Cửa sáng nào cho Lotus Chat tại thị trường Việt?
Trước thời kỳ điện thoại thông minh xuất hiện, chỉ có một cách để nhắn tin trên điện thoại đó là sử dụng giao thức cổ điển SMS. Nhưng ngày nay, hàng tỷ người trên thế giới đã chuyển sang kết nối với nhau bằng các nền tảng nhắn tin tức thời.
Theo thống kê năm 2024, có hơn 5 tỷ người trên thế giới sử dụng các ứng dụng nhắn tin, trong đó nhiều nhất là WhatsApp và Facebook Messenger. Tổng cộng hai nền tảng này có hơn 3 tỷ người sử dụng, chiếm đa số thị phần.
Thế nhưng, bất chấp sự chi phối thị trường của hai ông lớn này, vẫn có hàng loạt các ứng dụng nhắn tin khác cả gạo cội lẫn non trẻ có được thành công trên thị trường.
Cùng với WhatsApp và Facebook Messenger, có ít nhất 6 nền tảng khác có lượng người sử dụng là 500 triệu trở lên, bao gồm WeChat, Telegram, Snapchat, QQ. Ở dưới nữa là những cái tên quen mặt như Viber, Line, Signal, Skype, KakaoTalk… với số người sử dụng lên đến vài chục triệu.
Ở Việt Nam, thị trường nhắn tin cũng đã chật chội với các cái tên quen thuộc như Facebook Messenger (52 triệu người dùng), Zalo (75 triệu), Telegram (25 triệu)…
Vào ngày 18/10 tới đây, sẽ có thêm một ứng dụng nhắn tin mới khác của người Việt phát triển là Lotus Chat gia nhập cuộc đua giành thị phần với kỳ vọng rất lớn.
Câu hỏi đặt ra là sự gia nhập muộn màng của Lotus Chat liệu có cửa sáng nào để thành công ở Việt Nam hay đây sẽ chỉ là một dự án viển vông và lãng phí nguồn lực?
Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao có những nền tảng nhắn tin non trẻ trên thế giới vẫn đứng được trên vai người khổng lồ để có được thành công riêng.
Thị trường còn quá nhiều ngách
Rõ ràng, thị trường tin nhắn tức thời là mỏ vàng vô cùng lớn. Ứng dụng nhắn tin là một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Sự phổ biến của chúng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây và tiềm năng khai thác còn rất lớn.
Quy mô thị trường tin nhắn tức thời toàn cầu là 22 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 53 tỷ USD vào năm 2031.
Giống như mạng xã hội chi phối thế giới kỹ thuật số, các ứng dụng nhắn tin cũng ngày càng ra đời nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu cho từng đối tượng, mục đích sử dụng. Có người chỉ sử dụng một nền tảng để giao tiếp hàng ngày nhưng có nhiều người sử dụng đa dạng các ứng dụng khác nhau.
Để trò chuyện với gia đình, người thân, ta có Facebook Messenger hay WhatsApp; làm việc hay theo dõi tin tức dùng Telegram. Signal dành những người đam mê công nghệ, Discord cho những người chơi game, Snapchat cho những nhóm người trẻ.
Hãy nhìn vào sự thành công của Snapchat. Khi mới ra đời, ít người nghĩ nền tảng vốn chú trọng vào đối tượng người dùng thanh thiếu niên có thể thành công đến vậy.
Snapchat là ứng dụng gửi tin nhắn bằng hình ảnh, nơi người dùng có thể chụp ảnh, quay video, thêm văn bản và hình vẽ rồi gửi chúng cho bạn bè. Điểm đặc biệt của Snapchat đó là các tin nhắn được gửi đi sẽ tự biến mất trong 10 giây sau khi người nhận đọc được và trong vòng 24 giờ tiếp theo sẽ biến mất hoàn toàn trên tường.
Chẳng ai nghĩ một ứng dụng "không lưu được tin nhắn" lại có đến 800 triệu người dùng như hiện nay. Vậy vì sao cách hoạt động khó hiểu của Snapchat lại thành công?
Không đi theo cách làm truyền thống của Facebook Messenger hay WhatsApp - Snapchat định hướng mình là một ứng dụng giải trí, giúp người dùng thoải mái nói chuyện với nhau mà không cần lo đến việc chúng bị lộ ra ngoài. Cùng với đó, ứng dụng đi kèm với những công cụ hỗ trợ truyền tải hình ảnh thú vị, vui vẻ theo cách không giống ai.
