Su-57 không được Nga ưu ái?
Thực ra, đó là điều được dự đoán trước sau phát biểu của cựu thứ trưởng Quốc phòng Nga, người hiện đang là phó thủ tướng phụ trách mảng công nghiệp quốc phòng, ông Yury Borisov, về số phận của Su-57.
Khi giải thích về bản hợp đồng sản xuất siêu nhỏ 12 chiếc máy bay, ông đã chia sẻ trên kênh truyền hình "Rossia-24":
"Các bạn đã biết, hiện nay chiếc Su-35 của chúng ta được coi là một trong những máy bay tốt nhất trên thế giới, bởi vậy thật vô nghĩa nếu chúng ta tập trung nguồn lực cho việc sản xuất các máy bay thế hệ thứ 5.
Đây là con át chủ bài mà chúng ta luôn luôn có thể tung ra khi các máy bay thế hệ trước tụt hậu về các tính năng so với những máy bay của các quốc gia hàng đầu thế giới".
Đây là những phát ngôn hoàn toàn thiếu suy nghĩ được đưa ra. Tuy nhiên Business Insider chỉ phản ứng sau đó 10 ngày.
Sự chậm chễ này là để "bài điếu văn" được vang lên một cách thuyết phục và toà soạn này đã trích dẫn những bình luận của chuyên gia trong lĩnh vực không quân của Viện Nghiên cứu quốc phòng Vương quốc Anh có trụ sở tại Luân Đôn, ông Justin Bronk.
Ông Bronk thẳng thắn: "Nga ít nhiều đang thừa nhận sự thất bại trong việc chế tạo chiếc máy bay tiêm kích mà có thể được coi là thế hệ thứ 5". Thậm chí không phải "tiêm kích thế hệ thứ 5" mà "có thể…".
Có nghĩa là người Nga tất nhiên đã chế tạo được thứ gì đó, nhưng không hiểu được là thứ gì. Thêm vào đó, họ không thể hoàn thiện được cái gọi là "thứ gì đó".
Tiếp đến là sự bóc mẽ chương trình PAK FA, mà kết quả của nó là Su-57 ra đời. Vì Business Insider (BI) trước hết là một trang điện tử về kinh tế, nên sự bóc mẽ được bắt đầu từ vấn đề kinh tế.
Đúng, không có gì là bí mật, sự cắt giảm mạnh mẽ số lượng các máy bay tiêm kích được sản xuất lô đầu tiên do Nga đang gặp vấn đề lớn về tài chính. Cũng vì chính lý do này nên công tác sản xuất chiếc xe tăng thế hệ mới T-14 "Armata" đã bị cắt giảm.
Nhưng tiền để sản xuất Su-57 cho lực lượng không quân Nga, theo BI khẳng định, sẽ phải do Ấn Độ cung cấp – trong quá trình thực hiện dự án liên doanh chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 FGFA trên nền tảng Su-57.
Tuy nhiên, điều này được xác định là sẽ xảy ra tại một trong những giai đoạn cuối cùng của dự án, trước khi tiến hành sản xuất hàng loạt các máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 "Made in India".
Nhưng điều đó còn xa, xa như cổ tích bởi vì các đối tác Ấn Độ thậm chí còn chưa bắt đầu nghiên cứu chế tạo. Mà đáng lẽ ra họ phải nghiên cứu chế tạo hệ thống kỹ thuật số, bao gồm cả máy tính xử lý trung tâm.
Cho nên, không ai chờ đợi tiền sản xuất Su-57 từ phía người Ấn Độ. Thêm vào đó, số tiền này không hề lớn - Ấn Độ chỉ đóng góp 25% trong tổng số 8 tỷ USD.
Đồ họa mô phỏng tiêm kích tàng hình FGFA của Ấn Độ phát triển trên nền tảng Su-57
Ấn Độ chê Su-57 và rút khỏi dự án FGFA?
