Hội thảo được chủ trì bởi Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị ; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ - Tổng Biên tập báo QĐND ; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên - Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng .
Tham dự hội thảo có đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; đại biểu các cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương , Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội.
Theo Ban tổ chức, hội thảo nhận được hơn 70 tham luận của các nhà khoa học ở các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Tại hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung phân tích, luận giải khá đầy đủ và toàn diện mọi mặt của Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP). Các tham luận đều khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng , Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy trong Chiến dịch ĐBP, đồng thời khẳng định, Chiến thắng ĐBP là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật; mà điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng cho biết, thay đổi phương châm tác chiến là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch ĐBP.
Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, theo đúng lời dặn của Bác trước chiến dịch. Đây là một quyết định “cân não”, rất khó khăn lúc bấy giờ và thực tiễn đã minh chứng với việc xác định đúng phương châm tác chiến và áp dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nhất là hình thức vây, lấn, quân ta đã từng bước tiêu diệt các cứ điểm của địch.
Theo TS Lương Viết Sang - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính, với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, từng bước giành những thắng lợi quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Thực tiễn minh chứng, trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là Chiến dịch ĐBP, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được huy động ở mức cao nhất.
Quân và dân ta ở trên cả nước đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Một trong những vấn đề nan giải bảo đảm cho tác chiến ở ĐBP là công tác hậu cần, tiếp tế. Với lực lượng gần 10 vạn người (cả bộ đội, dân công và lực lượng khác) cùng với quãng đường rừng núi xa từ 300 đến 500 km, tưởng như việc tiếp tế là không thể thực hiện được. Nhưng với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, tất cả đều dồn sức cho ĐBP, kể cả sức người, sức của.
Bên cạnh đó, các tham luận cũng cho rằng, Chiến thắng ĐBP đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của QĐND Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh, càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Với bản chất và truyền thống tốt đẹp của một đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ hy sinh, tìm mọi cách vượt qua thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Kết luận hội thảo, Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo khẳng định, ĐBP là trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc Việt Nam và có ý nghĩa lịch sử, tầm vóc thời đại to lớn, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta.
Chiến thắng này đã thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được in đậm dấu ấn trong những quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ý chí quyết chiến, quyết thắng cao độ, tinh thần dũng cảm, kiên cường vượt mọi gian khổ của quân và dân ta.
Theo Trung tướng Nguyễn Văn Bạo, Chiến thắng ĐBP đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc về đường lối kháng chiến; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần; về khoa học nghệ thuật quân sự, công tác chính trị - tư tưởng, công tác tham mưu tác chiến, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các binh chủng...