Đây là một trong những sự thay đổi mà Chương trình NESCAFÉ Plan đã mang lại cho những rẫy cà phê ở Tây Nguyên.
Sinh ra và lớn lên ở Đắk Lắk, anh Thông từng chứng kiến những mảnh vườn cà phê dần mất dần màu mỡ bởi cách canh tác theo kinh nghiệm. Đất đai trong những vườn cà phê cằn cỗi, không còn tơi xốp. “Đứng trên đất mà thấy cứng như đá”, anh Thông nhớ lại.
Quen với tập quán cũ, người nông dân trồng cà phê thường cuốc sạch cỏ trên đất, khiến cho đất dễ bị rửa trôi, không giữ được chất dinh dưỡng. Khi đất không còn màu mỡ, lại càng phải tăng phân bón hóa học nhưng lâu dài đất đai ngày một cằn cỗi mà sản lượng lại không tăng. Điều này khiến người nông dân rơi vào một vòng tròn lặp đi lặp lại không có lối ra. Cùng với đó là vòng xoáy “trồng - chặt”: cứ cây nào được giá là mua cây đó về trồng, mất giá lại chặt.
Nguyễn Hữu Thông, kỹ sư nông nghiệp của chương trình NESCAFÉ Plan gắn bó với cây cà phê theo những lần lên rẫy phụ gia đình từ nhỏ. Lên đại học, anh Thông thi vào ngành Nông nghiệp, Đại học Tây Nguyên. Đơn vị đầu tiên anh lựa chọn làm việc cũng là một công ty về kiểm định cà phê. Gắn bó với cây cà phê từ nhỏ, năm 2012, anh Thông quyết định “đầu quân” vào Nestlé và gắn bó với Chương trình NESCAFÉ Plan và những người nông dân trồng cà phê cho đến nay.
“Chương trình NESCAFÉ Plan của Nestlé có nguồn lực, hỗ trợ lâu dài và bền vững cho người nông dân. Không có nhiều chương trình kéo dài 12-13 năm như NESCAFÉ Plan”, anh Thông nói.
Trước NESCAFÉ Plan cũng có một số chương trình cà phê bền vững nhưng chỉ kéo dài 2-3 năm, như vậy chưa thể gọi là bền vững.
Chương trình NESCAFÉ Plan hỗ trợ người nông dân từ cây giống cà phê, kỹ thuật canh tác, thu hái và bảo quản sau thu hoạch để đảm bảo chất lượng hạt cà phê, anh Thông chia sẻ.
Vỏ lon sữa bò hay vỏ chai nước uống bằng nhựa từ nhiều năm nay đã trở thành những công cụ đo lường mức nước quen thuộc trong vườn cà phê của chị Mai Thị Nhung ở thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk.
Đặt lon sữa bò ở giữa vườn, sau một cơn mưa mà nước trong lon sữa bò ở mức 2/3 có nghĩa là gốc cà phê đã đủ 400l nước, không cần phải tưới thêm, chị Nhung giải thích.
Còn khi bắt đầu vào mùa, chiếc vỏ chai nước bằng nhựa lại có thể giúp chị biết khi nào cây cà phê cần được tưới nước. “Với chai nước này, cắt phần cổ chai và cắm ngược xuống đất. Buổi sáng sớm ra vườn, nếu bên trong vỏ chai còn hơi nước, tức là ở dưới đất vẫn đang còn độ ẩm, chưa nên tưới ngay. Nếu trong lòng chai không còn hơi nước, tức là độ ẩm của đất đã hết, lúc đó tưới thì hoa cà phê sẽ nở đồng loạt, hoa nở đều sẽ cho năng suất tốt hơn”, chị Nhung nói.
“Bằng cách này, tôi chỉ cần quan sát bằng mắt thường, dễ làm, dễ nhận biết với nông dân và thiết thực”, chị nói.
Đây chỉ là một số kỹ thuật canh tác đơn giản và hiệu quả mà chị Mai Thị Nhung được hướng dẫn bởi các kỹ sư nông nghiệp của chương trình NESCAFÉ Plan.
Nhớ lại thời gian trước khi tham gia dự án NESCAFÉ Plan, chị Nhung cho biết, trước đây chị ít được tiếp xúc với những kiến thức chăm sóc cây trồng mà chủ yếu vẫn canh tác theo kinh nghiệm gia đình truyền lại.
