Ngày 20/4, trả lời PV VTC News, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, người bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan xác nhận vừa có đơn đề nghị xử lý hành vi vi phạm Luật An ninh mạng.
Luật sư gửi đơn tới gửi Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục Phát thanh truyền hình, Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), TAND TP.HCM, VKSND Tối cao (Vụ 3) và gửi Cơ quan CSĐT (C03, Bộ Công an).
Trong đơn có nội dung: “Tôi nhận thấy tất cả các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có thái độ tôn trọng, hợp tác với HĐXX, Viện Kiểm sát và các đơn vị nghiệp vụ tham gia phiên tòa.
Tuy nhiên sau phiên tòa sơ thẩm, xuất hiện đoạn clip lồng ghép, xuyên tạc hội thoại giữa Chủ tọa phiên tòa và bà Trương Mỹ Lan. Đoạn clip đó đến nay đã tạo cơn sốt, thậm chí đã trở thành viral (lan truyền), tạo trend (xu hướng) tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội…".
Để ngăn chặn những tác động xấu tiếp tục xảy ra cho người dân và xã hội, luật sư Giang Hồng Thanh đề nghị các cơ quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi vi phạm, xử lý nghiêm người thực hiện hành vi để răn đe và phòng ngừa chung, tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Bên cạnh đó, luật sư mong Cục phát thanh truyền hình, thông tin điện tử yêu cầu các cá nhân đã đăng tải clip và các tổ chức quản lý gỡ bỏ nội dung này khỏi tài khoản và các nền tảng mạng xã hội, website.
Luật sư Giang Hồng Thanh khẳng định, không có việc bà Trương Mỹ Lan nói 673 nghìn tỷ đồng ở ngoài biển. Luật sư cho biết, trong suốt quá trình xét xử, tất cả các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đều có thái độ tôn trọng, hợp tác.
"Về số tiền hơn 673 nghìn tỷ đồng, đây là con số được HĐXX tính toán và chỉ đưa ra trong phần tuyên án, nên không thể có chuyện trong phần xét hỏi đã nhắc đến số tiền này", ông Thanh nói.
Theo luật sư Giang Hồng Thanh, đoạn clip trên được tạo dựng, lồng ghép và thậm chí có thể được sử dụng công nghệ AI để sao cho hình ảnh chân thực, sống động nhất.
Đoạn clip này đã xuyên tạc diễn biến phiên tòa, xuyên tạc lời nói của Chủ tọa cũng như của bà Trương Mỹ Lan, tạo dư luận xấu, làm giảm sự uy nghiêm, phụng công thủ pháp của Tòa án. Không những vậy, đoạn clip bịa đặt đã xúc phạm đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Trương Mỹ Lan được pháp luật bảo vệ.
Luật sư trích dẫn điểm d Khoản 1 Điều 8 và điểm a, b Khoản 3, Khoản 5 Điều 16 Luật An ninh mạng để cho rằng hành vi của người tạo dựng clip đã vi phạm điều cấm của luật.
Trước đó, mạng xã hội "phát sốt" với trào lưu "ra biển tìm kho báu" liên quan số tiền hơn 673.000 tỷ đồng mà bà Trương Mỹ Lan phải bồi hoàn theo quyết định của tòa. Cư dân mạng đua nhau đăng bài với những hình ảnh, dòng trạng thái liên quan đến cụm từ khóa này.
Trò ăn theo này càng trở thành cao trào khi một tài khoản trên ứng dụng Threads đăng status với các tình tiết được phóng tác từ bộ truyện tranh nổi tiếng One Piece, trong đó tên hải tặc khét tiếng trước khi bị xử tử đã tiết lộ về kho báu vĩ đại nhất thế giới, khiến nhiều người kéo nhau ra biển để tìm. Bài đăng này khơi mào cho hàng loạt video chế khác về chủ đề “ra biển tìm kho báu 673 nghìn tỷ đồng”.
Chiều 11/4, TAND TPHCM đưa ra mức án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị tuyên 20 năm tù tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; 20 năm tù tội Đưa hối lộ và tử hình tội Tham ô tài sản. Tổng mức án bị cáo phải chịu là tử hình.
Số tiền mà bị cáo Trương Mỹ Lan phải khắc phục, bồi thường cho SCB là 673.849 tỷ đồng