VNCB tự ý ghi chi 5.190 tỷ đồng trên tài khoản, tự ý cầm cố 6 sổ tiết kiệm để cho vay 300 tỷ đồng mà không có bất kỳ chứng từ nào.
Phạm Công Danh đã tiêu hết số tiền này. Các bị cáo bị truy tố về tội Cố ý làm trái, Vi phạm quy định cho vay gây thiệt hại cho VNCB.
Phạm Công Danh và luật sư bào chữa luôn cho rằng bà Trần Ngọc Bích cho Phạm Công Danh vay khoản tiền 5.490 tỷ đồng. Tại sao Phạm Công Danh lại muốn ôm cục “nợ” này, Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã lý giải, vì Danh muốn trốn tội.
Trong phần tranh luận tại tòa sáng 24/8/2016, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên đã làm rõ vấn đề này.
“Có ý kiến cho rằng bà Trần Ngọc Bích có quen biết, có chụp hình chung với Phạm Công Danh, kèm theo các chứng từ giao dịch trong các mối quan hệ khác không liên quan đến vụ án của Trần Ngọc Bích, đã kết luận Bích có cho Phạm Công Danh vay tiền.
Vì Bích cho Phạm Công Danh vay tiền nên Danh tự ý lấy tiền trên tài khoản của Bích, VNCB tự ý cho vay cầm cố 6 sổ tiết kiệm không có chữ ký, Bích đồng thuận và nợ chứng từ.
Khoản tiền 5.940 tỷ đồng là trách nhiệm dân sự của Danh với Trần Ngọc Bích”, luật sư Uyên khẳng định đây là những quan điểm không có căn cứ, không đúng sự thật.
“Phạm Công Danh muốn ôm thêm nợ để trốn tội?”
Theo luật sư, số tiền 5.190 tỷ đồng trên tài khoản của Trần Ngọc Bích thuộc sở hữu hợp pháp của Bích. Bích không cho Danh vay thì khẳng định không cho vay. Bích không cho vay nên không chuyển tiền cho Danh.
Giả sử Bích có cho Danh vay thì Bích cũng phải chuyển tiền cho Danh. Trong mọi trường hợp, cho vay hay không cho vay thì VNCB hay Phạm Công Danh cũng không thể tự chuyển tiền từ tài khoản của Bích sang tài khoản của Danh nếu không có lệnh chi hợp pháp của Bích.
Luật sư cho rằng, VNCB đã tự ý ghi nhận có tiền vào tài khoản của Danh. Việc VNCB ghi nhận chi tiền vào tài khoản của Bích thực chất là việc che giấu hành vi rút 5.190 tỷ đồng từ ngân hàng của Phạm Công Danh.
Một người tự ý lấy tài sản của người khác, không có chứng từ gì, nhưng vẫn khai rằng đây là tài sản anh cho tôi vay, tôi mượn vì trước đó tôi đã từng vay anh, trước đó tôi đã từng chụp hình với anh. Nay anh không cho tôi vay, không cho tôi mượn thì anh phải chứng minh.
Đây là quan điểm cực kỳ vô lý và không có căn cứ, cả về pháp lý và đạo lý.Với 6 sổ tiết kiệm, tổng số tiền 303,5 tỷ đồng, đây không phải là sổ của Trần Ngọc Bích, mà là sổ tiết kiệm của Nguyễn Thị Mỹ Dung, Ngô Bích Thùy Trang, Trần Hoài Phục.
Việc VNCB tự ý cầm cố các sổ tiết kiệm này không có chữ ký, không có hồ sơ vay để Phạm Công Danh rút 300 tỷ đồng, nay Phạm Công Danh cũng cho rằng đây là số tiền Trần Ngọc Bích cho Danh vay thì còn vô lý hơn nữa.
Luật sư khẳng định đây đúng là lý sự cùn của Phạm Công Danh.
Phạm Công Danh và thuộc cấp khai báo mâu thuẫn
Không có chữ ký thì không có chứng từ, không có chứng từ thì không thể chuyển tiền. Bản chất sự việc là VNCB tự ý ghi nhận chi tiền trên tài khoản của Trần Ngọc Bích, ghi có tiền trên tài khoản của Phạm Công Danh.
Do đó, việc Trần Ngọc Bích biết hay không biết, đồng thuận hay không đồng thuận, nợ hay không nợ chữ ký là không làm thay đổi bản chất sự việc. Phạm Công Danh nêu các nội dung này thực chất để đánh lạc hướng.
Trần Ngọc Bích khẳng định không lập lệnh chi chuyển tiền cho Danh. Trần Ngọc Bích không thể hiện ý chí của mình dù là bằng lời nói với bất cứ ai. Không có lời khai nào, căn cứ cứ nào thể hiện Trần Ngọc Bích đồng thuận với việc chuyển tiền.
Hoàng Đình Quyết khai việc chuyển 5.190 tỷ đồng ra khỏi tài khoản của Bích theo yêu cầu qua điện thoại của Vũ Anh Tuấn. Đây là lời khai vô lý, vì VNCB không thể thực hiện giao dịch dựa trên “lệnh chi điện thoại” của người không phải chủ tài khoản.
Tại phiên tòa, đại diện VNCB xác nhận lệnh chi, ủy quyền giao dịch tài khoản phải bằng văn bản có chữ ký của chủ tài khoản. Cũng tại phiên tòa, Vũ Anh Tuấn đã khẳng định không có quyền với tài khoản của Trần Ngọc Bích và không ra “lệnh chi điện thoại” cho VNCB.
Để chứng minh Trần Ngọc Bích biết và đồng thuận với việc chuyển tiền, Hoàng Đình Quyết khẳng định Bích có sử dụng dịch vụ SMS banking, nhận tin báo giao dịch qua điện thoại.
Phần thẩm vấn tại tòa thể hiện Trần Ngọc Bích không không sử dụng SMS banking. Điều này thể hiện rõ ràng tại Vi bằng được lập ngày 25/8/2014 giữa VNCB, Trần Ngọc Bích.