Thành lập từ năm 1758, Aeon là một trong những tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất trên thế giới với 179 liên doanh trong và ngoài nước Nhật Bản.
Tại Việt Nam, Aeon chính thức bắt đầu hoạt động từ năm 2009 dưới hình thức Văn phòng Đại diện. Ngày 07/10/2011, Công ty TNHH Aeon Việt Nam chính thức được thành lập với vốn điều lệ 192,38 triệu USD.
Hoạt động kinh doanh chính của Aeon Việt Nam là đầu tư cho các hoạt động về xây dựng, tổ chức, quản lý và kinh doanh các mô hình Trung tâm thương mại, Trung tâm bách hóa tổng hợp và Siêu thị hiện đại. Ngoài ra Aeon còn thực hiện các hoạt động kinh doanh khác liên quan đến xuất nhập khẩu, thương mại và nghiên cứu.
Ngay khi bước vào Việt Nam, Aeon đã ghi nhận những dấu ấn đậm nét trong ngành bán lẻ. Năm 2011, Aeon triển khai chuỗi cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên.
Vào cuối năm 2014, Aeon đã bất ngờ tuyên bố mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần Citimart, hai chuỗi siêu thị lớn tại Việt Nam, một ở phía Bắc và một ở phía Nam. Trong cùng năm, Aeon cũng khai trương 2 trung tâm mua sắm là Aeon Mall Celadon tại Tân Phú, TP.HCM và Aeon Mall Canary Tại Bình Dương.
Trong năm đầu tiên vận hành các chuỗi trung tâm mua sắm, Aeon Việt Nam đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng nhưng lại báo lỗ 112 tỷ đồng.
Năm 2015, Aeon Việt Nam tiếp tục khai trương thêm Aeon Long Biên tại Hà Nội và đến năm 2016 là Aeon Bình Tân tại TP.HCM, nâng tổng số trung tâm mua sắm Aeon Mall tại Việt Nam lên con số 4.
Cùng với sự mở rộng của hệ thống trung tâm mua sắm, kết quả kinh doanh của Aeon Việt Nam cũng được cải thiện dần qua từng năm.
Trong năm 2016, doanh thu Aeon Việt Nam đã tăng lên 3.883 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2014. Không những vậy, Aeon Việt Nam cũng không còn lỗ như năm đầu vận hành chuỗi Aeon Mall mà đã ghi nhận 54 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Sang năm 2017, hoạt động kinh doanh Aeon Việt Nam tiếp tục ghi nhận những con số tích cực với doanh thu 5.136 tỷ đồng – tăng 32%; Lợi nhuận trước thuế 234 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm trước đó.
Có thể nói, dù là "người đến sau" so với các chuỗi trung tâm mua sắm, bán lẻ lớn như BigC, Metro, Lotte…nhưng kết quả kinh doanh Aeon Việt Nam đạt được là khá ấn tượng.
Ngay cả một trong những hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam là BigC trong vài năm gần đây đã có sự sụt giảm mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.
Là nhân tố mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam, tuy nhiên Aeon đã mau chóng gặt hái được thành công chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động.
Yếu tố góp phần vào thành công của Aeon là việc không phải xây dựng các trung tâm thương mại mà xây dựng các "TOWN" cho cộng đồng dân cư địa phương. Đây là nơi công cộng tích hợp nhiều lợi ích cho tất cả cộng đồng như vui chơi, giải trí, mua sắm.
Aeon tận dụng tối đa tâm lý yêu thích hàng Nhật và các giá trị Nhật của người Việt qua các yếu tố: thái độ phục vụ của nhân viên, các tiêu chuẩn vệ sinh công cộng của Nhật, chất lượng hàng hóa được nhập vào siêu thị hoặc các cửa hàng trong trung tâm thương mại theo sự kiểm soát và tiêu chuẩn Nhật bản.
Yếu tố khác tạo nên sự thành công của Aeon là địa điểm. Trái với các trung tâm mua sắm lớn khác thường đặt tại trung tâm các thành phố lớn, Aeon Mall Việt Nam lại phát triển tại các vùng ngoại thành như Tân Phú (TP.HCM), Long Biên (Hà Nội)…
Điều này sẽ giúp khách hàng có thể tận hưởng cảm giác sảng khoái, không khí trong lành của khu vực ven đô, tránh xa cảm giác chật chội vốn là đặc điểm chung của nội thành, như nhiều trung tâm thương mại hiện hành.
Ngoài ra, Aeon Mall còn được sự hậu thuẫn từ những doanh nghiệp đồng hương đến từ Nhật Bản cho các dịch vụ như đưa đón hay giao hàng và đây là lợi thế không nhỏ so với các trung tâm mua sắm khác.
Hiện tại, ngoài 4 trung tâm Aeon Mall đã đi vào hoạt động, tới đây Aeon sẽ tiếp tục mở thêm 2 trung tâm nữa tại Hải Phòng và Hà Đông. Theo kế hoạch được công bố, Aeon sẽ mở 20 đại siêu thị Aeon Mall tại Việt Nam đến năm 2025.