"Phòng thí nghiệm" của các trận không chiến
Trong khuôn khổ cuộc chiến ủy nhiệm, trên bầu trời Libya đang dày đặc UAV của Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, các máy bay tiêm kích MiG-29 và ném bom tiền phương Su-24, Mirage 2000 của Không quân UAE. Bên cạnh đó, không loại trừ sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ và Rafale của Ai Cập trong không phận này.
Quốc gia Bắc Phi đã biến thành phòng thí nghiệm chiến đấu của cuộc chiến tranh trên không trung.
Chính vì lẽ đó, một loạt câu hỏi được đặt ra: Điều gì đang xảy ra tại quốc gia Bắc Phi này? Ai đang giành chiến thắng? Cuộc xung đột này dạy cho các nhà hoạch định đường hướng và triển khai chiến đấu của các lực lượng không quân điều gì?
“Libya đã một lần nữa cho thấy rõ giá trị của máy bay chiến đấu” - Defense News dẫn lời chuyên gia khoa học về lĩnh vực hàng không vũ trụ quân sự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London (Anh) Douglas Barry nhận định.
Sự lên ngôi của UAV
Cuộc xung đột tại Libya bắt đầu căng thẳng vào tháng 4/2019, khi tướng Haftar triển khai chiến dịch nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli.
Với sự hỗ trợ của các lực lượng nước ngoài, bao gồm Ai Cập, Pháp và một số quốc gia khác, tướng Haftar đã từng cảm thấy hoàn toàn tự tin khi chống lại chính phủ được Liên hợp quốc thừa nhận ở Tripoli do Thổ Nhĩ Kỳ, Ý và Qatar hậu thuẫn, cho tới một thời điểm nhất định.
Tháng 4 năm ngoái, các UAV Wing Loong II của Trung Quốc, do UAE vận hành, đã ném bom vào các mục tiêu dân sự tại Tripoli. Sau đó, sự kiện này đã trực tiếp mang tới cho Bắc Kinh những hợp đồng mua sắm UAV từ các quốc gia Trung Đông.
Máy bay không người lái Wing Loong II của Trung Quốc. Nguồn: Wiki
Wing Loong II, [hay Pterodactyl II, theo cách gọi của phương Tây] là UAV do thám-tấn công. Nhìn bề ngoài, Wing Loong II khiến người ta nhớ tới mẫu MQ-1 Predator và MQ-9 Reaper của Mỹ.
Những điểm khác biệt của Wing Loong II so với Wing Loong nằm ở khối lượng cất cánh, sải cánh, chiều dài thân, chiều cao, trần bay tối đa, cũng như thời gian và vận tốc bay tối đa. Bên cạnh đó, Wing Loong II có cánh đuôi ở thân dưới giống như trên MQ-9 Reaper.
“Người Trung Quốc biết cách bán UAV tại Trung Đông, khách hàng của họ bao gồm Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Iraq. Do trước đó Mỹ hạn chế bán khí tài quân sự loại này cho nước ngoài nên Trung Quốc đã nhanh chóng nhìn ra phân khúc của mình trên thị trường và biết cách tận dụng tình huống” - ông Barry nói.
Ở lĩnh vực này, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là một ngoại lệ. Khoảng tháng 5/2019, Ankara đã trình diễn trên chiến trường Libya mẫu UAV nội địa Вayraktar ТВ2, đây là UAV tấn công chiến thuật-tác chiến độ cao trung bình với thời gian bay dài.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: profile.ru
Bayraktar TB2 từng được sử dụng để tấn công các đơn vị và lực lượng của tướng Haftar và chúng đã tiêu diệt được tổ hợp pháo tên lửa phòng không Pantsir của Nga.
“Thổ Nhĩ Kỳ tập trung nghiên cứu và sản xuất UAV và nhiều khả năng đã từng sử dụng Libya như phòng thí nghiệm để thử nghiệm và tinh chỉnh, từ giờ những hệ thống này được thử nghiệm trong các điều kiện chiến đấu.
Ngoài những gì đề cập, ngành công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - cụ thể là doanh nghiệp Roketsan - đang nghiên cứu chế tạo các loại đạn chính xác cao cỡ vừa cho UAV” - ông Barry giải thích.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng UAV TB2 tại Libya đã thay đổi luật lệ cuộc chơi. “Thổ Nhĩ Kỳ đã xác định rằng dần dà theo thời gian, các UAV của họ có thể bị thiệt hại trong quá trình tham chiến, bởi chúng, một phần nào đó, là loại dùng một lần, và phương pháp mới này đã làm cho đối phương bất ngờ” - chuyên gia Jalel Kharshoui từ Viện Clingendal tại Hà Lan cho biết.
Nguyên nhân nào mà Ankara áp dụng chiến lược này? Trước tiên, đó là vì giá thành của UAV. “Trước đây, việc sản xuất một cỗ máy tốn kém khoảng 1-1,5 triệu USD, nhưng nhờ sản lượng UAV tăng, giá thành một cỗ máy đã giảm xuống mức dưới 500 nghìn USD, chưa bao gồm trạm điều khiển” - ông Kharshoui chỉ rõ.
Ông bổ sung thêm rằng, các chương trình nâng cấp và những thay đổi kỹ thuật khác đã làm tăng tính hiệu quả triển khai chiến đấu và những tính năng do thám của UAV Bayraktar TB2, điều đó giúp người ta tìm kiếm được độ cao chính xác để triển khai chiến đấu cỗ máy, nhằm tránh việc bị hỏa lực của các tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir bắn hạ.
“Trong khi đó, việc triển khai chiến đấu các UAV Wing Loong II của Trung Quốc từ phía UAE về cơ bản không mang bất cứ điều đặc biệt mới mẻ về chiến thuật nào.
Bản thân những cỗ máy này trong quá trình tham chiến không tạo nên điều gì đó mang tính cách mạng, bởi vậy những kết quả từ hoạt động của chúng ít ấn tượng hơn” - ông Jalel Kharshoui nêu rõ.
Ông Barry lưu ý rằng, chiến trường Libya là một trong những ví dụ nữa cho thấy tính hiệu quả gia tăng khi triển khai UAV trong chiến tranh hiện đại.
“Hiện nay UAV là phương tiện tác chiến được các tổ chức chính phủ/phi chính phủ sử dụng. Đương nhiên, các quốc gia có thể trang bị cho mình những hệ thống mạnh hơn và cỡ lớn hơn.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ có thể sẽ phải tự hài lòng với những cỗ máy tự chế, được sản xuất từ các linh kiện của RadioShack (công ty Mỹ, mạng lưới các cửa hàng bán lẻ đồ điện tử có mặt tại Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi), hoặc mua những hệ thống của các nhà tài trợ của chính phủ” - ông Barry cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, tại Libya, UAV rất lý tưởng cho một cuộc chiến tranh chống lại những đơn vị vũ trang hạng nhẹ và quy mô nhỏ.