Vào tháng 4 năm nay, Ấn Độ, như những thứ thường diễn ra tại các phiên chợ phương Đông, khi người bán và người mua mặc cả từng đồng, đã tuyên bố rằng sẽ rút khỏi dự án FGFA. Nhưng vẫn giữ lại cho mình quyền được tham gia dự án vào giai đoạn cuối cùng.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo những lý do của việc ra đi của mình. Thứ nhất, người Nga muốn "ăn cướp" của Ấn Độ khi yêu cầu bỏ số tiền không tưởng (2 tỷ USD) vào dự án. Thứ hai, và đây mới là điều quan trọng, Su-57 không thể coi là máy bay thế hệ thứ 5.
Bởi vậy, khả năng tàng hình của nó vẫn còn phải hoàn thiện nhiều. Động cơ của nó cũng không đáp ứng được các yêu cầu đặt ra đối với các máy bay thế hệ thứ 5.
Nhưng chịu chỉ trích nhiều hơn cả là Cơ quan các nghiên cứu và phát minh quốc phòng Nga. Hoá ra, hệ thống điện tử chiến đấu, radar và những bộ cảm ứng không đáp ứng tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.
Trong khi đó, cơ quan này thông tin rằng các kỹ sư của Ấn Độ "sở hữu tất cả những công nghệ độc đáo cần thiết để chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5, hoặc đang trong quá trình nghiên cứu chế tạo".
Và cái chợ phương Đông này bây giờ lại lột tả những khiếm khuyết của Su-57. "Nga đơn giản có thể treo lên các máy bay cũ kỹ của mình số lượng lớn các radar và tên lửa được mông má, bởi vì thiết kế của Su-57 trên thực tế không bao giờ được coi là "tàng hình", Business Insider viết.
Đương nhiên, đặt cạnh để so sánh với tiêm kích Nga là F-35 "hoàn hảo".
Su-57 đấu F-35: Ai ăn ai?
Nhưng các nhà phê bình thậm chí còn không nhắc tới việc khả năng khó bị phát hiện phải được đánh giá bởi chỉ số cụ thể mà được gọi là diện tích tán xạ hiệu quả tính bằng m2. Diện tích này càng nhỏ, chiếc máy bay càng khó bị phát hiện.
Diện tích tán xạ hiệu quả của Su-57 được giữ kín. Của F-35 cũng vậy. Nhưng bên cạnh đó, tập đoàn "Lockheed Martin", vì mục đích quảng cáo, đã công bố diện tích tán xạ hiệu quả nâng cao của F-35 – 0,001m2.
Su-57 đấu F-35: Ai ăn ai?
Những đánh giá của các chuyên gia về phần diện tích tán xạ hiệu quả luôn khác xa nhau bởi vì chỉ số này phụ thuộc vào rất nhiều những thông số mà các chuyên gia có thể không nắm rõ. Diện tích tán xạ hiệu quả thực tế cuả F-35 được đánh giá ở mức từ 0,05m2 đến 0,3m2.
Trong những cuộc tranh cãi về việc chiếc máy bay tiêm kích nào tốt hơn diễn ra khá gay cấn. Người ta cho rằng Su-57 có khả năng tàng hình kém do bố trí các tên lửa trên những giá treo bên ngoài.
Nhưng F-35 cũng có những giá treo giống như thế, nhưng không ai đề cập tới. Vấn đề ở chỗ khác – cả hai chiếc máy bay đều có thể sử dụng giá treo vũ khí bên ngoài hoặc không. Tất cả phụ thuộc vào nhiệm vụ chiến đấu được giao.
Thêm một sự dối trá nữa. Trong bài viết khẳng định rằng Su-57 mà được chế tạo để chống lại F-35, lại thua trận trước chiếc tiêm kích của Mỹ, thậm chí chưa kịp cất cánh.
F-35 là chiếc máy bay tiêm kích – ném bom. Và các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, S-400, S-500 của Nga sẽ có trách nhiệm xử lý. Và nó không có cơ hội nào để giữ được nguyên vẹn khi tiến gần khu vực phòng thủ của các hệ thống phòng không. Bởi vì tầm bắn tối đa của các tên lửa trên F-35 là 120km, của S-400 là 400km.
Tối đa những gì F-35 có thể, căn cứ vào chiến thuật sử dụng nó như chiếc máy bay tiêm kích ném bom, đó là "gầm gừ" hăm dọa không quân tiêm kích của đối phương nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ triển khai tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Không ai lại mang nó ra để ứng phó với cuộc không chiến của đối phương. Nó quá chậm chạp. Và trang bị ít vũ khí. Còn khả năng tàng hình – không phải ưu thế quá lớn khi xảy ra trận không chiến giữa các nhóm máy bay.
Diện tích tán xạ hiệu quả ở mặt phẳng phía đầu của F-35 mới là tối thiểu, còn ở bên hông nó cũng "không kém" các máy bay thế hệ thứ 4. Cũng cần phải tính tới việc các máy bay tiêm kích của Nga có thể được máy bay cảnh báo sớm, với "nhãn quang" tuyệt vời, hỗ trợ "tóm gọn" các mục tiêu.
Tiêm kích tàng hình Su-57.
Thêm vào đó, với vai trò máy bay ném bom thì F-35 cũng gây ra sự bối rối. Để trở thành tàng hình, nó chỉ có thể mang 4 quả tên lửa ở các khoảng bên trong. Có nghĩa là để tấn công mặt đất – 2 quả, và để tự vệ - 2 quả. Còn Su-57 có 8 giá treo bên trong, gấp 2 lần F-35.
Cho nên câu hỏi ai là kẻ mạnh hơn ở trên không – Su-57 hay F-35 – cũng giống như câu hỏi về kết cục của trận chiến giữa cá voi và voi.
Su-57 là chiếc tiêm kích đa năng, trước tiên, nhằm mục đích chiếm ưu thế trên không. Và đối thủ chính của nó là F-22 Raptor. Và ở đây, rất hợp lý khi nói về các bộ cảm ứng và hệ thống radar của Nga.
Về phần này "Raptor" thua Su-57, cỗ máy sở hữu "lớp vỏ thông minh". Có nghĩa là nó không chỉ được trang bị một hệ thống radar, mà tận 6 giúp nó có thể quan sát xung quanh. Nó được trang bị cả trạm định vị quang học mà "Raptor" không có.
Và điều này hoàn toàn hợp lý bởi vì F-22 không phải là chiếc máy bay "còn trẻ", khi chế tạo nó người ta cho rằng "hệ thống nhạy cảm" của nó đủ để chiếc máy bay này cao hơn những máy bay tiêm kích thế hệ thứ 4 một cái đầu. Bây giờ các tiêu chí đã khác.
Và cuối cùng, cần phải nói về những lý do mà F-35 được quảng cáo rầm rộ như vậy. Các khách hàng mua khí tài hàng không từ lâu đã hiểu được rằng chiếc máy bay này rất yếu. Nhưng nó lại được triển khai sản xuất hoành tráng.
Đồ họa mô phỏng tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ.
Sản phẩm xuất xưởng cần phải được tiêu thụ. Tuy nhiên hàng loạt các quốc gia từng ký hợp đồng mua nó trước đây lại muốn ngoảnh mặt. Điều không hề đơn giản. Úc và Đan Mạch từng cố gắng khước từ. Nhưng họ đã không làm được gì.
Hiện giờ Mỹ đang tìm kiếm những khách hàng mới. Đương nhiên, phải nhờ những bàn tay ma thuật. Trong năm nay, Trump đã bắt thủ tướng Đức từ chối các máy bay tiêm kích "Typhoon" do chính châu Âu sản xuất và ký hợp đồng mua F-35.
Chính vì thế trên mặt báo Đức đã xuất hiện những dòng tít: "Ông Trời, hãy cứu giúp Mỹ bởi vì họ không có khả năng tự bảo vệ chính mình với F-35". Kỹ thuật kinh doanh ở đây hết sức đơn giản.
TT Trump tuyên bố rằng Đức thực hiện không tốt các trách nhiệm về tài chính trước NATO (chính xác hơn là Mỹ), vì thế điều này có thể dẫn tới những hậu quả đáng buồn cho Đức – cả chính trị lẫn kinh tế.
Tiêm kích tàng hình Su-57 phóng tên lửa hành trình tại Syria