Do chưa biết cách chọn thời điểm tưới nước phù hợp, vườn cà phê của chị Nhung hoa nở không đều, năng suất thấp. Cây cỏ trong vườn sau khi phát cỏ chị cũng bỏ đi hết mà không biết đây chính là nguồn phân bón hữu cơ giữ lại lớp màu mỡ cho đất. Sau nhiều năm canh tác, vườn cà phê 2 ha của chị Nhung chỉ cho thu hoạch 3-4 tấn cà phê/năm.
Năm 2015, biết đến NESCAFÉ Plan qua những người hàng xóm, chị Nhung bắt đầu tìm hiểu và xin tham gia một số buổi tập huấn của chương trình.
Lần đầu tiên, chị Nhung biết được cách thức chăm sóc những gốc cà phê bằng cách tưới nước, ủ vỏ cà phê thành phân hữu cơ để bón cho đất từ các kỹ sư nông nghiệp một cách tỉ mỉ và tận tâm. Lần đầu tiên, chị Nhung biết rằng, mảnh đất đã nuôi sống mình bao năm qua cũng cần được nuôi dưỡng trở lại.
“Tôi hiểu ra rằng để có một vườn cây cà phê phát triển tốt và cho năng suất ổn định thì đòi hỏi người làm cà phê thì phải có những kiến thức nhất định. Chính điều này đã tạo cho tôi sự thu hút và động lực cố gắng để xin được tham gia vào dự án NESCAFÉ Plan để được học hỏi thêm”, chị Nhung chia sẻ.
Sau 2 - 3 năm thực hành các kỹ thuật canh tác mới, vườn cà phê của chị Nhung đã hoàn toàn “thay da đổi thịt”. Vườn cây phát triển tốt, quản lý được sâu bệnh, tiết kiệm chi phí đầu vào nhờ sử dụng nước tưới và bón phân hợp lý, vườn cà phê nhà chị Nhung cho năng suất gấp đôi, đem lại lợi nhuận tỷ lệ thuận cho gia đình.
Thành công của chị Nhung chính là minh chứng rõ rệt nhất cho việc áp dụng những kiến thức mới từ NESCAFÉ Plan và là nguồn động lực cho những người trồng cà phê khác cùng học hỏi.
Cũng là một người trồng cà phê ở thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, chị Phạm Thị Liên chứng kiến sự thay đổi qua từng mùa thu hoạch tại vườn cà phê của chị Nhung. “Hai vườn ở ngay sát cạnh nhau, vườn cà phê của chị Nhung đạt năng suất tốt hơn, trong khi hai đứa cùng làm như nhau”, chị Liên nhớ lại nỗi băn khoăn của mình.
Biết chị Nhung canh tác theo những kiến thức mới từ NESCAFÉ Plan, chị Liên ngỏ ý muốn tham gia.
“Có tham gia mới biết trước nay mình làm theo cách cũ khiến cho năng suất không cao. Trước đây mình tưới nước cho cây cà tùm lum, chẳng biết đủ hay thiếu. Giờ thì mình học theo chị Nhung, dùng vỏ lon sữa bò đo lượng nước thì chỉ cần lượng nước vừa phải mà cây lại năng suất tốt hơn, thu nhập cao hơn”, chị Liên cho hay.
Bên cạnh đó, người nông dân thường có thói quen cào hết sạch cỏ trên đất rồi mang đi đốt. Có nhiều cây cà phê bị làm cỏ sạch, trơ cả rễ. “Trước đâu có biết làm như vậy là cây cà phê mất sức, không có dinh dưỡng cho cây nữa đâu. Giờ biết cách rồi thì ủ cỏ ở ngay gốc cây để tạo thành một lớp phân hữu cơ nuôi đất”, chị Liên nói.
Kể từ đó tới nay cũng là năm thứ 7 chị Liên tham gia NESCAFÉ Plan. Liên tục 5 - 6 năm nay, năm nào vườn nhà chị Liên cũng đạt 3 tấn/ha, vượt so với trước đây 1,5 lần.
“Mình có chăm sóc đất, đất mới tốt để rồi mang lại cho mình trái ngọt, như vòng tuần hoàn có đi có lại”, chị Liên chia sẻ.
