Lời trần tình để lộ “góc khuất” không hào nhoáng của nghề BS phẫu thuật thẩm mỹ thu nhập khủng

PGS Nguyễn Hoài Nam |

Bác sĩ thẩm mỹ nghề hot hiện nay trong ngành y với mức thu nhập khủng, tuy nhiên trong mắt các đồng nghiệp thì những bác sĩ thẩm mỹ chưa được coi trọng.

Trăm dâu đổ đầu tằm

Từ lâu lắm, có lẽ từ thuở khai thiên lập địa con người đã có nhu cầu làm đẹp. Họ làm đẹp cho chính họ, cho những người khác phái và cho cộng động. Từ những kiểu hóa trang, các loại bột tô vẽ các kiểu trang phục kinh điển của mỗi dân tộc. Tất cả tạo thành một màu sắc rực rỡ trong những ngày lễ hội và cả trong những ngày thường.

Phẫu thuật thẩm mỹ tuy mới ra đời gần đây, cùng thời với sự phát triển của phẫu thuật hiện đại đã làm cho nhiều con người trở nên đẹp đẽ hơn, bao nhiêu mối tình thêm phần thi vị và bao nhiêu gia đình được hàn gắn ấm áp trở lại.

Ở các nước phát triển, phẫu thuật thẩm mỹ và ngành công nghệ làm đẹp đã và đang là một trong những ngành dịch vụ có hiệu quả cao và được xã hội công nhận như là một trong những ngành nghề đáng quý trọng.

Những người có ý muốn được sửa sang cơ thể làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ được mọi người, gia đình và người hôn phối trân trọng coi như là một nhu cầu hết sức chính đáng và rất bình thường của con người dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.

PGS Nguyễn Hoài Nam: Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trong mắt đồng nghiệp chưa được coi trọng - Ảnh 1.

Phẫu thuật thẩm mỹ nhu cầu hay tội lỗi

Ở nước ta, nhu cầu làm đẹp nhất là làm đẹp bằng các phương pháp giải phẫu thẩm mỹ hình như chưa được coi trọng một cách chính đáng. Có nhiều người vẫn coi những người phụ nữ muốn sửa sang lại cơ thể một chút bằng giải phẫu thẩm mỹ như: nâng mũi, sửa mắt, lấy bớt mỡ bụng, căng da mặt... đều bị coi là vớ vẩn, hơi có vấn đề.

Khi đi làm phẫu thuật thẩm mỹ họ thường phải trốn, nói dối gia đình chồng con và chiều về với cái nón sùm sụp che mặt và cái mặt sưng húp cả hai mắt vì không dám băng ép vết thương sợ nhiều người nhìn thấy.

Họ trốn biệt trong nhà có khi cả tuần, không dám đi thay băng chăm sóc vết mổ dẫn đến tình trạng vết mổ bị nhiễm trùng, sưng nề… không đạt được mong muốn của nhà phẫu thuật.

Trong khi đó, những thầy thuốc làm phẫu thuật thẩm mỹ cũng chẳng vui sướng gì. Trong mắt mọi người họ hình như là tà đạo, là chặt chém là không minh bạch. Trong mắt đồng nghiệp họ cũng chưa được coi trọng đúng như tài năng và công việc của họ.

Khi nhắc đến một bác sĩ nào đó làm phẫu thuật thẩm mỹ đồng nghiệp thường nhắc đến xuất thân của những người này nào là: bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ mắt… với một ý đồ không mấy trong sáng.

Mặc dù họ đã qua những lớp học về phẫu thuật thẩm mỹ trong nước và ngoài nước, các khóa đào tạo khá bài bản và chính vì những nguyên nhân trên, để xua đi những mặc cảm họ luôn tìm cách tự tôn vinh mình bằng những danh xưng phi thực tế như danh nhân thế giới hay viện sĩ hàn lâm…

Dư luận xã hội luôn tìm tòi những tai biến, những sai sót trong chuyên môn của ngành phẫu thuật thẩm mỹ để tạo nên những sự kiện chấn động với một cái nhìn thật sự phiến diện và quá khắt khe. Bệnh nhân là tội đồ và thầy thuốc cũng là tội đồ.

Chưa bao giờ người ta thấy một lời khen hay một lời tôn vinh nào đó với thầy thuốc làm công tác thẩm mỹ. Thật là trăm dâu đổ đầu tằm.

Phẫu thuật thẩm mỹ: Nhu cầu hay tội lỗi?

Điều đầu tiên phải nói rằng: Làm đẹp kể cả làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu rất lớn chính đáng của mọi con người. Nhất là trong một xã hội phát triển khi mà con người ngày càng bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Một tiêu chí cơ bản của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống.

Ở Hàn Quốc, phần lớn các phụ nữ đã sử dụng đến 40-50% số tiền mà mình kiếm được hàng tháng để mua mỹ phẩm, săn sóc cơ thể và làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài đường rất nhiều phụ nữ đẹp, họ sửa mũi, cắt mí đôi căng da mặt… và đẹp thật với hàng chục bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ cho một thành phố hơn 20 triệu dân đã nâng ngành giải phẫu thẩm mỹ Hàn Quốc lên hàng nghệ thuật. Sống trong một xã hội nhiều người đẹp, chắc cũng thú vị lắm.

PGS Nguyễn Hoài Nam: Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ trong mắt đồng nghiệp chưa được coi trọng - Ảnh 2.

PGS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên trường ĐH Y Dược TP.HCM

Ở Pháp, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng tham gia phẫu thuật thẩm mỹ. Họ đến các bệnh viện hay các khoa phẫu thuật thẩm mỹ một cách đàng hoàng không phải giấu giếm ai cả và việc săn sóc bệnh nhân cũng thuận tiện hơn ít biến chứng hơn. Phẫu thuật thẩm mỹ thật sự là một chuyên ngành lớn trong toàn bộ hoạt động Y tế của xã hội.

Các thầy thuốc làm công tác giải phẫu thẩm mỹ được đào tạo bài bản, hoạt động dưới sự kiểm soát gắt gao của pháp luật và Y sĩ đoàn.

Họ được tôn vinh đúng mức và được sự kính nể của đồng nghiệp nếu là người có tài như bao người thầy thuốc khác. Họ thành lập những hội đoàn nghề nghiệp, xuất bản tạp chí khoa họ... sinh hoạt cùng nhau để bảo vệ lẫn nhau và trao đổi chuyên môn nghề nghiệp để nâng giải phẫu thẩm mỹ lên hàng nghệ thuật, đáp ứng đầy đủ nhu cầu chính đáng của mọi người.

Điều muốn nói thêm là tất cả các hoạt động về giải phẫu thẩm mỹ đều được tiến hành tại các bệnh viện chuyên về loại hình này, có sự tham gia tích cực của các thầy thuốc về tâm lý trước, trong và sau phẫu thuật để bảo đảm an toàn về sinh mệnh và tránh được những biến đổi không tốt về tâm lý ở những khách hàng đặc biệt này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại