Những hang động ở Việt Nam rất đa dạng và nhiều trong số đó là đa phần chưa khám phá ra hết.
Với quyết tâm chinh phục những hang động sâu và kỳ vĩ bậc nhất ở Việt Nam, anh Tạ Nam Long, người thành lập nhóm thám hiểm hang động tự phát đầu tiên ở Việt Nam, và những người bạn cùng chí hướng đã chinh phục được rất nhiều hang sâu.
Bên cạnh thể lực, thiết bị phục vụ quá trình chinh phục hang sâu, thì cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị trong những chuyến băng rừng, vào hang sâu hun hút.
Trong số đó, không thể không nhắc tới hành trình ấn tượng chinh phục hang động sâu nhất Việt Nam. Đó chính là hang Cống Nước ở bản Chu Xải Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, với độ sâu lên tới 600 m.
Dưới đây sẽ là những chia sẻ của anh Tạ Nam Long (biệt danh là Long Icon), trưởng nhóm thám hiểm hang động Việt Nam trên Facebook (đến nay đã có hơn 3.000 thành viên), người từng tham gia vào chuyến hành trình thú vị này.
Đam mê chinh phục hang động, rất tình cờ!
Cơ duyên thôi thúc tôi và những người bạn của mình tham gia vào công việc thám hiểm vốn nhiều người cho rằng chỉ dành cho các chuyên gia địa chất hàng đầu Việt Nam hay nhà nghiên cứu quốc tế thực hiện, thực sự rất tình cờ.
Việt Nam là một quốc gia có rất nhiều hàng động đẹp. Trong suốt 20 năm qua, đã có rất nhiều đoàn thám hiểm nước ngoài như Anh, Đức, Bỉ, Pháp, Nhật, Ý thường xuyên tới Việt Nam để thám hiểm những hang động ở nước ta.
Anh Tạ Nam Long trong chuyến đi thám hiểm hang nước ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: NVCC
Tháng 6 năm 2014, tôi được một người bạn ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa rủ đi "khám phá điểm tận cùng". Đó là một hang nước ở địa phương mà theo lời anh kể thì "anh biết hang này từ bé nhưng trong bản không ai dám bơi vào sâu vì sợ cá to cắn".
Vốn có máu phiêu lưu và có mấy cây đèn pin siêu sáng chống nước, tôi và anh bạn đã khám phá hết các ngóc ngách của hang và trở về sau 7 tiếng. Dù đã đi vào nhiều hang động theo kiểu du lịch nhưng lần này là trải nghiệm mới và khác hẳn những lần "phiêu lưu" vào hang trước đây.
Sau chuyến đi đáng nhớ ấy, tôi tự lên mạng Internet mày mò tìm đọc thêm về bộ môn thám hiểm hang động còn quá mới mẻ này và lập ra Hội thám hiểm hang động VN trên Facebook để rủ rê bạn bè "chơi" cùng mình.
Chinh phục hang Cống Nước – hang động sâu nhất Việt Nam
Nhắc đến hang Cống Nước, đây thực sự là một kỳ quan của Việt Nam theo đúng nghĩa đen.
Khác với Fansipan, ngọn núi cao nhất Việt Nam là nơi mà mọi người có thể tiếp cận bằng nhiều cách ( chẳng hạn như leo núi, đi cáp treo hay trực thăng,...) thì hang Cống Nước lại rất khó tiếp cận.
Bản đồ hang Cống Nước. Ảnh: NVCC
Hang chỉ có thể tiếp cận vào mùa khô khoảng tháng 12 (mùa mưa không thể tiếp cận được vì đây là cái "rốn nước"). Vì thế, chúng tôi quyết định khám phá hang Cống Nước vào đầu tháng 1/2016. Hang động này nằm sâu trong rừng thuộc huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.
Trên thực tế, để thám hiểm hang Cống Nước thì cần phải dùng rất nhiều dụng cụ leo núi chuyên dụng, đồng thời đòi hỏi sức khỏe, những kỹ năng khó cũng như kinh nghiệm vì hang gồm 11 hố sâu nối tiếp nhau theo chiều thẳng đứng, mà hố sâu nhất cao tới 220m.
Đây không phải là lần đầu tiên có người thám hiểm hang Cống Nước. Trước đó, vào năm 2002 đã có 1 đoàn gồm các nhà thám hiểm người Bỉ vào và đo được độ sâu của hang là 400m. Tuy nhiên, đoàn thám hiểm phải quay lại vì không tìm được đường đi tiếp.
Hai năm sau, họ tiếp tục quay trở lại đây và tìm thấy đường mới. Lần này, các nhà thám hiểm người Bỉ tìm ra một ngách nhỏ và các hố sâu kế tiếp, nâng độ sâu của hang lên 600m. Tới thời điểm này hang Cống Nước là hang sâu nhất Việt Nam theo chiều thẳng đứng.
Khi dự định chinh phục hang Cống Nước, nhóm thám hiểm của chúng tôi cũng phải dành thời gian chuẩn bị kỹ càng cả về thể chất lẫn những kỹ năng, dụng cụ, trang thiết bị cần thiết trước khi bắt đầu cuộc hành trình.
