Long Nhật: Dự án này là nén nhang tôi thắp cho anh Cường và anh Tuấn

Cao Thanh Hương ghi |

"Khi làm dự án này, tôi hết sạch tiền nhưng hai anh phù hộ nên đúng lúc đó, show đổ về rất nhiều, đi vài show được 300 triệu", Long Nhật nói.

Tối ngày 6/9, ca sĩ Long Nhật chính thức phát hành bộ phim ngắn ca nhạc "Tìm lại người xưa" nhân dịp kỷ niệm 30 năm ca hát. Nhưng điều thú vị là, bộ phim này được dựa trên một câu chuyện tình dang dở, có thật của nhạc sĩ Phạm Anh Cường, cũng là tác giả bài hát.

"Quá khứ là thứ đã đi qua bằng vạn hình khói sương, còn ký ức mới là hình hài ghim sâu trong trí nhớ. Tôi hiểu, Thủy không buồn hận gì anh Cường, có chăng là Thủy giải thoát cho một tình yêu trong trẻo không đáng chết. Anh Cường cũng không phải là kẻ đáng ăn năn dưới chân một tượng đài tình phụ, mà đó là duyên phận".

Long Nhật đã mở đầu như thế về chuyện tình dang dở của nhạc sĩ Phạm Anh Cường và Thủy - cô gái xứ Huế cách đây nhiều năm...

Long Nhật: Dự án này là nén nhang tôi thắp cho anh Cường và anh Tuấn - Ảnh 1.

Long Nhật làm phim ngắn ca nhạc "Tìm lại người xưa" vừa đánh dấu chặng đường 30 năm ca hát, vừa tri ân cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường và người bạn tri kỷ Vương Bảo Tuấn.

Hơn 10 năm đợi chờ...

Long Nhật kể: "Năm đó, anh Cường 29, 30 tuổi. Anh về quê mẹ ở Huế để học mỹ thuật và quen Thủy - một cô gái Kim Long rất đẹp, con nhà trâm anh thế phiệt mới có 16 tuổi. Anh Cường đẹp trai, viết nhạc hay, vẽ tranh giỏi nhưng là con nhà nghèo.

Khi anh Cường rời Huế về Đà Nẵng, anh có lời ước hẹn với Thủy rằng, 3 năm sau sẽ quay lại Huế để cưới cô làm vợ. Tình yêu của họ lạ lắm, mới chỉ cầm tay, ngả đầu vào vai, hôn lên trán thôi nhưng vì lời ước hẹn đó của anh Cường mà Thủy chờ đợi suốt 9,10 năm.

Nhà anh Cường ở Đà Nẵng phải bán đi và chuyển về Hội An sinh sống. Anh Cường làm ăn, kinh doanh buôn bán đụng đâu thua đó, chỉ viết nhạc, vẽ tranh là giỏi, là hay. Anh Cường lại là con trai trưởng, nặng gánh gia đình.

Phần vì sĩ diện của người nghệ sĩ nghèo, lấy tư cách gì đi hỏi cưới Thủy là cành vàng lá ngọc mà anh suốt 9,10 năm đó, anh không trở lại Huế. Phần vì nghe tin, có người tới dạm hỏi Thủy, anh đinh ninh Thủy đã lấy chồng...

Lúc đó, anh gặp chị Huyền (vợ nhạc sĩ Phạm Anh Cường - PV). Chị Huyền rất giỏi làm ăn, lại giúp đỡ gia đình anh Cường nhiều. Từ ân tình đó mà nên duyên chồng vợ. 

Anh Cường giàu có lên, làm chủ nhiều tiệm nhiếp ảnh từ Nam ra Bắc cũng là nhờ chị Huyền khéo chăm lo, vun vén làm ăn.

Ngày đó, chỉ có thư tay. Suốt 9,10 năm đó, Thủy vẫn viết thư cho anh Cường nhưng gửi đi bao nhiêu bị trả về từng đó nhưng Thủy vẫn bền lòng, vững tin chờ đợi. Vì chuyển nhà, nên anh Cường không còn giữ được liên lạc với Thủy.

