SLNA 1-0 HAGL (Vòng 6 V.League Night Wolf 2023/24)
"Kết quả trận đấu thực sự thất vọng. Chúng tôi sẽ cố gắng thoát khỏi nhóm cuối bảng. Lý do cho chuỗi trận không tốt là đội hình HAGL không có đầy đủ nhân sự từ đầu mùa giải đến nay. Các ngoại binh đang bị đau, tân binh Jhon Cley cũng mới tới, chưa hòa nhập tốt. Chúng tôi có đội hình trẻ cũng như SLNA, nhưng tôi thấy đối thủ di chuyển và triển khai phối hợp tốt hơn" – đấy là những gì HLV Kiatisuk than thở, sau trận HAGL thua SLNA 0-1 tối 17/12.
Đằng sau lời than thở ấy của HLV Kiatisuk là một mối lo ngại to đùng của HAGL. Và hẳn khi bầu Đức nghĩ về điều này, ông sẽ phải thở dài nhiều lắm đây…
Nỗi buồn của bầu Đức...
Sau khoảng 22 năm làm bóng đá, bầu Đức chia sẻ đã chi ra gần 2000 tỷ đồng, một con số thật sự khổng lồ. Bắt đầu từ đại kế hoạch mua sao khủng để thống trị V.League, bầu Đức từng đưa HAGL vô địch giải quốc gia năm 2003, 2004. Lúc đấy, HAGL thật sự là một thế lực không thể chống đỡ.
Tới năm 2007, bầu Đức bắt đầu chuyển dần cách làm bóng đá. Ông bớt chi tiền mua sao khủng mà dồn vào làm Học viện HAGL Arsenal JMG. Tới năm 2013, Học viện này cho ra mắt lứa đầu tiên gồm những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy…
Cho tới bây giờ, đây vẫn được xem là lứa cầu thủ tài năng bậc nhất bóng đá Việt Nam, được yêu mến vô bờ bến.
Thậm chí, thời điểm năm 2013, khi ấy bóng đá Việt Nam đang chạm đáy niềm tin từ NHM, khi các cấp tuyển ít danh hiệu, V.League thì nhiều điều tiếng. Sự ra mắt của Công Phượng và các đồng đội như một làn gió trong lành thổi vào những CĐV vốn ôm nhiều phiền muộn. Người ta đổ dồn đi xem Công Phượng và các đồng đội thi đấu, trên tivi hay ra trực tiếp SVĐ…
10 năm trôi qua từ năm 2013, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… có nhiều người rơi rụng, nhưng rất nhiều người hiện đã là sao sáng bậc nhất bóng đá nước nhà. Điều đó cho thấy, khả năng của Học viện HAGL ngày nào đã từng tốt ra sao, dù đâu đó vẫn có những điều cần cải thiện nhiều.
Song cũng trong cột mốc 10 năm ấy, HLV Kiatisuk lại phải thốt lên "Chúng tôi có đội hình trẻ cũng như SLNA, nhưng tôi thấy đối thủ di chuyển và triển khai phối hợp tốt hơn".
Dàn sao trẻ của HAGL lép vế trước SLNA. Việc lò HAGL sa sút là điều không có lợi cho bóng đá Việt Nam, khi chúng ta sẽ thiếu đi một nguồn cung cầu thủ chất lượng (Ảnh: Linh Đan).
Đây quả thật là một cú đánh mạnh vào tâm niệm của bầu Đức, người đang cố gắng trẻ hóa HAGL sau khi đẩy đi lứa cầu thủ khóa một của Học viện HAGL.
Thời điểm Học viện HAGL phong quang với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… là lúc lò SLNA, vốn lừng lẫy một thời, bị lép vế. Những tưởng HAGL sẽ mãi là Học viện đào tạo đi đầu của bóng đá Việt Nam, nhưng không.
Giờ đây, thế lực đào tạo cũ, SLNA, đang dần vươn lên, vượt qua HAGL. Những trung tâm phát triển cầu thủ trẻ khác, như Thể Công – Viettel, Hà Nội FC, PVF… giờ đây cũng cho thấy sự vượt trội với trung tâm ở Phố Núi.
Không biết mùa giải tới, HAGL với nhà tài trợ mới là LP Bank có chi tiền tấn và vô địch V.League được hay không. Nhưng việc cải thiện lại chất lượng đào tạo của lò HAGL chắc chắn không thể thay đổi một sớm một chiều.
Đã từ lâu, bầu Đức coi Học viện HAGL mới là gốc rễ để phát triển CLB, chứ không phải thành tích "bề nổi" của đội một. Nếu vậy, bầu Đức cần thực hiện nhiều thay đổi ngay từ bây giờ, chứ đừng coi nhẹ lời than thở của HLV Kiatisuk.
Với bóng đá Việt Nam, việc lò HAGL sa sút cũng là điều rất đáng phiền muộn. Bởi chúng ta sẽ thiếu đi một nguồn cung cấp cầu thủ chất lượng.