Từ sáng sớm, công nhân đã chăm chú mài dao để cắt chồng lốp cũ chất bên vệ đường làng. Công nhân 35 tuổi Abdelwahab Mohamed nói: “Cả ngôi làng đều làm công việc tái chế lốp đã hỏng. Chúng tôi được truyền nghề từ cha và ông nội”.
Làng nhỏ Nile Delta nằm cách Cairo 70 km về phía Bắc vốn đã “gây dựng” được danh tiếng là trung tâm tái chế cao su hàng đầu Ai Cập.
Họ thu thập lốp xe đã qua sử dụng từ khắp Ai Cập rồi chuyển chúng đến làng Mit al-Harun trên những chiếc xe tải lớn. Anh Mohamed cho biết giá mỗi chiếc lốp có thể lên tới 4 USD.
Theo Mohamed, những người lao động sẽ cắt lốp rồi phân loại bộ phận kim loại trong đó và chuyển chúng cho các nhà máy thép và sắt để tái chế. Tiếp đó, lốp xe bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ và bị đốt xử lý thành dầu giá rẻ sử dụng trong các nhà máy xi măng.
Mohamed chia sẻ rằng những năm gần đây công việc của anh không còn ổn định, đặc biệt là kể từ biến động chính trị năm 2011 với Mùa xuân Arab.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) dẫn lời Mohamed cho biết: "Có những ngày nhiều việc để làm nhưng những ngày khác lại chẳng có gì".
Trong khi đó, ông Mostafa Azab (43 tuổi) lại tái chế lốp xe cũ thành những chiếc giỏ để nông dân và người làm vườn sử dụng. Nhà máy của Azab xử lý 10 chiếc lốp mỗi ngày và sản xuất được 80-120 chiếc giỏ.
Anh trai của ông Mostafa Azab là Haitham than phiền rằng công việc này khá mệt mỏi. Ông Haitham kể lại: "Cần phải có thể lực để dịch chuyển những chiếc lốp nặng. Nếu có lựa chọn cho một công việc ổn định hơn, chúng tôi sẽ từ bỏ tái chế lốp xe cũ. Nhưng đây là nguồn thu nhập duy nhất của chúng tôi".