Gia đình Thủy thuộc dòng dõi ở Huế nhưng không chê anh Cường nghèo. Con gái thương ai thì gả đó nhưng anh Cường đi mãi không về, lại mất liên lạc. Bởi vậy, ba của Thủy nhận lời gả cưới Thủy cho một anh chàng thư sinh người miền Nam ra Huế là Lê Mạnh Phương.

Long Nhật: Dự án này là nén nhang tôi thắp cho anh Cường và anh Tuấn - Ảnh 3.

Trong phim ngắn ca nhạc này, Long Nhật đóng vai người đưa thư, người lưu giữ và chứng kiến cuộc tình của nhạc sĩ Phạm Anh Cường (do diễn viên Đoàn Minh Tài thủ diễn) và Thủy (hoa khôi xứ Huế - Thiên Hương đảm nhận).

Ngày người ta tới hỏi cưới, Thủy nói: "Con không biết thương người khác, con chỉ thương anh Cường thôi. Ngày chia tay con trên ga, con nhìn sâu vào mắt anh Cường, con thấy anh vàng đá lắm, không phải là người phụ bạc. Anh ấy phải nhân hậu và thủy chung lắm thì mới viết ra được những vần thơ, bài nhạc hay như vậy.

Con tin anh Cường sẽ trở về cưới con, dù 5 năm hay 10 năm đi nữa. Con đi lấy chồng thì xong phận con nhưng nỡ anh Cường về, không có con thì tội anh ấy". Người Huế rất trọng lời hứa. Thủy nhờ em gái mình là Thanh thay mình giữ lời hứa của cha với gia đình Lê Mạnh Phương.

Khi cưới chị Huyền, anh Cường cũng tâm sự với vợ về lời hứa hẹn ngày xưa cùng Thủy. Anh muốn trở lại Huế để thăm Thủy như thăm 1 người bạn cũ - vì anh tin Thủy đã lấy chồng.

Nào ngờ, hơn 10 năm sau trở lại, Thủy vẫn đợi chờ anh. Nhìn thấy ngón tay anh đeo nhẫn. Nhìn thấy xa xa có một người phụ nữ dắt theo một đứa nhỏ giống anh Cường như đúc, Thủy lặng lẽ rời đi và gửi thân mình vào nhà Chúa.

Ân tình với nhạc sĩ Phạm Anh Cường

Anh Cường không chỉ thân với tôi mà còn thân với cả anh Vương Bảo Tuấn. Khi anh Cường làm album "Tìm lại người xưa", anh chủ động tìm tôi và mời thu âm, quay MV bài hát này.

Anh Cường hỏi tôi, thu 1 bài bao nhiêu tiền. Tôi bảo 10 triệu. Nếu quay hình ảnh thì 20 triệu. Tổng cộng là 30 triệu đồng. Anh Cường nghe xong im không nói gì. Tôi hỏi: "nhạc sĩ không có tiền trả hay sao vậy"? Anh Cường bảo "anh có bán nhà mời em hát bài này, anh cũng bán".

Long Nhật: Dự án này là nén nhang tôi thắp cho anh Cường và anh Tuấn - Ảnh 5.

Một chuyện tình dang dở, đầy nước mắt... được tái hiện vô cùng đẹp và lãng mạn trên phim.

Tôi đòi anh Cường cho nghe ca từ rồi tính. Nghe xong, tôi cảm giác như ca khúc đo ni đóng giày cho giọng hát của mình. Khi vào phòng thu, tôi hát bên trong, anh Cường đứng nhảy nhót bên ngoài vì vui quá. Sau đó, tôi nói với anh Cường là không lấy tiền. Và chúng tôi làm anh em từ đấy.

Thay vì làm liveshow đánh dấu chặng đường 30 năm ca hát, tôi quyết định làm phim ngắn ca nhạc "Tìm lại người xưa". Một phần vì năm nay là 5 năm ngày mất của anh Cường. Một phần vì đây là tâm nguyện của anh Vương Bảo Tuấn. Dự án này là nén nhang tôi thắp cho hai anh.

