Luật có quy định "cột mốc sống" hiện trường không?

THÂN HOÀNG - HOÀNG ĐIỆP |

Trước dư luận về việc xử phạt nhà báo Quang Thế bị hành hung, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - đội trưởng đội thanh tra pháp luật văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã trả lời Tuổi Trẻ.

Ngày 1-10, trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Nguyễn Xuân Hùng - đội trưởng đội thanh tra pháp luật văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội - cho rằng hành vi của chiến sĩ cảnh sát Ngô Quang Hưng (đội cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh) là “hành vi dùng tay chân xô xát với nhà báo Quang Thế”.

Ông Hùng cũng cho biết việc Công an Q.Tây Hồ ra quyết định xử phạt hành chính đối với phóng viên Quang Thế là dựa trên cơ sở kết quả điều tra của văn phòng Cơ quan CSĐT (PC44).

Mời bạn cùng xem lại những hình ảnh ghi nhận các sự việc diễn ra trên cầu Nhật Tân ngày 23-9 do đồng nghiệp báo Thanh Niên cung cấp

Không có giới hạn hiện trường

Theo ông Hùng, hiện trường vụ tài xế taxi nhảy cầu trên cầu Nhật Tân là nơi tiến hành hoạt động nghiệp vụ của lực lượng công an, được coi là khu vực thuộc danh mục cấm do Thủ tướng Chính phủ quy định.

“Theo quy định này, trong trường hợp khẩn cấp bằng mọi biện pháp để bảo vệ khu vực có bí mật nhà nước, không nhất thiết phải có biển.

Người thực thi công vụ là người phát đi yêu cầu về việc bảo vệ bí mật nhà nước và là người có quyền quyết định cao nhất ở đấy” - ông Hùng nói.

Mặc dù phóng viên Quang Thế đến hiện trường cùng các nhà báo khác, có trình giấy tờ và chụp ảnh nhưng Công an Q.Tây Hồ vẫn ra quyết định xử phạt nhà báo Quang Thế lỗi “chụp ảnh tại khu vực cấm”.

Ông Hùng cho biết: “Trước khi ra các quyết định chúng tôi đã thẩm định hết rồi. Việc không có biển cấm là do nhận thức của mọi người. Không đặt biển ở đấy nhưng có người làm nhiệm vụ đã hướng dẫn” - ông Hùng nói.

Về vấn đề các nhà báo khác khẳng định phóng viên Quang Thế không xâm nhập hiện trường, ông Hùng cho rằng khi có người bảo vệ hiện trường yêu cầu ra khỏi khu vực cần bảo vệ thì nhà báo phải ra.

“Không thể nói anh chưa vào hiện trường vì ở đây người ta có khoanh, có giới hạn hiện trường đâu. Chính những người làm nhiệm vụ ở đấy là những “cột mốc sống” để khoanh khu vực phạm vi cần bảo vệ.

Khi báo chí đến tác nghiệp, có vào thì mới xảy ra va chạm. Như vậy rõ ràng anh đã vào khu vực bảo vệ rồi” - ông Hùng khẳng định.

Không cần biên bản vi phạm hành chính?

Trao đổi về những vấn đề mà dư luận cũng như nhiều báo chí đăng tải ý kiến của các chuyên gia pháp lý cho rằng quyết định xử phạt hành chính phóng viên Quang Thế của Công an Q.Tây Hồ thiếu cơ sở pháp lý và sai luật, ông Hùng cho biết quyết định xử phạt này dựa trên cơ sở kết quả điều tra của PC44.

Ông Hùng cho rằng theo điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính, trong các trường hợp điều tra vụ án hình sự hoặc xác minh tin báo tố giác tội phạm mà thấy rằng cần đình chỉ vụ án hay ra quyết định không khởi tố nhưng trong suốt quá trình điều tra phát hiện có những hành vi vi phạm hành chính thì sau khi ra quyết định không khởi tố, cơ quan điều tra sẽ chuyển hồ sơ có phản ánh về hành vi vi phạm hành chính đấy cho cơ quan có thẩm quyền để xử phạt.

Cơ quan điều tra chuyển hồ sơ cho Công an Q.Tây Hồ để xử phạt hành chính là hoàn toàn đúng luật. Trường hợp này là không cần lập biên bản, người ta căn cứ vào tài liệu chứng cứ và hồ sơ của cơ quan điều tra để ra quyết định xử phạt.

Trong khi đó, ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND tối cao, cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính, ngoài căn cứ vào hồ sơ vụ việc do cơ quan điều tra chuyển sang thì vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính, vi phạm ở đâu, giờ nào, lỗi gì, căn cứ gì, hành vi gì và bằng chứng là gì.

Trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật dù là hành chính hay hình sự cũng cần căn cứ vào những điều khoản quy định trong pháp luật chứ không phải là căn cứ vào sự thừa nhận của đương sự rồi ra phán quyết.

Theo ông Phạm Công Hùng, trong trường hợp anh Quang Thế có thừa nhận việc mình có lỗi, cũng cần làm rõ lỗi như thế nào, thời gian và địa điểm, căn cứ để xử phạt theo đúng pháp luật chứ không thể dựa vào việc anh Quang Thế nhận lỗi để ra quyết định xử phạt.

Luật không quy định "cột mốc sống"

Theo luật sư Huỳnh Văn Nông, mọi quy kết hành vi vi phạm pháp luật nào của công dân đều phải có quy định rõ ràng.

Việc công an cho rằng các chiến sĩ công an là "cột mốc sống" của hiện trường vụ án là không thuyết phục, pháp luật hiện hành không có quy định nào chỉ ra như vậy.

Tại hiện trường vụ án có nhiều công an mặc thường phục, người tấn công phóng viên cũng là người mặc thường phục. Tất nhiên những người mặc thường phục này càng không thể xem là chiến sĩ công an "cột mốc sống" hiện trường.

Đồng quan điểm trên, thạc sĩ luật Nguyễn Minh Sơn (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM) cho biết phần trả lời của Công an TP Hà Nội chưa đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, Bộ Công an đã ban hành thông tư 12/2002 ngày 13-9-2002 hướng dẫn thực hiện nghị định 33/2002 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000. Trong đó mục 7 có đề cập khu vực cấm và địa điểm cấm phải có biển báo.

Hai loại biển báo này phải tuân thủ kích thước, cỡ chữ, màu sắc... Nếu trong trường hợp cấp bách, có thể thông cảm cho việc không kịp sử dụng biển báo khu vực cấm và địa điểm cấm.

Như vậy, theo thạc sĩ Sơn, "cột mốc sống" là do phía công an tự đưa ra, trong luật không đề cập.

YẾN TRINH

Hội Nhà báo 
đề nghị xử lý 
khách quan

Ông Phan Hữu Minh, trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết hội vẫn chưa nhận được kết quả xác minh vụ việc Công an huyện Đông Anh hành hung nhà báo bằng văn bản từ phía Công an Hà Nội. Hiện Hội Nhà báo mới chỉ nắm bắt thông tin qua báo chí.

"Quan điểm của Hội Nhà báo trước sau như một là đề nghị, yêu cầu Công an TP Hà Nội tiến hành điều tra, xác minh khách quan vụ việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hình thức xử lý vụ việc phải để cho dư luận tâm phục 
khẩu phục" - ông Minh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại