Hagupit là cơn bão nhiệt đới thứ 4 đổ bộ vào Trung Quốc trong năm nay. Trước đó, hôm 1.8, bão Sinlaku đã mạnh lên từ áp thấp nhiệt đới và quét qua thành phố Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc.
Bão Sinlaku đã gây ra những trận mưa lớn ở phía Tây Nam và phía Đông đảo Hải Nam trong ngày 1.8. Các chuyến bay đi từ sân bay quốc tế Phượng Hoàng ở thành phố Tam Á bị đình chỉ do ảnh hưởng của thời tiết.
5 giờ sáng hôm 2.8, cơn bão mới Hagupit còn cách bờ biển Chiết Giang 460 km về phía Đông Nam. Sức gió ở vùng tâm bão là 90 km/giờ. Bão Hagupit dự kiến sẽ di chuyển với tốc độ từ 20 – 25 km/giờ và tiếp tục tăng sức gió trước khi đổ bộ, theo cơ quan quan sát khí tượng Trung Quốc.
Dự báo báo Hagupit sẽ gây mưa lớn từ 100 – 200 mm dọc các tỉnh thành Chiết Giang, Thượng Hải, Phúc Kiến.
Theo thang cảnh báo thời tiết 4 màu xanh, vàng, cam, đỏ của Trung Quốc, bão Hagupit được xếp mức màu vàng.
Ở Phúc Kiến, chính quyền đã yêu cầu sơ tán khẩn cấp những ngư dân còn hoạt động trên ngư trường trước khi bão đổ bộ, các địa điểm du lịch ven biển bị dừng hoạt động.
Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc đã tổ chức cuộc họp nhằm triển khai công tác phòng chống bão, đặc biệt là trong mùa lũ tại các khu vực trọng yếu.
Dự báo, đầu giữa tháng 8, thượng nguồn sông Dương Tử sẽ đón thêm 2 – 3 đợt mưa lớn khiến cho mực nước trong hồ chứa của đập Tam Hiệp và một số hồ khác tiếp dâng cao.
Một con sông Trung Quốc đầy nước trong mùa lũ (ảnh: Xinhua)
Theo Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, mực nước ở khu vực trung và hạ lưu sông Dương Tử vẫn còn đáng lo ngại. Tất cả các bộ phận, đơn vị liên quan không được mất cảnh giác, phải tăng cường cảnh báo và dự báo sớm tình hình mưa lũ.
Do diễn biến lũ lụt đã không còn quá nghiêm trọng, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc mới đây đã giảm ứng phó kiểm soát lũ từ cấp 2 xuống cấp 3.
Tuy nhiên, chính quyền Hồ Bắc cho rằng, việc giảm cấp độ phản ứng với lũ không có nghĩa nguy hiểm đã không còn. Hiện tại, mực nước tại một số con sông, hồ nước và hồ chứa ở Hồ Bắc còn vượt mức cảnh báo lũ, thảm họa địa chất vẫn tiềm ẩn. Không được giảm tần suất thực hiện việc gia cố, kiểm tra tình trạng đê điều trên địa bàn.