Chính sách về đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ được hoàn thiện đảm bảo công khai, minh bạch. Trong ảnh: công trình tuyến metro số 2 trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.Tân Bình, TP.HCM được người dân ủng hộ giải tỏa bàn giao mặt bằng - Ảnh: TỰ TRUNG
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật đất đai (sửa đổi), sau khi tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cùng các đơn vị liên quan.
Khắc phục bất cập trong quản lý, thúc đẩy quyền sử dụng đất
Tờ trình mới nhất tiếp tục chỉ ra công tác quản lý và sử dụng đất còn tồn tại, hạn chế như quy hoạch chưa đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững, thực hiện chưa nghiêm.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân. Thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định; tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường. Năng lực quản lý nhà nước về đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu, vi phạm còn nhiều nhưng xử lý hạn chế…
Do đó, việc xây dựng Luật đất đai (sửa đổi) sẽ nhằm hoàn thiện thể chế, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn để tạo hành lang pháp lý cho quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, thúc đẩy quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh…
Tờ trình của Chính phủ đánh giá đây là đạo luật quan trọng, phức tạp, tác động mọi mặt đời sống, nên luật phải thể chế hóa được chủ trương, đường lối, đảm bảo sự nhất quán, ổn định, kế thừa quy định đúng.
Hoàn thiện quy định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực; gắn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, kiểm soát quyền lực trong quản lý đất đai, tăng cường giám sát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý trên cơ sở ứng dụng chuyển đổi số…
Theo đó, những chính sách mới của dự thảo luật được đưa ra bao gồm đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hằng năm và quy định cụ thể các trường hợp thuê đất trả tiền một lần phù hợp với tính chất, mục đích sử dụng đất, bảo đảm nguồn thu ổn định.
Đồng thời, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất. Hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở đi trước một bước, đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích.
Cơ chế xác định giá đất sẽ theo nguyên tắc thị trường, gắn với kiểm tra, giám sát trong xây dựng bảng giá đất. Bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Hoàn thiện quy định về thị trường quyền sử dụng đất
Đáng chú ý, dự thảo sẽ quy định với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang sẽ có mức thuế cao hơn. Tuy nhiên cũng có những chính sách ưu đãi thông qua miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phù hợp với lĩnh vực, địa bàn và đối tượng.
Các chính sách liên quan tới thị trường bất động sản cũng sẽ được hoàn thiện, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường gắn với thông tin đất đai; có chính sách khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp, mục tiêu để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững.
Thực hiện đăng ký bắt buộc về quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, đồng thời có chế tài cụ thể, đồng bộ ngăn chặn các trường hợp giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước.
Đối với đất nông nghiệp sẽ có cơ chế quản lý theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp.
Cùng với đó là các chính sách quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất nhà ở với thương mại, dịch vụ; đất thương mại với nông nghiệp; đất quốc phòng an ninh kết hợp kinh tế, đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh, đất từ hoạt động lấn biển…