Sóng gió ở Hong Kong
Hong Kong là một thành phố được xây dựng cho các doanh nghiệp.
Khi bị chiếm giữ bởi người Anh sau khi Chiến tranh Nha phiến lần đầu tiên kết thúc vào năm 1842, Hong Kong đã bị sử dụng để làm nơi giao dịch thuốc phiện và các sản phẩm khác. Tới cuối thế kỉ 20, Hong Kong trở thành một trung tâm tài chính của thế giới và là cửa ngõ để nước ngoài tiến vào nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc thành phố này được trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 lại làm dấy lên những lo ngại rằng mô hình kinh tế ở Hong Kong sẽ sụp đổ.
Hai năm trước ngày chuyển giao, tạp chí Fortune đã đăng tải một bài cảnh báo về "ngày tàn của Hong Kong", cho rằng "một trong những nền kinh tế phát triển thuận lợi nhất" đã rơi vào tay Trung Quốc.
Đây là hồi chuông báo tử đã được rung lên nhiều lần nhưng chưa bao giờ trở thành hiện thực. Từ năm 1997 cho tới nay, GDP của Hong Kong vẫn tăng đều, thị trường ổn định và giá nhà đất vẫn tiếp tục tăng vọt vì đầu tư từ Trung Quốc và nước ngoài.
Hơn 1 triệu người được cho là đã tham gia cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Hong Kong. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, dự luật dẫn độ gây tranh cãi mới đây có thể sẽ thay đổi tất cả chỉ vì một lí do đơn giản. Lần này, những thách thức mà Hong Kong phải đối diện sẽ trở thành mối đe dọa trực tiếp đối với cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực này.
"Mối quan tâm lớn nhất là luật dẫn độ sẽ khiến các nhà điều hành doanh nghiệp nước ngoài tại Hong Kong bị đặt dưới sự giám sát của hệ thống pháp luật Trung Quốc," Duncan Innes-Ker, giám đốc khu vực châu Á của công ty nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), cho biết.
Nếu dự luật được thông qua, những doanh nhân có thể sẽ bị đưa từ Hong Kong tới Trung Quốc vì những lí do chính trị hoặc vấn đề trong hoạt động kinh doanh. Hoạt động này được cho là sẽ làm yếu đi hệ thống pháp lí đặc thù của Hong Kong.
"Sự tín nhiệm của Hong Kong đang rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng," Tara Joseph, chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong, nói.
Rủi ro tới đâu?
Trong những tuần gần đây, các tổ chức kinh tế nước ngoài - vốn thường giữ thế trung lập đối với các vấn đề chính trị - đã lên tiếng phản đối dự luật. Những nhà điều hành đã bí mật thảo luận và cảnh báo các nhà lập pháp rằng dự luật có thể sẽ làm tổn hại tới danh tiếng của Hong Kong, nơi thường được coi là địa điểm an toàn nhất để đặt các trụ sở của doanh nghiệp tại Trung Quốc và Châu Á.
Đề nghị giấu tên, một nhà điều hành của tổ chức quốc tế ở Hong Kong thừa nhận rằng "các doanh nghiệp quốc tế đang đối diện với sự rủi ro nhất định khi hoạt động ở nước ngoài".
"Nhưng giá trị của Hong Kong đã được khẳng định bởi đây là nơi có ít rủi ro nhờ vào hệ thống pháp luật, tự do ngôn luận, tự do báo chí và nền tư pháp độc lập," ông giải thích.
Người biểu tình ở Hong Kong chạy trong làn khí ga hơi cay. Ảnh: AFP
Với giá thuê văn phòng ngày càng đắt đỏ, Hong Kong hiện tại đã đối diện với sự cạnh tranh lớn từ các vùng khác trong khoản đầu tư quốc tế. Singapore là một đối thủ mạnh, các thành phố khác của Trung Quốc như Thượng Hải và Thâm Quyến cũng đang thu hút không ít các nhà đầu tư.
Nếu hệ thống pháp luật của Hong Kong thay đổi, nhất là về luật dẫn độ, thì các doanh nghiệp có thể sẽ tự hỏi tại sao họ không rời khỏi đây và chuyển cơ sở về Trung Quốc - nơi chi phí hoạt động thấp hơn nhiều - hoặc mở một văn phòng nhỏ ở Trung Quốc và đặt các trụ sở ở một trung tâm tài chính khác của châu Á, ví dụ như Singapore.
Innes-Ker cho rằng hiện tượng nói trên sẽ không xảy ra ngay lập tức, nhưng về mặt lâu dài "mọi thứ sẽ diễn ra như vậy".
Tuy nhiên, các nhà điều hành tới từ các quốc gia "có mối quan hệ đặc biệt căng thẳng với Trung Quốc, ví dụ như Mỹ, có thể sẽ dừng hoạt động tại Hong Kong" - ông nói thêm.
Trước đây, Trung Quốc đã có những động thái trả đũa với mục đích chính trị. Sau khi giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ ở Canada vì vi phạm lệnh cấm vận Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phủ nhận sự liên quan giữa hai vụ bắt giữ này.
Các cuộc biểu tình ở Hong Kong được cho là sẽ tiếp diễn tới khi dự luật bị hủy bỏ. Ảnh: AFP
Doanh nghiệp đình công
Mặc dù các tập đoàn quốc tế lớn đã tỏ ra thận trọng trong việc bày tỏ sự phản đối đối với dự luật, các doanh nghiệp nhỏ lên tiếng ngày càng nhiều.
Hơn 100 doanh nghiệp đã đình công để phản đối dự luật và cho phép các nhân viên tham gia biểu tình.
"Là chủ một doanh nghiệp nhỏ, tôi tin rằng đình công là cách thức hiệu quả nhất để thể hiện quan điểm. Tôi kêu gọi các cửa hiệu khác cùng tham gia biểu tình bởi chỉ có hành động ở quy mô lớn mới thể hiện được sự phản đối của người dân Hong Kong đối với dự luật dẫn độ," ông Conrad Wu, giám đốc công ty Call4Van, nói.
AbouThai, nhà bán lẻ mỹ phẩm với hơn 13 chi nhánh trên khắp Hong Kong, phát biểu: "Chúng tôi có thể kiếm lại được lợi nhuận đã mất vào ngày biểu tình, nhưng chúng tôi không thể cứu được Hong Kong một khi đánh mất thành phố này".
Lee Cheuk-yan, một thành viên cấp cao của Liên minh Nghiệp đoàn Hong Kong, nói: "Các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nhân tham gia biểu tình, đều rất giận dữ, họ muốn hủy bỏ dự luật".
Tuy nhiên, cho tới nay, chính quyền Hong Kong vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ nhượng bộ người biểu tình. Theo CNN, nếu viễn cảnh tồi tệ nhất xảy ra, thì những cảnh báo về "ngày tàn của Hong Kong" sẽ trở thành hiện thực.
"Dự luật sẽ mở toang các rào cản giữa hệ thống pháp lí của Hong Kong và Trung Quốc," Kevin Yam, một đối tác của công ty luật ở Hong Kong, cho biết. "Nếu điều đó xảy ra, thì chắc chắn sẽ có một tác động không nhỏ tới tâm lí các doanh nghiệp ở Hong Kong".
"Mà các doanh nghiệp lại là điều hoàn toàn cần thiết đối với sự thịnh vượng của thành phố này," ông Yam nói.