Trang thiết bị, nhu yếu phẩm mà anh Tạ Nam Long mang theo trong chuyến thám hiểm hang Cống Nước hồi đầu tháng 1/2016. Ảnh: NVCC
Trước mỗi chuyến thám hiểm chúng tôi phải xem xét điều kiện thời tiết địa phương để xem liệu có mưa hay bão không, bởi vì vào hang lúc mưa bão rất nguy hiểm.
Mỗi người trong nhóm thám hiểm đều phải mang theo rất nhiều trang thiết bị cần thiết. Ảnh: NVCC
Chúng tôi có một danh sách các đồ đạc thiết yếu cho mỗi chuyến thám hiểm, bao gồm đồ ăn, đồ y tế, các thiết bị đặc thù như đèn, đồ bảo hiểm, máy móc đo đạc, máy ảnh, bộ đàm...
Nhóm thám hiểm tại hang Cống Nước. Ảnh: NVCC
Nhóm thám hiểm của chúng tôi mất chừng 6 tháng để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm hang Cống Nước.
Sở dĩ mất nhiều thời gian như vậy vì hang động này đòi hỏi một số lượng rất lớn đồ đạc (1000m dây leo núi, đồ bảo hiểm, đồ ăn dài ngày trong hang). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tập luyện chú trọng rèn luyện các kỹ năng và kỹ thuật sử dụng dây.
Luyện tập kỹ năng sử dụng dây là một bài tập kỹ thuật cần thiết khi thám điểm hang động. Ảnh: NVCC
Khó khăn "lớn nhất " khi chinh phục hang Cống Nước
Vì là một nhóm thám hiểm trên mạng xã hội Facebook của những người có đam mê hang động, mang tính tự phát, nên chúng tôi mất rất nhiều công sức để xin phép được vào hang.
Hơn nữa, do đây là hang sâu, nguy hiểm nên chính quyền địa phương cản trở và không cho phép chúng tôi tiếp cận hang.
Rất may là chúng tôi được các anh chị cán bộ thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ, gửi công văn xin phép tới chính quyền địa phương nên cuối cùng chúng tôi cũng được phép tiếp cận hang Cống Nước.
Hang sâu theo chiều thẳng đứng nên đòi hỏi phải có những thiết bị leo núi đặc thù để có thể "đu xuống" và "đu lên". Mặc dù hang Cống Nước sâu 600m nhưng chúng tôi phải dùng 1000m dây để đu xuống nên hành lý mỗi người nặng khoảng 40kg.
Ảnh: NVCC
Trong hang sâu có rất nhiều tình huống nguy hiểm mà rất khó có sự trợ giúp từ bên ngoài (nhiều khi không thể ) nên chúng tôi phải dự phòng và trang bị một số kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như sơ cứu y tế, xử lý tình huống khi bị lạc, hỏng thiết bị...
Hang Cống Nước rất sâu nên các thành viên trong nhóm đều cố gắng cẩn thận trong quá trình di chuyển. Ảnh: NVCC
Nhìn chung, để chinh phục hang sâu, mỗi người cần phải tập luyện kỹ và có những đồ đạc, thiết bị tốt.
Nếu không có sức khỏe tốt thì khó lòng chinh phục được. Hơn nữa, phải có kiến thức và kinh nghiệm khi sử dụng những thiết bị này. Chỉ cần bạn buộc nhầm nút dây là tai nạn sẽ xảy ra. Đây có lẽ là khó khăn lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt khi chinh phục hang Cống Nước.
Bản thân tôi cũng từng gặp tai nạn trong quá trình khám phá hang Cống Nước. Đây là một tai nạn không may xảy ra khi tôi sơ ý về công tác an toàn với dây leo núi. Tôi rơi thẳng xuống hố từ độ cao 40m.
Tạ Nam Long bị thương khá nặng trong chuyến thám hiểm hang Cống Nước vào đầu tháng 1/2016. Ảnh: NVCC
Tôi gãy xương đùi, vỡ đốt sống ngực, vỡ 2 gót chân và nằm dưới hang gần 2 ngày. May mắn là sau đó tôi đã trở về an toàn, có bạn bè và gia đình ở bên nên trải qua 4 ca mổ mà không có sự cố đáng tiếc nào. Tai nạn đó đã làm tôi mất 2 năm để tập luyện phục hồi sức khỏe.
Sau tai nạn, sức khỏe tôi có giảm đi đôi chút nhưng chắc chắn niềm đam mê hang động vẫn còn rất lớn trong tôi. Tôi sẽ quay lại hang Cống Nước vào thời điểm thích hợp trong tương lai.
Ảnh: NVCC
Về dự định chinh phục hang động, hội thám hiểm hang động Việt Nam trên Facebook của chúng tôi hàng tháng đều có những chuyến thám hiểm định kỳ, thường phần lớn là ở miền Bắc.
Mọi người trong nhóm có thể chia sẻ thông tin về hang động trên đó và chúng tôi lại lên đường khám phá những hang động kỳ vĩ của Việt Nam.