Liên quan đến sự việc bác sĩ khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang – Hà Nội) chẩn đoán sai khiến thai phụ suýt mất con, sáng 8/1 bà Trần Thị Nhị Hà – Phó GĐ Sở Y tế Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm được thông tin, Sở Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang làm rõ vụ việc.
"Chúng tôi điều chuyển hẳn bác sĩ này sang làm công tác khác, cụ thể ở đây là làm ở phòng kế hoạch tổng hợp, làm công tác sổ sách, giấy tờ chứ không được trực tiếp tham gia khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Tôi cho rằng, việc làm này không phải là xử lý bác sĩ một cách nặng nề, mà quan điểm của Sở Y tế là phải làm đến nơi, đến chốn qua trường hợp này cũng để cảnh báo tất cả các cán bộ y tế trong ngành, khi thực hiện chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân phải có tinh thần trách nhiệm cao.
Trong một số trường hợp khó phải tiến hành hội chẩn hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Ví dụ khi mình chưa tiên lượng, chẩn đoán ngay được thì phải xin ý kiến của các chuyên gia đầu ngành. Chứ chưa gì đã đưa ra kết luận chuyên môn thì rất nguy hiểm cho người bệnh...", bà Hà nói.
Theo bà Hà, dù bác sĩ Tiến là bác sĩ nội trú, khi đưa ra quyết định này bản thân bác sĩ đã có những cam kết thừa nhận rằng việc chẩn đoán như vậy không đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, nhưng quan điểm của Sở Y tế vẫn phải làm nghiêm vì việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bác sĩ, mà còn cả ngành y tế Thủ đô.
Kết qủa siêu âm của chị M. tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thường – GĐ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết đã nhận được chỉ đạo từ Sở Y tế và sáng nay (8/1) lãnh đạo bệnh viện sẽ tổ chức họp về vấn đề điều chuyển bác sĩ Nguyễn Văn Tiến.
Trước đó, vào khoảng 2h ngày 3/1, chị Nguyễn Thị Thanh M. (SN 1991, ở Long Biên, Hà Nội) được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Long Biên, Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng băng huyết.
Sau khi vào bệnh viện, chị M. được chuyển lên khoa Sản của bệnh viện thăm khám. Bác sĩ khám trực tiếp cho chị M. là bác sĩ tên Nguyễn Văn Tiến.
Thăm khám xong, bác sĩ cho biết mới thấy túi nước ối, chưa thấy thai nên yêu cầu chị M. nhập viện vì sợ ra máu sẽ dọa sảy thai và làm hết các xét nghiệm máu cho chị M.
Do bản thân bị trứng đa nang nên cũng khó khăn trong việc mang thai nên chị M. muốn mọi thứ chắc chắn.
Đến 7h sáng ngày 3/1, hết ca trực của bác sĩ Tiến thì có 1 bác sĩ khác vào thông báo với chị M. kết quả máu của chị có lượng beta HCG cao vượt mức nên có khả năng thai của chị M. bị lưu không phát triển.
Nghĩ rằng bác sĩ chuyên khoa đã chẩn đoán là chính xác nên chị cũng chuẩn bị tâm lý.
Đến ngày 4/1, bác sĩ Tiến quay lại phòng bệnh để thăm khám và thông báo trong ngày hôm đấy chị M. đi làm thủ thuật hút thai.
Sau đó, chị M. gọi điện thông báo cho chồng về sự việc. Bản thân chồng chị cũng không tin vào kết luận của bác sĩ nên đã qua viện gặp bác sĩ và xin chuyển sang viện khác thăm khác để không ân hận.
Khi chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám và siêu âm, kết quả siêu âm cho thấy con chị bình thường, không làm sao.