Hàng chục nghìn ngôi nhà ngập sâu trong nước
Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng Hà Tĩnh vừa cho biết, tính đến chiều tối 15/10, mưa lớn đã gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số dân bị ngập là 24.158 hộ.
Trong đó, nhiều nhất là huyện Hương Khê với 16 xã, 10.357 hộ dân ngập; Vũ Quang 1 xã ngập; Kỳ Anh có 3 xã với 257 hộ ngập. Huyện Cẩm Xuyên 20 xã với 7.287 hộ ngập lụt; Huyệ Thạch Hà có 24 xã với 3.264 hộ.
Trên địa bàn Hà Tĩnh đã có 9 huyện với 93 xã và tổng cộng có 24.158 hộ dân bị ngập trong nước.
Mưa lớn cũng khiến 9 phường/xã ở TP Hà Tĩnh với 874 hộ bị ngập nước; Tại TX Kỳ Anh có 4 phường/xã với 587 hộ; Can Lộc có 14 xã với 1.500 hộ ngập; Hương Sơn 1 xã, 22 hộ ngập.
Trên toàn tình Hà Tĩnh đã có 2 người chết và 1 người mất tích vì mưa lũ. Về thiệt hạ nông nghiệp có 723 ha lúa mùa bị ngập; hoa màu bị ngập hỏng 1.416 ha; 400 ha cây ăn quả bị ảnh hưởng; 300 gốc đào bị úng hỏng; hơn 12 tấn lương thực bị ướt hỏng.
Mưa lũ cũng đã làm 99.032 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 869 con trâu bò, 399 con lợn bị chết, cuốn trôi; 337 ha hồ nuôi thủy sản bị ngập; 16 cây vó trục bị trôi...
Do ảnh hưởng mưa lũ, gần 20 km đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng đã bị lũ cuốn sói mòn phần kè chắn sạt lở, móng, mố và nền đường.
Lực lượng chức năng đưa mì tôm, nước cứu trọ cho những hộ dân bị cô lập do nước lũ.
Để khắc phục hậu quả sớm thông tuyến, Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh đã huy động trên 500 cán bộ, công nhân đường sắt và các phương tiện tàu, ô tô vận chuyển vật liệu tập trung khắc phục hậu quả để sớm thông tuyến trong thời gian sớm nhất.
Trong ngày 15/10, đoàn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trực tiếp về các vùng bị ngập lụt để thăm hỏi, động viên người dân và chỉ đạo công tác đối phó với lũ.
Mưa lũ đã khiến người dân thiệt hại nhiều gia súc, gia cầm và hoa màu.
"Lũ đến nhanh chúng tôi chỉ kịp lên nóc nhà ở"
Trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 16 xã, 10.357 hộ dân bị ngập. Có 9 xã bị cô lập gồm: Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố, Hương Thủy, Hương Giang, Phương Điền, Phương Mỹ, Hòa Hải. Có 2.576 hộ ngập sâu trên 2m.
Đường vào các xã ở huyện Hương Khê bị ngập sâu, phương tiện duy nhất chỉ là thuyền. Nhiều xã đã bị cô lập hoàn toàn từ rạng sáng 14/10.
Trong đó, xã Phương Mỹ đã bị mưa lũ cô lập, chia cắt hoàn toàn. Phương tiện duy nhất đi lại lúc này là bằng những con bè gỗ được người dân gắn lại hoặc những chiếc thuyền nhỏ.
Được biết, hiện xã Phương Mỹ có 3.024 nhân khẩu/689 hộ đã bị ngập nước. Do nước lũ đến nhanh, nhiều hộ dân không còn cách nào khác đành dọn những đồ quan trọng lên nóc nhà để sống tạm.
Nhiều hộ dân khác không có gác ở mái đành nhờ người vận chuyển đồ đạc lên trên các nhà cao tầng như trường học, trụ sở Uỷ ban xã để sống nhờ.
Trâu bò cũng được người dân đưa lên tầng 2 các trường học, trụ sở xã để gửi nhờ.
Để cứu trâu bò, nhiều hộ dân đành thuê thuyền đưa lên đường hoặc nhờ các nhà vùng cao để gửi tạm. Nhiều nhà không kịp di chuyển đã đưa trâu bò lên tầng 2 của các trường học trên địa bàn để nuôi.
Trên tầng 2 của trụ sở Uỷ ban xã Phương Mỹ, gia đình em Nguyễn Thị Bảo Trang đã xin đến đây ở tạm từ sáng sớm. Do lũ lên nhanh nên sau khi đưa 3 chị em lên đây ở tạm, bố mẹ Trang tiếp tục về nhà dọn đồ, đưa tài sản đi gửi nhờ nhà khác.
Chị em Bảo Trang được bố mẹ đưa lên ở nhờ trên tầng 2 của trụ sở Uỷ ban xã.
Căn phòng gia đình Trang ở ngoài những thứ đồ đạc của gia đình còn có cả chục chiếc xe máy và nhiều tài sản của các gia đình xung quanh gửi. Ở giữa căn phòng được trải chiếc chiếu nhỏ để cả gia đình Trang ngủ.
"Bố mẹ cháu về nhà dọn đồ cất và đưa đồ đạc đi nơi khác gửi. 3 chị em cháu ở đây cũng sợ lắm, dưới tầng ngập hết không đi đâu được. Muốn về nhà lắm các chú ạ", cháu Bảo Trang chia sẻ.
Chiếc chiếu nhỏ được trải giữa căn phòng là nơi ăn ngủ của gia đình Trang khi sống nhờ trên trụ sở uỷ ban xã.
Ngồi ngó đầu qua ô cửa trên nóc nhà, anh Nguyễn Văn Thiện (37 tuổi; xóm Ấp Tiến, Phương Mỹ, Hương Khê) buồn chia sẻ: "Rạng sáng nay là nước lũ lên. Nước lên nhanh hơn năm ngoái. Tôi vội gọi cả nhà dậy cùng dọn đồ lên nóc nhà để ở.
Mấy đồ đạc cần thiết thì treo với làm bè cất rồi còn một số thứ khác không kịp cất chắc trôi rồi. Nước lũ mà ngập ngày mai nữa thì gia đình tôi chẳng có gì ăn".
Mưa lũ nên anh Thiện phải dọn đồ lên nóc nhà để ở.
Mưa lũ vào ngập nửa nhà cũng đã khiến gia đình anh Lâm (trú xóm Ấp Tiến, xã Phương Mỹ, Hương Khê) phải leo thang lên gác nhỏ sát mái nhà để ở.
"Nếu mai còn mưa mà ngập nữa, gia đình tôi chẳng có gì ăn nữa rồi", anh Lâm ngó đầu qua ô cửa nhỏ trên nóc nhà chia sẻ.
Trong không gian chật hẹp, thấp chỉ hơn 1m, vợ chồng anh Lâm vừa làm chỗ ngủ, vừa làm chỗ nấu ăn và cất đồ đạc. Vì con gái anh chỉ mới được 7 tháng nên ở trên nóc nhà rất chật chột lúc nào vợ chồng anh cũng phải trông chừng cẩn thận.
Anh lâm cùng đứa con gái nhỏ 7 tháng tuổi ngó đầu qua ô cửa nhỏ ở nóc nhà để nói chuyện với người ngoài.
"Nước lũ mới đến có hơn ngày mà đã khổ thế này, nếu kéo dài vài ngày chắc chúng tôi không sống nổi", anh Lâm chia sẻ.
Ông Hoàng Xuân Tần - Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ cho biết: Hiện chính quyền địa phương, nhân dân đang tập trung di dời người, tài sản đến nơi an toàn.
Ông Tần thừa nhận nếu tiếp tục mưa và nước lũ dâng thì tình hình ở xã Phương Mỹ rất nguy cấp.
Hiện các hộ dân vẫn đang tiếp tục di dời đến nơi an toàn, phòng tránh nước lũ lên cao.