Ngoài các biện pháp canh tác bền vững, một công cụ mà chương trình NESCAFÉ Plan phổ biến được người nông dân sử dụng thường xuyên là phần mềm FARMS và FFB (Nhật ký Nông hộ số)
Chị Nhung cho biết, ứng dụng Nhật ký nông hộ được cài trên điện thoại, chỉ cần nhập các số liệu chi phí đầu vào và ứng dụng sẽ tự động tính toán tổng chi phí và lợi nhuận. Trước đây, việc ghi chép và tính toán bằng giấy, tốn rất nhiều thời gian và khó để lưu trữ, lại dễ gây sai sót. Với ứng dụng này, chị Nhung chỉ cần nhập các thông tin và ứng dụng sẽ đưa ra con số thu nhập chính xác.
Chi phí hàng tháng, hàng quý được theo dõi và quản lý dễ dàng, dựa vào đó, người trồng cà phê có thể đưa ra quyết định kinh doanh hiệu quả hơn.
“Dùng Nhật ký nông hộ đỡ mất công ghi chép mà lại dễ làm. Nhanh, gọn lẹ!”, chị Liên cho hay.
Việc tham gia NESCAFÉ Plan đã tiếp thêm động lực cho nhiều nữ nông dân.
Kể từ khi tham gia NESCAFÉ Plan, chị Nhung càng say sưa học hỏi, tiếp thu và chia sẻ các kiến thức mới cho bà con nơi mình sinh sống. Đến nay, chị đã là trưởng nhóm quản lý gần 90 nông hộ.
“Bản thân tôi là đã trở thành một nhóm trưởng, tự tin hơn rất nhiều. Bây giờ tôi có thể đứng trước hàng chục người, hướng dẫn, truyền đạt cho các bà con về những biện pháp mà mình đã được học”, chị Nhung nói.
Chị Nhung cho biết việc tham gia và trở thành một trong những trưởng nhóm nông dân trong chương trình NESCAFÉ Plan không chỉ giúp chị có cuộc sống tốt hơn mà còn cảm thấy rất tự hào vì đã đóng góp, đem lại lợi ích cho cả cộng đồng trồng cà phê quê hương.
“Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ chọn nghề nông, chọn con đường làm cà phê là đúng đắn. Đi đến đâu tôi cũng tự hào nói rằng mình là một người làm nông, một người trồng cà phê”, chị Nhung cười, nói.
Đứng giữa vườn cà phê một ngày tháng 10, lác đác giữa những khóm lá xanh mơn mởn, những quả cà phê bắt đầu chín, chuyển dần sang màu đỏ tía, chị Liên chia sẻ hình ảnh người nông dân bây giờ đã khác xưa lắm rồi.
“Hồi xưa làm nông mệt chứ bây giờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo cải tiến của NESCAFÉ Plan làm nông nhẹ nhàng lắm”, chị Liên nói.
Trước đây cứ cứ tới mùa cà phê là 3 giờ sáng chị đã phải dậy đi ra rẫy, “cắm đầu cắm cổ làm”, giờ khỏe re, còn có thời gian chăm sóc cho bản thân, nuôi được 2 con đi học, chị Liên nói, không hề giấu đi vẻ tự hào.
“Mọi người nghĩ nông dân là phải chân lấm tay bùn, nghề nông vất vả, thu nhập thấp, giờ khác nhiều lắm: đi lên rẫy là sạch sẽ, gọn gàng. Mà mình cũng thấy tự hào và yêu nghề nông của mình hơn”, chị Liên nói.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, hiện nay, ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, chất lượng cây giống…. Đây là lý do mà không chỉ hỗ trợ người nông dân về mặt kỹ thuật, NESCAFÉ Plan còn tham gia hợp tác với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) trong lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao kỹ thuật về phát triển cà phê bền vững mang lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân.
Bắt đầu từ 2011, thông qua NESCAFÉ Plan, tập đoàn Nestlé đã bắt đầu giai đoạn đầu tiên trong việc hỗ trợ về giống. Từ 2011 đến 2015, NESCAFÉ Plan đã hỗ trợ 50 % chi phí mua cây giống cho nông dân tham gia chương trình; trong các giai đoạn tiếp theo, NESCAFÉ Plan tiếp tục hỗ trợ từ 1.000 - 1.500 đồng/một cây giống cho đến nay.
