Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc 'phải lòng' các quốc gia Đông Nam Á

Sông Thương |

Người trẻ ở phía bắc Trung Quốc đang từ bỏ văn hóa làm việc cực đoan để có một cuộc sống chậm rãi hơn.

Đông Nam Á từ lâu đã là một địa điểm thu hút những người di cư từ Trung Quốc. Những cuộc di cư đã bắt đầu từ triều đại nhà Tống (960 - 1279 sau CN), và phần lớn là người thuộc các tỉnh phía Nam. Ngay cả những dòng họ người gốc Hoa định cư lâu đời tại đây cũng có nguồn gốc từ Quảng Đông hay Phúc Kiến.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều doanh nhân phía bắc Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi lối sống quen thuộc ở quê hương để có cơ hội được sống chậm kiểu Đông Nam Á.

Chia sẻ về cuộc sống của mình ở quê hương, Li Yang cho hay: “Mùa hè ở chỗ tôi cũng nóng như ở đây vậy, nhưng mùa đông thì lạnh hơn nhiều". Li đến từ một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Liêu Ninh, phía Bắc Trung Quốc.

“Tôi đã sống ở đó cho đến năm 17 tuổi, sau đó đi học đại học ở Tân Cương (phía tây bắc Trung Quốc). Chỉ một năm sau, tôi đã bỏ học và đến Thẩm Dương (thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh) để làm việc tại một quán cà phê” , Li chia sẻ. Lúc bấy giờ, việc di chuyển giữa các tỉnh ở Trung Quốc rất dễ dàng và Li đã thành công xin việc tại một tạp chí ở Bắc Kinh.

Sau gần 10 năm gắn bó với công việc, Li cùng các đồng nghiệp bắt đầu có những chuyến du lịch nước ngoài. Quốc gia đầu tiên mà cô ghé thăm là Việt Nam, sau đó cô bắt đầu đi về các nước phía nam nhiều hơn.

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 1.

Li Yang, cô gái Trung Quốc hiện sở hữu một nhà hàng ở Indonesia.

“Vào sinh nhật lần thứ 30 của mình, tôi đã quyết định có một chuyến du lịch dài hơn bình thường. Một người bạn trong nhóm của chúng tôi đã đề nghị đi đến Indonesia, đó là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á chúng tôi chưa đến thăm vì cảm thấy nó quá xa”.

Chuyến du lịch lần này dường như đã trở thành chuyến đi định mệnh đối với Li. “Tôi bắt đầu gặp gỡ những người có cùng chí hướng. Thế giới quan của tôi đã thay đổi và chưa đầy một năm sau đó, tôi quyết định chuyển đến sống ở Indonesia", Li chia sẻ về chuyến du lịch đến tỉnh Tây Nusa Tenggara và Lombok.

Chỉ 5 năm kể từ khi chuyển đến, Li tự hào sở hữu Yang's Chinese Kitchen, một nhà hàng mì với nội thất được trang trí bằng tre, hai bên là cánh đồng lúa - một khung cảnh giống hệt như quê nhà của cô.

Dù không phải là đầu bếp chuyên nghiệp và chỉ làm theo những gì mình biết, nhưng điều lớn nhất mà Li có đó là niềm đam mê: “Tôi đã mở nhà hàng đầu tiên của mình tại đảo Gili Trawangan vào năm 2018, chuyên bán các món ăn miền Bắc như bánh bao, mì sợi và một số món khác tôi thích. Dù khái niệm về món ăn Trung Quốc của mọi người ở đây chỉ xoay quanh các món Quảng Đông, nhưng tôi không ngần ngại thử thách điều mới mẻ bằng tài nấu nướng của mình".

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 2.

Tuy nhiên, việc xây dựng một doanh nghiệp không hề dễ dàng đối với những người nhập cư từ miền Bắc Trung Quốc, những người vốn không thể dựa vào sự hỗ trợ của cộng đồng hải ngoại. Và khi đại dịch Covid-19 xảy ra, sự nghiệp của cô bị ảnh hưởng nặng nề.

Đến năm 2021, Li di chuyển đến Canggu, một ngôi làng ven biển với dịch vụ du lịch phát triển nhanh chóng và có lượng du khách đáng tin cậy hơn. Ở nơi đây, cô đã tìm thấy cho mình một lượng khách hàng ổn định đến và thưởng thức những món ăn quê nhà.

Nhiều người đã gọi Li là kẻ lập dị vì mái tóc được nhuộm đỏ và những bộ trang phục thể thao trẻ trung, nhưng điều này chẳng thể ngăn cản tình yêu mà cô dành cho vùng đất này: “Tôi không gò ép bản thân để giống như người khác, tôi thích ở đây. Vùng nông thôn này khiến tôi nhớ quê nhà của mình sau nhiều năm sống và làm việc ở thành phố lớn. Thêm vào đó, tôi tin vào những gì mình làm, và tôi biết thức ăn của mình rất ngon".

Không riêng gì Li Yang, nhiều người Trung Quốc khác cũng rời khỏi quê hương của mình để đến với Đông Nam Á. Lukia Lu cũng là một trong số đó, cô là một thợ lặn hiện đang sống tại Thái Lan, người đã chuyển đến đây vì bị quyến rũ bởi những điều kỳ diệu dưới lòng đại dương.

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 3.

