Bài toán "2 con dê qua cầu"
Tiến trình luận tội Tổng thống Trump đã bước sang một giai đoạn mới sau khi Hạ viện thông qua 2 điều khoản luận tội ông là lạm quyền và cản trở Quốc hội.
"Ải" Hạ viện đã qua nhưng "ải" Thượng viện thì không dễ dàng như vậy, nhất là khi đảng Cộng hòa vẫn tiếp tục đứng về phía Tổng thổng Trump và "chưa bao giờ đoàn kết như vậy" theo như lời khẳng định của nhà lãnh đạo Mỹ.
Tình thế ở lưỡng viện Mỹ hiện nay giống như bài toán "2 con dê qua cầu" mà không con nào chịu nhường con nào. Một bên là đảng Dân chủ kiên quyết luận tội Tổng thống Trump với cáo buộc ông Trump đã dùng khoản viện trợ quân sự Ukraine và chuyến thăm Nhà Trắng để gây sức ép buộc người đồng cấp Zelensky điều tra đối thủ chính trị của ông là cựu Phó Tổng thống Joe Bien - ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Bên còn lại là đảng Cộng hòa, cho đến nay vẫn kiên định bảo vệ Tổng thống Trump, cáo buộc đảng Dân chủ lạm quyền và bịa ra chuyện Tổng thống Trump lợi dụng chức vụ vì mục đích cá nhân bởi đảng Dân chủ không chịu thừa nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời cho rằng những bằng chứng và nhân chứng từ phía đảng Dân chủ là thiếu sức thuyết phục.
Hai con dê này đang đi ngược về phía nhau trên cùng một con cầu vốn chỉ có 1 con đi vừa. Sự trái ngược trong quan điểm của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa cũng vậy, nhất là khi hai bên sẽ đối đầu nhau mạnh mẽ tại phiên tòa ở Thượng viện Mỹ - nơi sẽ quyết định liệu ông Trump có chính thức bị luận tội và bị bãi miễn hay không.
Nhà sử học Jeremi Suri đã nhận định: "Cuộc bỏ phiếu luận tội Tổng thống Donald Trump là mang tính đảng phái và dễ đoán trước kết quả. Nhưng cuộc bỏ phiếu này vẫn có tầm quan trọng đáng kể bởi điều này rất hiếm khi xảy ra".
Mặc dù Tổng thống Trump hiểu rõ cuộc luận tội này sẽ không đủ để hạ bệ ông bởi nhà lãnh đạo Mỹ đang nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ đảng Cộng hòa cũng như tỷ lệ ủng hộ ổn định từ cử tri song ông Trump vẫn rất giận dữ với cuộc điều tra này và không ít lần kêu gọi đảng Dân chủ dừng tiến trình luận tội lại. Trước khi Hạ viện tiến hành luận tội, Tổng thống Trump thậm chí đã gửi bức thư dài 6 trang tới Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi để nhắc lại quan điểm này.
Nhà phân tích Suri cho rằng: "Đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang miêu tả tình thế hiện nay bằng những quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Đảng Dân chủ cho rằng ông Trump coi thường luật pháp, tham nhũng và nói dối. Đảng Cộng hòa phản pháo trong khi Tổng thống nỗ lực như thế nào để điều hành đất nước thì các đối thủ của ông lại đang tìm cách làm suy yếu ông. Một bên coi ông Trump là "kẻ gây ra tội", một bên cho rằng ông chính là "nạn nhân".
Nước cờ có thể gây tác dụng ngược của đảng Dân chủ
Trong khi đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tiếp tục thảo luận về việc Thượng viện sẽ tiến hành phiên tòa luận tội Tổng thống Trump khi nào và như thế nào thì các chiến lược gia chính trị cân nhắc đến vấn đề rằng liệu việc luận tội sẽ khiến ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng Dân chủ sẽ dễ dàng hơn hay khó khăn hơn trong việc đánh bại ông Trump vào tháng 11/2020.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi một thời gian dài từng trì hoãn các động thái luận tội Tổng thống Trump bởi bà lo ngại tiến trình này sẽ chỉ "tiếp thêm năng lượng" và tăng cường sự ủng hộ của các cử tri với ông Trump.
Tom Daschle, Lãnh đạo phe thiểu số trong Thượng viện khi Tổng thống Bill Clinton bị luận tội năm 1998 nhận định rằng cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump có tác động "rất hạn chế" đến cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020.
"Những người ủng hộ và phản đối ông Trump đều đã định hình quan điểm của họ. Luận tội sẽ không thay đổi lập trường của họ. Các cử tri ở những bang dao động thì có quá nhiều vấn đề khác mà họ quan tâm và tác động đến quyết định bỏ phiếu của họ thay vì cuộc điều tra luận tội trong năm tới. Tháng 11/2020 sẽ là một thời điểm lịch sử", ông Daschle cho biết.