Discord cũng là ví dụ về một nền tảng có hướng đi độc đáo để trở thành "ngựa ô" trong thị trường tin nhắn tức thời.
Là ứng dụng nhắn tin tập trung vào tính năng tạo máy chủ, giao tiếp trong môi trường chuyên dụng, Discord ra mắt vào năm 2015 và ngay lập tức trở nên phổ biến trong cộng đồng game thủ vì tính dễ sử dụng và các tính năng đa dạng (ví dụ, cho phép game thủ trò chuyện, chia sẻ phương tiện, điều phối các phiên chơi, v.v.).
Cái hay của Discord là hệ thống hỗ trợ kết nối trò chuyện trong cộng đồng ảo với các công cụ đa dạng, mạnh mẽ, mang lại cảm giác giống như một diễn đàn thực sự cho những nhóm người có chung sở thích.
Có thể nói, lý do thành công của Snapchat và Discord là họ làm những điều mà các ứng dụng khác không làm. Facebook Messenger hay WhatsApp quá nghiêm túc khi so với Snapchat, trong khi lại thiếu đi giao tiếp nhóm hiệu quả như Discord. Do đó, Snapchat và Discord chiếm được lượng người dùng trung thành của riêng họ và không ngừng tăng lên.
Số lượng người dùng hoạt động hàng ngày trên Snapchat đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua. Vào năm 2014 mới chỉ có 46 triệu người dùng. Con số nầy tăng gấp 9 lần, lên 422 triệu người vào năm 2024. Trong khi đó, Discord sau 9 năm phát triển đã có cho mình 200 triệu người dùng và trang web chính thức của nền tảng trở thành địa chỉ được truy cập nhiều thứ 5 trên thế giới.
Sự ra đời ngày và thành công của các ứng dụng nhắn tin mới như Snapchat hay Discord cũng là hệ quả của quy luật đào thải khắc nghiệt, khi các nền tảng cũ không có nhiều đổi mới sẽ bị các cái tên đi sau lấn át và chiếm hết thị phần.
Những cái tên như Yahoo, Skype đã từng chiếm được cảm tình nhưng nay đã lùi vào dĩ vãng. Thậm chí cả Viber, ứng dụng nhắn tin ra mắt cùng thời với WhatsApp cũng chìm sâu và chỉ mới quay lại đổi mới mình trong thời gian gần đây.
Mặc dù chiếm thị phần đáng kể trên thị trường ứng dụng nhắn tin toàn cầu, Facebook Messenger hay WhatsApp đang bị Telegram đeo bám dữ dội khi nền tảng này đã có đến 900 triệu người dùng và có mức tăng trưởng lớn nhất trong số các đối thủ.
Không chỉ là nền tảng giao tiếp nổi tiếng với tính bảo mật, Telegram hội tụ đủ công thức thành công của Snapchat và Discord khi dung hòa cả hai khía cạnh đảm bảo tính giải trí và hệ thống kênh cộng đồng.
Tìm đúng đối tượng
Sự thành công của nền tảng nhắn tin non trẻ phụ thuộc vào sự nhanh nhạy của các công ty trong việc nắm bắt thị hiếu của mỗi thị trường cũng như có sự điều chỉnh phù hợp với tính chất bản địa.
Điều thú vị là có những nền tảng nhắn tin phổ biến ở quốc gia này nhưng lại hiếm người biết đến ở quốc gia khác. Hoặc có những cái tên nghe có vẻ như không quá nổi tiếng nhưng lại làm rất trong tốt việc chiếm cho mình một thị trường riêng.
WhatsApp có người dùng nhiều nhất thế giới, cực kỳ phổ biến ở Ấn Độ, Brazil hay Mỹ, với lượng người dùng lần lượt là 535 triệu, 139 triệu và 91 triệu. Thế nhưng nền tảng này chỉ phổ biến nhiều ở châu Mỹ, châu Âu còn gần như mất hút ở Việt Nam hay các quốc gia châu Á.
Ngược lại, nhờ vào sự phổ biến của mạng xã hội Facebook, nền tảng Facebook Messenger có lượng người dùng đồng đều ở nhiều quốc gia, nổi bật ở Đông Nam Á. Thậm chí, Việt Nam còn là quốc gia đứng thứ 5 trong số 10 nước có lượng người dùng lớn nhất.