Đặc biệt, Nestlé đã phối hợp với WASI, tiên phong trong việc nghiên cứu, phát triển giống cà phê chất lượng cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từ những năm 2007 - 2008, Nestlé đã có ý tưởng tạo điều kiện hỗ trợ cho về nhân lực, đào tạo, xây dựng hệ thống nuôi cấy mô, dù phương pháp này thời điểm đó chưa phổ biến tại Việt Nam.
“Phương pháp nuôi cấy mô có nghĩa là nhân giống từ tế bào, nghĩa là chọn cây mẹ tốt thì từ tế bào đó sẽ nhân ra 100 % cây con có chất lượng tốt, đồng đều giống cây mẹ”, anh Nguyễn Hữu Thông, kỹ sư nông nghiệp của NESCAFÉ Plan giải thích.
Đặc biệt, với phương pháp nuôi cấy mô này, từ 1 mô lá cây cà phê có thể nhân được 2000 cây giống cà phê.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa hai bên, Nestlé đã hỗ trợ đưa cán bộ của WASI qua Thụy Sỹ học về phương pháp nuôi cấy mô. Đến năm 2011, viện bắt đầu thực hiện nhân giống, và từ 2015 trồng khảo nghiệm ở các tỉnh Tây Nguyên để đánh giá mức độ phù hợp với Việt Nam.
Sau 3 - 4 năm trồng khảo nghiệm, những cây giống từ phương pháp nuôi cấy mô được đánh giá là phù hợp và đã được công nhận năng suất phát triển tốt, chất lượng tốt. Các cây giống đầu tiên bằng phương pháp nuôi cấy mô đã được bán ra thị trường bắt đầu từ 2019 cho đến nay.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết trong lĩnh vực cà phê, tập đoàn Nestlé và WASI đã có những hợp tác nghiên cứu từ rất sớm và mang lại lợi ích cho người dân.
“Hỗ trợ của chương trình NESCAFÉ Plan có tác động rất tích cực cho người nông dân bởi nhờ chương trình, người nông dân đã tiếp cận và sử dụng cây giống tốt, cho năng suất cao, có khả năng kháng sâu bệnh, từ đó nâng cao được năng suất và chất lượng”, ông Hiển cho biết.
Điều này cũng đã tạo tác động tích cực đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Cụ thể, chương trình đã phân phối trên 74 triệu cây giống kháng bệnh năng suất cao tới người nông dân, giúp tái canh hơn 73.000 ha diện tích cà phê già cỗi tại khu vực Tây Nguyên.
Mô hình hợp tác công tư giữa Tập đoàn Nestlé và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có những đóng góp ý nghĩa quan trọng đối với đối với sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững. Theo đó, chương trình hợp tác hướng đến việc thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số; và thúc đẩy hợp tác đa bên.
Ông Nguyễn Hắc Hiển cho rằng, trong hợp tác công - tư, doanh nghiệp, mà cụ thể là Nestlé và khối nghiên cứu khoa học, đại diện là WASI, mỗi bên đều có một nhiệm vụ.
WASI cung cấp các giải pháp kỹ thuật, cung cấp giống tốt, cung cấp thông tin hữu ích, Nestlé có vốn và có nguồn lực, có trang thiết bị về kỹ thuật còn cơ quan quản lý nhà nước tham gia lồng ghép các chương trình, chính sách có liên quan để nhằm phục vụ cho chủ thể trong chuỗi liên kết này là người nông dân.
Chương trình NESCAFÉ Plan đã nâng cao vai trò của người nông dân trong sản xuất, thực hành nông nghiệp tốt thông qua sự hỗ trợ rất tích cực của công ty trong nhiều chương trình như hỗ trợ giống, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn…
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang hướng đến phát triển bền vững và giảm phát thải. Phát triển bền vững ở đây là người nông dân là sử dụng giống tốt, thực hành canh tác theo hướng bền vững với môi trường, giảm lượng nước tưới và giảm được lượng phân bón hóa học, người nông dân biết được sức khỏe của đất và từ đó có cái kế hoạch sản xuất một cách hợp lý.
Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan nhiều mục tiêu đã đạt được và rất hiệu quả. Người nông dân có thể giảm được vật tư nông nghiệp đầu vào, giảm được 40% lượng nước tưới, 20% vật tư nông nghiệp như thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và đặc biệt là tăng cường sử dụng phân hữu cơ…
Đây là một chương trình tôi đánh giá rất là hiệu quả, mang lại rất là nhiều cái tác dụng có hiệu quả cho ngành, ông Hiển đánh giá.