Theo Gallup, 46% người Mỹ ủng hộ bãi nhiệm Tổng thống Trump, ít hơn 6 điểm so với thời điểm cuộc luận tội bắt đầu.
Tổng thống Trump dựa vào nền kinh tế đang mạnh lên của nước Mỹ để thu hút lá phiếu của các cử tri trong nỗ lực tái tranh cử và hy vọng rằng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung gần đây sẽ giúp ông giành được sự ủng hộ từ các cử tri ở những bang dao động như Pennsylvania, Michigan và Wisconsin từng giúp ông chiến thắng năm 2016.
Về dài hạn, một số thành viên đảng Dân chủ đang lo ngại rằng nếu quá tập trung vào vấn đề luận tội, các cử tri sẽ bỏ qua những vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử của các ứng viên trong đảng nhằm đánh bại ông Trump trong năm 2020. Andrew Yang - một trong những ứng viên tranh cử Tổng thống năm 2020 đã yêu cầu các đối thủ của ông trong cuộc tranh luận của đảng Dân chủ ngày 19/12 chấm dứt sự "ám ảnh" với tiến trình luận tội và tập trung vào việc "giải quyết các vấn đề có thể khiến ông Trump đắc cử".
“Món quà Giáng sinh” và kế hoạch của Nhà Trắng
Nhà Trắng đang tìm cách đưa ra những lý lẽ để Tổng thống Trump không bị luận tội khi dẫn ra rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không chuyển các điều khoản luận tội tới Thượng viện, 2 nguồn tin có liên quan đến vấn đề này nhận định với CBS News.
Ngày 19/12, bà Pelosi tuyên bố rằng Hạ viện sẽ chưa chuyển các điều khoản luận tội đã được thông qua cho tới khi Thượng viện đưa ra các quy tắc luận tội.
"Theo Hiến pháp, luận tội là một tiến trình không chỉ bao gồm kết quả bỏ phiếu từ Hạ viện mà cả quy trình gửi các điều khoản tới Thượng viện để tổ chức phiên tòa. Cả 2 giai đoạn này đều cần thiết để luận tội theo Hiến pháp: Hạ viện phải gửi các điều khoản và cử những người chỉ đạo tới Thượng viện để tiếp tục tiến trình luận tội. Thượng viện phải tổ chức một phiên tòa", giáo sư luật Noah Feldman tại Đại học Harvard nhận định trên Bloomberg.
“Nếu Hạ viện không trao đổi quá trình luận tội với Thượng viện, cơ quan này không thực sự luận tội Tổng thống. Nếu các điều khoản không được chuyển đi, về mặt luật pháp, Tổng thống Trump có thể nói rằng ông ấy không thực sự bị luận tội", chuyên gia Feldman cho biết thêm.
Một số nguồn tin thân cận nhận định với CBS News rằng Nhà Trắng coi việc trì hoãn của bà Pelosi là một "món quà Giáng sinh". Nhà Trắng đang có kế hoạch dùng việc trì hoãn này để lập luận rằng đảng Dân chủ hầu như không có niềm tin vào cuộc điều tra luận tội của họ và họ quá "sợ hãi" trước một phiên tòa mà họ biết chắc rằng mình sẽ thua. Nguồn tin này cũng cho biết Tổng thống Trump mặc dù "giận dữ" trước tiến trình luận tội ông cho là không công bằng thì cũng thực sự "thoải mái và cảm thấy tự tin" rằng ông sẽ thắng trong cuộc chiến này.
Đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng đồng ý với chiến lược của Nhà Trắng. Lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Mitch McConnell khẳng định trong một bài phát biểu ngày 19/12 rằng quyết định của bà Pelosi khi trì hoãn chuyển các điều khoản luận tội tới Thượng viện đã cho thấy "đảng Dân chủ quá sợ hãi đến nỗi không dám chuyển kết quả này tới Thượng viện". Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy cũng đồng quan điểm khi tuyên bố: "Bà Pelosi đã thừa nhận thất bại bằng cách không chuyển chúng đi. Bà ấy biết kết quả sẽ không khả quan".
Trong khi đó, bà Pelosi và đảng Dân chủ trong Thượng viện và Hạ viện đang nỗ lực gây sức ép để Thượng viện yêu cầu thêm tài liệu và triệu tập thêm nhân chứng, những người không ra làm chứng trong tiến trình luận tội tại Hạ viện bởi Nhà Trắng đã ngăn cản họ xuất hiện.
"Tôi đã nói với ông McConnell rằng chúng tôi không ủng hộ bất kỳ phiên tòa nào không có nhân chứng hoặc tài liệu", Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết.
Những bất đồng và sự chia rẽ giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa sẽ không kết thúc mà còn có thể ngày càng sâu sắc hơn tại phiên tòa luận tội Tổng thống ở Thượng viện dù kết quả có thể đã được dự đoán từ trước./.