Với Snapchat, thị trường trọng điểm của nền tảng này khá đặc thù khi chỉ phổ biến ở hai thị trường là Ấn Độ và Mỹ. Dù cạnh tranh khốc liệt với nền tảng lâu đời WhatsApp, Snapchat thậm chí có đến 200 triệu người dùng ở Ấn Độ - hơn cả Mỹ.
Có thể thấy, không có nền tảng nhắn tin nào nắm vị trí độc quyền. Có thể một ứng dụng (WhatsApp) phổ biến ở quốc gia này nhưng chúng không nổi bật ở quốc gia khác. Nhưng cũng có những ứng dụng dù đứng trên vai những người khổng lồ (Snapchat) vẫn sống tốt nhờ vào sự khác biệt của mình.
Tương tự như vậy, có những ứng dụng quen thuộc với người Việt Nam khi từng ra mắt thị trường và rồi rút lui sau khi không đạt được nhiều thành quả nhưng họ vẫn phát triển mạnh khi tìm được mảnh đất mới và hướng đi phù hợp.
Có thể kể đến cái tên như LINE, hiện vẫn rất phổ biến ở Indonesia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan. Trong khi Viber giờ đây đang nhắm mục tiêu vào các thị trường mới nổi như Đông Âu và Trung Đông.
KakaoTalk - ứng dụng nhắn tin nội địa của Hàn Quốc cũng là ứng dụng phổ biến nhất tại quốc gia này với hơn 40 triệu người dùng hoạt động, vượt trội so với các ông lớn nước ngoài. Trong khi đó, Telegram lại được tin dùng ở Trung Á và Trung Đông nhờ ủng hộ quyền riêng tư và bảo mật.
Còn cơ hội cho người đi sau như Lotus Chat?
Có thể rút ra hai công thức thành công cho các nền tảng nhắn tin: Đi theo sự khác biệt và chọn đúng đối tượng người dùng.
Sự đa dạng của các nền tảng nhắn tin cũng như sự thoái trào của các cái tên lớn như Yahoo, Skype cho thấy không có nền tảng nào sẽ thống trị mãi mãi dù có tiềm lực mạnh mẽ với số lượng người dùng lớn đến đâu.
Skype đã từng là nền tảng giao tiếp và gọi video hàng đầu thị trường nhưng sớm để mất thị phần vào tay Zoom trong thời dịch bệnh. Ngay cả mạng xã hội Twitter hay X sau này cũng bị nền tảng non trẻ Threads của Meta chiếm mất lượng người dùng sau khi gặp nhiều lùm xùm về hoạt động.
Mỗi thời kỳ sẽ có những xu hướng kỹ thuật số mới, đối tượng dùng mới (như Gen Z), đòi hỏi những mục đích sử dụng khác nhau. Những nền tảng nào chậm trễ và bảo thủ sẽ sớm mất đi vị thế của mình.
Việc có thêm các nền tảng nhắn tin mới như Lotus Chat cho thấy thị trường còn nhiều dư địa có thể khai thác. Tìm cho mình hướng đi là dung hòa giữa cả hai nhu cầu sử dụng là giao tiếp và công việc, đi kèm với các tính năng bảo mật mạnh mẽ và mang đậm bản sắc văn hóa Việt, Lotus Chat đang đi theo đúng kinh nghiệm tạo nên thành công của các nền tảng nổi tiếng trên thế giới.
Canh bạc của Lotus Chat có thể mạo hiểm nhưng nhiều hứa hẹn và thực tế. Đây là tín hiệu tốt để người dùng Việt đón nhận thêm một lựa chọn mới nhằm đa dạng hóa mục đích sử dụng cũng như có thêm các tiện ích phù hợp với xu hướng phát triển của kỹ thuật số.
Điều quan trọng nữa là đường dài. Telegram mất 10 năm để có được gần 1 tỷ người dùng, trong khi Discord cũng phải loay hoay rất lâu mới được yêu thích như hiện tại. Do đó, hành trình của Lotus Chat sẽ còn rất dài để chứng minh được nền tảng có đi đúng con đường và chiều lòng được đối tượng mà họ hướng đến hay không.