Long Nhật và Vương Bảo Tuấn là đôi bạn thân, đôi bạn tri kỷ suốt 15 năm qua. Khi Vương Bảo Tuấn qua đời vì bệnh ung thư đại tràng, Long Nhật vô cùng đau khổ.
Lập bàn thờ trong nhà, ngồi ăn cùng mâm cúng Vương Bảo Tuấn
Long Nhật chia sẻ: "Một tháng trôi qua rồi nhưng nỗi đau trong tôi vẫn chưa nguôi ngoai chút nào. Chúng tôi đã bị cắt đứt, chia lìa một cách tức tưởi. Cả gia đình anh Tuấn cũng không hề có bất cứ sự chuẩn bị nào. Bản thân tôi càng không.
1 tuần trước ngày anh Tuấn đi, gia đình đã bàn tới hậu sự, nhưng mỗi lần nói tới là tôi hét lên, khóc không chịu "hậu sự gì mà hậu sự, người còn đây sao lại bàn hậu sự". Vậy mà lúc anh Tuấn đi, không biết tôi lấy sức lực, trí tuệ ở đâu mà lo cho đám tang anh trọn vẹn như thế.
Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ, có ngày mình lại cúng cơm anh Tuấn. Trước khi đi làm, tôi vẫn hay nói "Anh ơi, em đi làm nghe". Cả khi về cũng bảo "Anh ơi, em về rồi nè", dù anh Tuấn có hiện diện ở đó hay không. Lúc nào ăn cơm, tôi cũng mời "Anh ăn cơm với em nghe..."
Long Nhật lập bàn thờ Vương Bảo Tuấn trong nhà. Di ảnh của nam ca sĩ "Thuyền giấy chiều mưa" được đặt kế bên di ảnh mẹ của ca sĩ Long Nhật.
Giọng Long Nhật nghẹn lại vì xúc động. Im lặng hồi lâu, anh mới kể về chuyện mình lập bàn thờ Vương Bảo Tuấn trong nhà.
Long Nhật xin chị gái và anh rể của Vương Bảo Tuấn cho lập bàn thờ ở nhà riêng. Anh muốn được ngày ngày thắp hương và cúng cơm Vương Bảo Tuấn. Vì có những lúc bận, anh không thể chạy qua nhà anh chị gái Vương Bảo Tuấn được.
Gia đình đồng ý và chuẩn bị di ảnh cho anh, kích thước bằng đúng khung hình của mẹ và chú ruột Long Nhật đang thờ ở nhà.
Buổi sáng Long Nhật đưa di ảnh Vương Bảo Tuấn về nhà, lập bàn thờ đã có một câu chuyện kỳ lạ xảy ra.
Trợ lý của Long Nhật đi mua thuốc lá nhưng không đúng loại mà Vương Bảo Tuấn lúc sinh thời hay hút.
Long Nhật đốt 3 điếu, tắt hết cả 3, trong khi bàn thờ người chú ruột vẫn cháy bình thường. Phải đổi đúng loại Vương Bảo Tuấn thường hút, điếu thuốc đốt lên mới cháy.
"Hiện vẫn đang trong tuần cúng cơm cho anh Tuấn. Anh Tuấn lúc còn sống thích ăn món nước, đặc biệt là hủ tíu, đồ khô thì chỉ thích bánh mì ốp la nên tôi cúng anh những món đó. Sáng thì thêm ly sữa hoặc cà phê. Trưa, chiều cúng cơm nhưng tất cả đều là đồ chay.
Lúc cúng cơm anh Tuấn, tôi cũng bày mâm đồ ăn của mình kế bên bàn thờ để ăn chung. Bữa nào tôi đi làm thì thôi, ở nhà chị giúp việc nấu cơm và thắp hương cho anh Tuấn", Long Nhật bộc bạch.
Long Nhật và Vương Bảo Tuấn là đôi bạn thân suốt 15 năm qua.
"Có viên thuốc nào uống vô cho hết nhớ anh Tuấn không"
Theo lời ca sĩ Long Nhật, Vương Bảo Tuấn còn gắn bó với cả dòng họ nhà anh. Việc lớn việc nhỏ trong gia đình, dòng họ của Long Nhật, Vương Bảo Tuấn đều có mặt từ sớm để lo việc, còn Long Nhật đi làm tới ngày mới về. Bởi thế, cả gia đình, dòng họ nhà Long Nhật đều xem Vương Bảo Tuấn như người ruột thịt.
Long Nhật xúc động chia sẻ: "Đối với tôi, Sài Gòn bây giờ không còn gì vui nữa. Xong việc, không có ai để gọi "Anh ơi, em ăn cơm hay anh ơi, em muốn đi dạo phố".
Trong bao nhiêu năm, khi tôi gọi, anh Tuấn đều bảo "ok, anh thay đồ", chưa bao giờ từ chối dù đang họp hay bận bất cứ công việc gì.
Nếu tôi muốn ăn cơm là anh Tuấn tự tay xuống bếp nấu, chứ không để lính nấu. Nếu tôi muốn đi dạo phố là anh đi ngay. Long Nhật đã xong việc là tất cả thời gian đều của Long Nhật. Cho nên khi anh Tuấn đi rồi, Sài Gòn đối với tôi không còn gì vui nữa, chỉ là công việc thôi.
Bây giờ, tôi đi làm gì cũng thương anh Tuấn, làm tóc, làm da, nâng cung chân mày, làm mặt hay mua quần áo... đều nghĩ tới anh Tuấn. Ăn một miếng ngon cũng thương anh Tuấn, nhớ anh Tuấn.
Tôi không coi lại phim và hình ảnh đám tang, làm cho đủ thủ tục thôi. Coi làm chi cho đau đớn thêm, tôi đã quá buồn rồi. Cứ nhắc tới anh Tuấn là nước mắt tôi chảy ròng ròng.
Tôi khóc nói với bố mình "Có viên thuốc nào uống vô cho hết nhớ anh Tuấn không".
Long Nhật và Vương Bảo Tuấn trong một MV ca nhạc.
Bố tôi bảo "Con phải nhớ hoài chứ sao lại quên. Đừng quên nó. Con cũng không phải làm lễ cầu siêu. Khi nào con gần 100 tuổi thì hẵng làm lễ cầu siêu cho Tuấn về thế giới bên kia. Hai đứa thương nhau như thế, cứ để Tuấn ở trong nhà với con".
Gia đình tôi ở Huế, ai cũng thương anh Tuấn. Mẹ tôi lúc còn sống cũng rất thương anh Tuấn. Em gái tôi cũng vậy.
Khi biết tôi lập bàn thờ anh Tuấn, anh trai tôi nói "Em làm gì để đỡ đau khổ, để lòng em bình yên thì cứ làm. Toàn quyền em quyết định. Cả nhà ủng hộ em. Vương Bảo Tuấn xứng đáng với tất cả những việc em làm cho nó".