật sư Út nhắc đến, đó là, trong 6 cuộc thương lượng "bất thành" thì phía toà án, cơ quan gây ra oan sai luôn nói, đây là lần thương lượng cuối cùng nhưng rồi phải trải qua nhiều tháng, sau 7 lần thương lượng mới kết thúc.
"Trong khi đó cụ Truyện thì tuổi đã cao, sức yếu, ông Nén lại bị tâm thần ngày càng nặng nên nhiều khi cứ nghe lần cuối cùng mà mình cũng cảm thấy không vui...", luật sư Út kể.
Dù có rất khó khăn trong chặng đường kêu oan, đòi bồi thường cho ông Nén nhưng theo luật sư Út, chưa bao giờ ông nghĩ tới việc buông bỏ, không tiếp tục đồng hành.
Món quà ý nghĩa của "người tù xuyên thế kỷ"
Cũng theo luật sư Út, không phải các luật sư mà chính những người thân, thầy giáo của ông Nén mới có công lao lớn nhất trong việc giải oan, đòi bồi thường cho "người tù xuyên thế kỷ" này.
"Trước tiên phải kể đến đó là 3 nhân vật đã từng đồng hành cùng số phận của ông Huỳnh Văn Nén gần hai thập kỷ, đó là ông giáo Nguyễn Thận, đó là cụ Huỳnh Văn Truyện cha của ông Nén và ông Nghĩa, anh rể của ông Nén.
Kế đến, có rất nhiều đại biểu Quốc hội, rất nhiều luật sư, nhà báo và nhất là dư luận xã hội, và cả những cư dân của thị trấn Tân Minh, nơi ông Nén sinh sống mà tôi từng diện kiến. Đó là bức tranh chung tạo nên sự "ấn tượng nhất" cho chúng tôi", luật sư Út bày tỏ.
Vị luật sư này cũng chia sẻ thêm, từ sau khi được minh oan, ông Nén cũng đã từng tặng quà cho ông và món quà đó luôn được ông trân trọng.
"Không riêng tôi mà nhiều luật sư đều được ông Huỳnh Văn Nén, ông giáo Thận đến tận nhà hoặc văn phòng để cảm ơn các luật sư đã đồng hành, bất chấp hiểm nguy để minh oan cho ông.
Quà chỉ là một lẵng hoa thôi, không có gì to tát cả nhưng với người cùng khổ thì có khi đó là cả một gia tài nên các luật sư như tôi đều cảm thấy rất trân trọng món quà vô cùng có ý nghĩa ấy", luật sư Út nhấn mạnh.
Khi được hỏi còn điều gì mà luật sư trăn trở và muốn giúp ông Huỳnh Văn Nén trong thời gian tới không? luật sư Út đã không ngần ngại tâm sự:
"Tôi trăn trở nhất, sau câu chuyện về bồi thường oan sai, tôi mong ông Huỳnh Văn Nén sẽ là một con người biết ơn nghĩa với cụ Truyện, ông giáo Thận, chị ruột, anh rể của ông, những người đã luôn đồng hành hàng chục năm qua, giải oan cho ông từ "cõi chết" trở về".
Ông Huỳnh Văn Nén được gọi là "người tù thế kỷ" vì phải chịu cùng lúc 2 bản án oan sai về hành vi giết người.
Tháng 5/1998, ông Nén bị bắt vì tình nghi giết bà Lê Thị Bông ở cùng thôn. Vụ án này ông Nén bị kết án tù chung thân.
Trong thời gian điều tra, "người tù thế kỷ" còn bị cho đã tự nhận giết bà Dương Thị Mỹ vào năm 1993. Tuy nhiên, vụ án này được xác định oan sai vào năm 2005, 9 người thân của ông được trả tự do và bồi thường.
Đến cuối năm 2015, ông Nén mới được xác định oan sai trong vụ án bà Lê Thị Bông. Hung thủ thật sự là Nguyễn Thọ đã bị bắt và sau đó lĩnh mức án 20 năm tù.
Sau khi được trả tự do, ông Nén yêu cầu bồi thường hơn 18 tỷ đồng. Sau 7 lần thương lượng, TAND tỉnh Bình Thuận và "người tù thế kỷ" mới thống nhất được số tiền hơn 10 tỷ đồng.