Ngày 2/4, tại phiên tòa xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho luật sư, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước) đối đáp trước quan điểm luận tội của Viện Kiểm sát.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn, Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo Nhàn là trưởng đoàn thanh tra, biết rõ SCB trong tình trạng kiểm soát đặc biệt nhưng không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra là suy đoán không có lợi cho bị cáo Nhàn. “Trên thực tế, bị cáo Nhàn đã đưa ra 3 báo cáo nói về thực trạng SCB” - luật sư của bà Nhàn nói.
Cũng theo luật sư, khi gặp bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát), bà Nhàn đã nêu thực trạng SCB, yêu cầu bán tài sản, sớm ra kết quả thanh tra. Thế nhưng đại diện Viện Kiểm sát lại cho rằng, bà Nhàn biết rõ thực trạng nên gặp bà Lan, rồi nhận tiền để bưng bít sai phạm. Cáo buộc này của Viện Kiểm sát, theo luật sư là theo hướng suy luận, không đủ căn cứ.
Đối với các tình tiết tăng nặng mà Viện Kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo Nhàn, luật sư đề nghị HĐXX xem xét áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho bị cáo, bởi ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước) bị cáo buộc là chủ mưu, bà Nhàn nhận chỉ đạo từ ông Hưng rồi chỉ đạo cấp dưới. Nếu bị cáo Nhàn thực hiện chỉ đạo theo ông Hưng tức là không phải ý thức chủ quan của bà Nhàn.
Tự bào chữa bổ sung, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nói rằng do quen biết bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (Tổng giám đốc SCB) từ trước và do tin tưởng ông Văn nên mới cho ông Văn mã số khóa nhà và hoàn toàn không biết trước việc ông Văn mang tiền đến.
Trước đó, trả lời luật sư về việc đưa hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) khai nhận có 4 lần đưa hối lộ cho bà này. Mỗi lần đưa hối lộ, ông Văn gọi điện thoại và qua phòng làm việc và tại nhà riêng của bà Nhàn. Trong đó, có 1 lần ông Văn qua nhà và không gặp trực tiếp bà Nhàn. Ông Văn đã gọi điện cho bà Nhàn và bà Nhàn cho ông Văn password (mật khẩu) khóa cửa nhà. Ông Văn đã nhập password và mang thùng xốp có đựng tiền vào để trong nhà của bà Nhàn.
Bị cáo Nhàn đề nghị xem xét việc bà không đề xuất bỏ các thông tin sai phạm khi thanh tra, đồng thời cho rằng chỉ đoàn thanh tra của bà mới chỉ ra các sai phạm của SCB, còn trước đây không có. Bị cáo Nhàn cũng nói mình không hứa sửa kế hoạch thanh tra với bà Trương Mỹ Lan.
Bị cáo Nhàn cũng cho rằng mình không bưng bít bất kỳ thông tin nào, việc Viện Kiểm sát nói bị cáo dự thảo kết luận thanh tra không trung thực là không chính xác. Bị cáo thừa nhận sai phạm của mình, nhưng cần tách rõ chức năng khi thanh tra và khi tham mưu lãnh đạo.
Cũng theo lời bị cáo Nhàn, quá trình thanh tra, bà đã làm đầy đủ nhiệm vụ của mình, đã không bỏ qua bất kỳ lỗi nào của SCB và báo cáo đầy đủ cho ông Hưng. Bị cáo là cấp dưới, phải chấp hành chỉ đạo của cấp trên khi tham mưu ban hành văn bản kết luận thanh tra.
Trong vụ án này, bi cáo Đỗ Thị Nhàn bị Viện Kiểm sát đề nghị phạt tù chung thân, về tội “Nhận hối lộ” với cáo buộc, thực hiện chỉ đạo của bà Lan, ông Văn cùng lái xe riêng nhiều lần dùng ô tô chở 5,2 triệu USD đến đưa cho bà Nhàn tại phòng làm việc trong trụ sở NHNN và tại nhà riêng của bà Nhàn.