Khi làm dự án này, tôi hết sạch tiền nhưng hai anh phù hộ nên đúng lúc đó, show đổ về rất nhiều, đi vài show được 300 triệu. Rồi nghe tin tôi làm phim ngắn ca nhạc này, có khán giả trung thành của tôi và anh Tuấn tặng 200 triệu để làm. Tôi ra sân bay rồi, chị lại cầm thêm 50 triệu nhét vào giỏ.

Tính tới thời điểm này, toàn bộ chi phí làm dự án này ngót nghét 1 tỉ đồng. Từ khâu làm kịch bản đến tiền vé máy bay đưa ê-kíp đi Huế, phục trang, họp báo, tiệc kỷ niệm 30 năm ca hát...

Khi tôi làm phim ca nhạc "Tìm lại người xưa", tôi qua nhà thắp hương cho anh Cường và xin tư liệu từ chị Huyền. Cả gia đình rất ủng hộ tôi".

Long Nhật: Dự án này là nén nhang tôi thắp cho anh Cường và anh Tuấn - Ảnh 6.

Long Nhật và cố nhạc sĩ Phạm Anh Cường có mối quan hệ anh em rất thân thiết.

Nhạc sĩ Phạm Anh Cường sinh năm 1968 tại Đà Nẵng. Anh có năng khiếu hội họa từ nhỏ, đặc biệt là đam mê vẽ chân dung. Tốt nghiệp lớp 12, anh được người thầy ở tiệm ảnh gần nhà hướng theo nghề chụp ảnh chân dung nghệ thuật.

Anh nhanh chóng đạt được thành công với nghệ thuật nhiếp ảnh từ năm 22 tuổi tại Quy Nhơn. 25 tuổi, anh ra Hà Nội theo học khóa đạo diễn điện ảnh do thầy Đỗ Minh Tuấn giảng dạy.

Năm 1995, anh mở cửa hiệu chụp ảnh chân dung Hàm Yên tại Đà Nẵng. Năm 2001, sau cuộc hôn nhân tan vỡ, cuộc sống gia đình đảo lộn, cũng từ đây anh bắt đầu viết nhạc ghi lại những cảm xúc của mình.

Sau thời gian đó nhạc sĩ Phạm Anh Cường vào Sài Gòn lập nghiệp và tái hôn với một người con gái miền Tây vào cuối năm 2012. Tại Sài Gòn anh tham gia nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật như sáng tác âm nhạc, nhiếp ảnh, đạo diễn các chương trình ca nhạc - hài kịch.

Nhạc sĩ Phạm Anh Cường là người khởi xướng tổ chức chương trình "Đêm nhạc họ Phạm" tại TP.HCM. Chương trình này do chính anh biên tập và đạo diễn đã để lại nhiều ấn tượng sâu với công chúng yêu âm nhạc qua ba lần tổ chức từ năm 2011 - 2013.

Sau nhiều sáng tác, Phạm Anh Cường đã phát hành được 2 album riêng Tìm lại người xưa và Chuyến phà dĩ vãng. Ngoài ra anh còn một album phát hành chung với nhạc sĩ Vinh Sử.

Các ca khúc được nhiều người yêu thích phần lớn là những ca khúc trữ tình như Tìm lại người xưa, Xuân bơ vơ, Ánh trăng đêm buồn, Ôi quá là yêu, Mưa gọi tên anh,... được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình bày như Giao Linh, Tuấn Vũ, Bảo Yến, Long Nhật, Duy Trường, Xuân Phú, Quỳnh Lan...

Sáng tác cuối cùng của anh được công chúng biết đến là bài hát "Hình bóng miền Tây" do nhạc sĩ Phạm Anh Cường viết độc quyền tặng Long Nhật vào đầu năm 2014.

Nhạc sĩ Phạm Anh Cường gặp tai nạn giao thông và từ trần năm 2014 tại Đà Nẵng khi còn rất nhiều dự án âm nhạc chưa thực hiện được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại