Ngày 4/7, ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ cạn trơ đáy nhiều ngày qua đã khiến người dân trên địa bàn xã và các xã lân cận bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đường đi lại.
Theo ông Chiến, do nắng nóng kéo dài, nước thượng nguồn đổ về ít trong khi công ty thủy điện phải xả nước chống hạn cho vùng hạ du nên mực nước trong lòng hồ bị cạn. Đây là lần đầu tiên nước trong lòng hồ thủy điện này cạn mức kỷ lục như vậy.
Hồ thủy điện Bản Vẽ cạn trơ đáy nhiều ngày qua.
Trước đây, khi nước ngập lòng hồ thì người dân phải dùng thuyền để đi vào trung tâm xã Hữu Khuông và một số xã khác. Tuy nhiên khi nước cạn thì người dân phải lội bùn, đi bộ nhiều cây số mới đến vị trí hồ có nước rồi mới đi được thuyền.
Được biết, Nhà máy thủy điện Bản Vẽ có công suất thiết kế 320MW, nằm trên địa bàn xã Yên Na (huyện Tương Dương). Đây là công trình thủy điện lớn nhất hiện nay tại các tỉnh Bắc miền Trung.
Nhiều ngày qua nắng hạn, nước thượng nguồn đổ về ít, thuỷ điện xả nước chống hạn cho vùng hạ du là nguyên nhân khiến mực nước trong lòng hồ xuống thấp kỷ lục.
Hồ thủy điện Bản Vẽ có chiều dài đập theo đỉnh 509m, chiều cao đập lớn nhất 137m, mực nước bình thường 200m, dung tích hồ chứa 1,8 tỷ m3, diện tích lưu vực hồ chứa 8.700km2.
Theo số liệu đo đạc cho thấy, mực nước thượng nguồn chảy về thủy điện Bản Vẽ trong tháng 6/2019 chỉ 20-30m3/s, đỉnh điểm là ngày 21-30/6, nước chỉ đổ về 20m3/s, thấp hơn năm ngoái 130m3/s. Trong khi đó, do yêu cầu chống hạn nên thủy điện Bản Vẽ đã xả ở mức 150-200m3/s. Chính điều này đã làm mực nước hồ Bản Vẽ xuống thấp kỷ lục.
Ông Lê Quốc Hùng - Phó quản đốc phân xưởng vận hành Nhà máy thủy điện Bản Vẽ cho biết, hiện mực nước của hồ là 155,5m, trên mực nước chết theo quy định chỉ 25cm.
Hồ cạn khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đường đi lại.
"Nước rút với chiều cao khoảng hơn 20m. Giờ người dân muốn đi thuyền phải lội bộ hơn 2km trong lòng hồ mới đến được vị trí bến có thuyền để đi. Việc nước cạn đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân", ông Lô Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông chia sẻ.
Anh Kha Văn Hoàn (người dân xã Hữu Khuông) chia sẻ: "Sống ở khu vực lòng hồ cả chục năm qua nhưng chưa thấy năm nào hạn hán mà mực nước xuống thấp cạn cả đáy hồ như vậy. Nước cạn khiến chúng tôi đi lại khó khăn, đánh cá cũng không còn được nữa".
Hồ thủy điện Bản Vẽ được xem là hồ thủy điện lớn nhất Bắc Trung Bộ.
Con thuyền mắc cạn trong lòng hồ.
Nước cạn khiến đất trong lòng hồ nứt nẻ.
Ở giữa chỉ còn nước như dòng suối nhỏ.
Nước cạn khiến người dân không thể đi thuyền mà phải lội bộ nhiều km ven đồi.
Và lội bùn giữa lòng hồ.
Có nhiều đoạn bùn, nước ngập đầu gối.
Sau quảng đường dài lội bộ, người dân mới đến được bến thuyền.
Việc đi lại của người dân rất khó khăn.
Nước rút để lộ ra những thân cây gỗ chết đứng từ lâu.
Người dân địa phương cho biết, đây là lần đầu họ thấy lòng hồ thủy điện bị cạn nước trơ đáy như vậy.
Cả đoàn người men theo ven hồ để đi.
Có nhiều cây gỗ chết chắn ngang đường cũng rất nguy hiểm cho người dân.