Luận án tiến sỹ nghiên cứu “áo ngực”: Đề tài hoàn toàn bình thường

PV |

Liên quan đến luận án tiến sỹ nghiên cứu về “áo ngực” gây dư luận trái chiều thời gian gần đây, một nhà chuyên môn cho rằng đó là điều bình thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương , một nhà chuyên môn (giấu tên) cho rằng, đề tài này hoàn toàn bình thường. Đứng ở góc độ chuyên môn và khoa học đề tài mang tính thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hiện chưa có những thương hiệu thời trang nổi bật trong ngành này. Và việc đánh giá một công trình khoa học chỉ qua cái tên là phiến diện.

Trên thực tế, trong nước cũng đã từng có nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này, như: Nghiên cứu đặc điểm áo lót ngực dành cho phụ nữ của thạc sỹ Hà Thị Định, Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong nghiên cứu nêu rõ: Việc chọn loại áo lót ngực phù hợp với mỗi phụ nữ là rất cần thiết và nếu mặc áo ngực không phù hợp thường xuyên 24h trong một ngày và 7 ngày trong một tuần có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người mặc.

Một số công trình nghiên cứu khác cũng đã được công bố như: Tác giả Nguyễn Quốc Toản và cộng sự đã thiết kế thiết bị đo áp lực áo ngực sử dụng cảm biến áp khí hiển thị kết quả đo dạng biểu đồ và dạng số.

Luận án tiến sỹ nghiên cứu “áo ngực”: Đề tài hoàn toàn bình thường - Ảnh 1.

Luận án tiến sỹ nghiên cứu về "áo ngực" gây nhiều dư luận trái chiều

Tác giả Trần Thị Minh Kiều và cộng sự khảo sát hình dạng bầu ngực của nữ sinh Bắc Việt Nam lứa tuổi 18 - 25 và sự phù hợp của một số dạng áo ngực. Nghiên cứu dựa trên đánh giá cảm nhận của người mặc và đánh giá chuyên gia về sự vừa vặn của cup áo ngực với các dạng bầu ngực…

Trước dư luận trái chiều liên quan đến luận án, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng "nhìn tên đề tài rồi chỉ trích", bởi việc này có thể làm các nghiên cứu sinh, các nhà khoa học chùn bước, e dè khi chọn đề tài cho các công trình khoa học.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, luận án tiến sỹ của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung có tính mới. Ngoài ra, luận án này còn có tính thiết thực. Nghiên cứu về cấu trúc ngực để cải thiện áo ngực có tính thiết thực rất rõ ràng. Kết quả đề tài sẽ đóng góp cơ sở dữ liệu cho các cá nhân, đơn vị thiết kế thời trang, nhằm tạo ra áo ngực phù hợp với thể hình người Việt Nam.

Về tính khoa học, trong lĩnh vực may mặc, các đề tài về xây dựng thông số cơ thể là cơ sở để thiết kế các phần mềm dự báo, tư vấn trang phục phù hợp. Việc luận án tiến sĩ lựa chọn phụ nữ miền Bắc để nghiên cứu theo ông Dũng đánh giá hợp lý, bởi mỗi khu vực sẽ có đặc điểm thể trạng khác nhau, đồng thời giúp thu hẹp số mẫu cần khảo sát.

PGS.TS Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may, da giày và thời trang, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, đề tài nghiên cứu về áo ngực phụ nữ do nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, ngành Công nghệ dệt, may thực hiện mang ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn lớn.

Đề tài luận án tiến sỹ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung được các nhà chuyên môn đánh giá “hoàn toàn bình thường”. Tuy nhiên, phóng viên Báo Công Thương cũng ghi nhận những ý kiến trái chiều cho rằng “luận án lạ lắm”.

Có một thực tế hiện nay số lượng tiến sỹ được công nhận hàng năm là rất lớn, cũng có những đề tài nghiên cứu được cho rằng rất nhỏ, không thực tiễn và không xứng tầm.

Việc đánh giá đúng - sai, xứng tầm hay không xứng tầm của luận án tiến sỹ về ‘áo ngực” chúng tôi không đánh giá, nhất là trong lĩnh vực không có nhiều hiểu biết. Bài viết chỉ phản ánh dư luận đã ghi nhận được xung quanh nội dung này.

Hiện nay trên thế giới đã có những thương hiệu đồ lót đình đám, giá trị sản phẩm cao và doanh thu khổng lồ. Đơn cử, Cotton Club - thương hiệu đồ lót đình đám của Ý. Quần lót của Cotton Club khoảng 100 đôla (2 triệu đồng) trở lên, áo lót lụa có thể lên tới 700 đôla (khoảng 14 triệu đồng). Ngoài ra có thể kể tới, thương hiệu Hanro Hanro của Mỹ, Victoria’s Secret, Agent Provocateur… Tất cả những sản phẩm đưa ra thị trường đều được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về mặt cấu trúc, thẩm mỹ, chất liệu.

Bản tóm tắt kết luận của luận án "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực": Thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo, và đo áp lực áo ngực ở 3 trạng thái: tĩnh, động, tĩnh kết hợp động.

Xác định được các kích thước ngực nữ sinh Bắc Việt Nam đa dạng bằng phương pháp đo 3D không tiếp xúc trên hệ thống quét 3D đã thiết lập và phần mềm Geomagic Design X. Phân tích được mối quan hệ giữa các kích thước ngực. Xác định được các kích thước ngực đặc trưng và phân nhóm ngực nữ sinh ứng dụng các giải thuật PCA (Principal Component Analysis), RF (Random Forest) và LVQ (Learning Vector Quantization), góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn các kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo ngực nữ.

Phân nhóm được ngực nữ sinh Bắc Việt Nam thành 3 nhóm: ngực nhỏ, ngực trung bình, ngực lớn, tương ứng với các hình dạng ngực phẳng, ngực hình nón và ngực tròn bằng cách ứng dụng giải thuật K-means clustering.

Xác định được ảnh hưởng của các kích thước đặc trưng của ngực nữ sinh tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ, mối quan hệ giữa các kích thước ngực đặc trưng với áp lực của áo ngực, với độ tiện nghi áp lực, giữa áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực thông qua các mô hình hồi quy tuyến tính đơn biến và đa biến với kỹ thuật BMA (Bayesian Model Averaging) trên phần mềm R.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại