Ren Shouwen, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chăn nuôi thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Giang Tô ở Nam Kinh, Trung Quốc, cho biết việc gia tăng trọng lượng cho lợn sẽ chỉ đem lại những hiệu quả ngắn hạn.
Theo bài viết mới đây của Bloomberg, một số nông trại và cơ sở sản xuất thịt lớn ở Trung Quốc đang cố gắng tăng trọng lượng của đàn lợn. Một nông dân ở Nam Ninh đã nuôi được đàn lợn phá kỉ lục về trọng lượng. Đàn lợn của ông nặng 500kg và có "dáng dấp" của gấu bắc cực. Theo ước tính, mỗi con lợn trị giá 10.000 NDT (tương đương hơn 30 triệu VNĐ), cao gấp 3 lần thu nhập bình quân hàng tháng tại khu vực.
"Thị trường đang thiếu rất nhiều thịt, vậy nên người nông dân bắt đầu nuôi những con lợn khổng lồ. Tuy nhiên, cách thức này rất phản khoa học," ông Ren nói.
Vị chuyên gia tin rằng tăng số lượng lợn sẽ có hiệu quả nhiều hơn là tăng kích thước của lợn.
"Trong giai đoạn đầu, lợn chủ yếu tăng cơ, nhưng sau đó sẽ tăng mỡ nhiều hơn. Về mặt hiệu quả, tăng mỡ không có tác dụng như tăng cơ, và giá trị của mỡ thấp hơn nhiều," ông Ren nói.
Theo Bloomberg, bằng cách tăng trọng cho lợn lên mức "ngoại cỡ", các nhà cung cấp thịt hi vọng sẽ đẩy lùi được hậu quả của dịch tả lợn châu Phi. Các nhà phân tích cho rằng, khi nâng trọng lượng lợn từ 110kg lên 140kg, một nông trại có thể thu về hơn 30% lợi nhuận.
Tuy nhiên ông Ren Shouwen lại không đồng ý với quan điểm này.
"Thời gian nuôi lợn tăng lên, và thời gian sản xuất thịt bị trì hoãn. Hơn thế nữa, càng tốn thời gian nuôi, lại cần càng nhiều tài nguyên để chăm sóc cho lợn. Thịt lợn tiến vào thị trường càng sớm càng tốt. Những con lợn khổng lồ sẽ ít sinh sản và việc này sẽ không giúp gì cho thị trường thịt," ông nói.
Ngoài ra, ông Ren cho rằng thịt từ những con lợn có tỉ lệ mỡ cao sẽ không tốt và thơm ngon như thịt từ lợn có trọng lượng bình thường.