Trong đó, các cộng đồng ở châu Á đang đối mặt với mối nguy hiểm lớn nhất.
Dòng chảy từ các sông băng tan thường đọng lại ở các sông có mực nước nông, bị giữ lại bởi đá và mảnh vụn. Rủi ro xảy ra khi nước sông đầy tràn, vượt qua ngưỡng mức nước tự nhiên của nó và tạo ra một dòng nước đổ xuống các thung lũng trên núi.
Các nhà khoa học đã lần đầu tiên đánh giá có bao nhiêu người trên toàn cầu có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ sông băng này, nhận thấy rằng hơn một nửa dân số dễ bị tổn thương sống ở Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc và Peru. Nguy hiểm cao nhất khi một số lượng lớn người dân sống gần hồ.
Lũ lụt bùng phát ở sông băng được dự báo sẽ trở nên tồi tệ hơn trong điều kiện khí hậu ấm lên. Nói chung, các sông băng trên thế giới đã mất khoảng 332 gigaton băng mỗi năm từ năm 2006 đến 2016. Kể từ năm 1990, số lượng và thể tích các hồ băng trên toàn thế giới đã tăng khoảng 50%.
Hồ Dig Tsho (ở thung lũng Langmoche, Khumbu Himal, Nepal) bị vỡ vào năm 1985 do tuyết lở gây ra. (Ảnh: Springer Nature)
Ở vùng núi cao của châu Á, khoảng 9 triệu người sống gần hơn 2.000 hồ băng. Vào năm 2021, hơn 100 người đã thiệt mạng ở Ấn Độ trong một trận lũ lụt dữ dội ở vùng núi phía Bắc nước này.
So với các sông băng trên núi ở dãy Alps và Bắc Mỹ, những nơi băng giá của châu Á không được giám sát tốt hầu hết đều thiếu các quan sát dài hạn về cách chúng thay đổi theo thời gian.
Sông băng được nghiên cứu nhiều nhất ở dãy Himalaya là Chhota Shigri ở phía Bắc Ấn Độ, nơi có 20 năm đo lường cân bằng khối lượng, sự khác biệt giữa lượng băng tăng và giảm của sông băng trong một năm.
Vào năm 2022, Ấn Độ phải hứng chịu nhiệt độ cao và gần cuối năm đó, các nhà khoa học đã đo khối lượng băng của Chhota Shigri. Phát hiện của họ, được chia sẻ với Reuters, tiết lộ, sông băng được nghiên cứu kỹ nhất ở dãy Himalaya đã trải qua năm tồi tệ nhất được ghi nhận; Chhota Shigri tổn thất lượng băng nhiều gấp 3 lần vào năm 2022 so với mức trung bình hàng năm từ 2002 đến 2022.
Farooq Azam, nhà nghiên cứu về sông băng tại Viện Công nghệ Ấn Độ Indore, người theo dõi Chhota Shigri, cho biết: "Các tác động đã có thể nhìn thấy được khi lớp băng trên sông mỏng đi". Ông cho biết, điều này sẽ "ảnh hưởng đến nguồn nước ở hạ lưu trong tương lai gần".
Các quan sát vệ tinh cũng cho thấy, các sông băng ở dãy Himalaya đang trong tình trạng suy giảm tổng thể.
Tobias Bolch, nhà nghiên cứu về sông băng tại Đại học Công nghệ Graz ở Áo, cho biết: " Băng tan chảy đáng kể trong những thập kỷ qua và sự mất mát khối lượng băng đang gia tăng".
Theo một nghiên cứu vào tháng 7/2022, từ năm 1990 đến 2015, độ bao phủ của sông băng ở dãy Himalaya đã giảm khoảng 11%. Trong cùng khoảng thời gian, các hồ băng trên dãy Himalaya đã tăng khoảng 9% về số lượng và 14% về diện tích. Theo nghiên cứu năm 2022, hơn 200 hồ hiện gây ra mối nguy hiểm rất cao cho các cộng đồng ở Himalaya.