Lukia Lu, hiện đang làm giáo viên dạy lặn ở Thái Lan

Về quê hương của mình, Lu chia sẻ: “Tôi lớn lên ở Thạch Chủy Sơn, một thành phố nằm ở vùng Ninh Hạ, cách bờ biển 1.000km. Ngành công nghiệp chính ở đó là khai thác than”. Lu đã phải trải qua một tuổi thơ với khí hậu khắc nghiệt, mùa hè nóng như thiêu đốt và mùa đông thì lạnh thấu xương.

Cũng như nhiều người lớn lên trong thời kỳ cải cách, cô bị thu hút bởi sự phát triển của bờ biển phía đông: “Tôi đến Thâm Quyến với 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6 triệu đồng) và tìm được công việc ngay trong ngày đầu tiên, đó là làm cố vấn cho một thương hiệu xa xỉ của Ý tại một cửa hàng ở khách sạn Thượng Hải, quận Phúc Điền".

Chỉ trong vòng vài năm, Lu đã mua cho mình được một chiếc xe ô tô và thành lập một công ty đầu tư nước ngoài. Điều đó đã khiến cô thương xuyên phải bay đến Châu Âu trong những chuyến công tác. Cô thú nhận: “Tôi đã làm việc chăm chỉ đến mức hy sinh sức khỏe của bản thân và bỏ quên người bạn đời của mình" .

Vào năm 2017, trong một khoảng thời gian rảnh rỗi, Lu đã quyết định đến Koh Tao, Thái Lan để học lặn biển, một môn thể thao mà cô luôn muốn thử một lần trong đời: “Về cơ bản, tôi đã sống 9 ngày như một thợ lặn thực sự: thức dậy, lặn, ăn trưa, lặn rồi lại ngủ”.

Chính trải nghiệm ngắn này đã khiến cô không thể sống một cuộc sống như trước. Cô bỏ lại tất cả, bắt đầu một cuộc đời mới ở đảo Koh Samui với tư cách là một người dạy lặn, dạy tiếng Quan Thoại, hướng dẫn viên du lịch và tư vấn bất động sản. Mọi việc đã diễn ra rất tốt đẹp cho đến năm 2019, khi cô phải về nước vì cha cô đột ngột đổ bệnh và đại dịch bùng phát.

“Tôi đã cố gắng tìm việc làm nhưng công việc kinh doanh mà tôi làm trước đó đã gặp khó khăn lớn vì đại dịch. Công việc duy nhất mà tôi tìm được đó là dạy lặn kiểu tiên cá tại một trung tâm ở Thượng Hải" . Lặn tiên cá là một khóa học được ra mắt vào năm 2020 để đáp ứng mong muốn “tái hiện các cảnh bơi lội đẹp mắt của những nàng tiên cá trong thần thoại", bộ môn này đã tạo ra một cơn sốt mới lan rộng khắp Trung Quốc.

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 4.

Khoá học lặn tiên cá gây sốt Trung Quốc

Lu đã ở lại Trung Quốc làm việc cho đến khi Thái Lan cho phép nhập cảnh trở lại: “Tôi hạ cánh tại Thái Lan vào tháng 10/2021, hít thở không khí trong lành và cảm thấy như mình đang ở nhà”.

Kể từ đó, cô lại một lần nữa xây dựng cuộc sống của mình ở Koh Samui. Trong thời kỳ đại dịch bùng phát, nhiều giáo viên dạy lặn đã bỏ việc, vậy nên cơ hội việc làm của Lu lúc này rất nhiều. Ngoài ra cô còn mang theo những kỹ năng khi dạy lặn tiên cá để phát triển một công việc phụ, đó là tư vấn cách tạo dáng và chụp ảnh phong cách tiên cá cho mọi người.

Nhưng không phải ai cũng may mắn được sống theo ý mình. Damon Liu, một người Trung Quốc đến từ tỉnh Hà Nam chẳng thể quay trở lại Đông Nam Á sau trận đại dịch: “Tôi vẫn đang ở Trung Quốc cố gắng kiếm tiền. Thật khó khăn vì nhiều địa điểm vẫn còn chưa mở cửa nên tôi không thể lên kế hoạch trước cho chuyến đi của mình".

Liu đã lớn lên gần thủ phủ của tỉnh là Trịnh Châu, và sau hai năm nhập ngũ tại Vũ Hán, anh đã lên đường đi du lịch khắp thế giới. Liu đã đi qua nhiều quốc gia trước khi đặt chân đến Kuala Lumpur vào năm 2013, một nơi khiến cuộc đời của anh thay đổi mãi mãi.

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 5.

Damon Liu, chàng trai Trung Quốc đang kinh doanh nhà hàng tại Malaysia

“Tôi không thể tin nổi rằng mình có thể nói tiếng Trung Quốc ở nước ngoài. Thức ăn ở đây cũng vô cùng ngon, tôi luôn nhớ mãi lần đầu tiên mình được nếm thử món cơm lá chuối Ấn Độ".

Đến năm 2015, Liu quay lại Malaysia lần nữa để tham dự đám cưới của người bạn. Tại đây, anh đã hẹn hò với Ester Lee, một người Malaysia gốc Hoa. Dù mối tình của họ không đi đến cuối cùng, nhưng họ vẫn xem nhau như những đối tác đáng tin cậy trong công việc.

Liu quyết tâm biến giấc mơ của mình thành hiện thực vào năm 2018, anh quyết định mua một nhà hàng kết hợp quán bar trên bãi biển Tengah, và cùng Ester hợp tác để kinh doanh.

Nhà hàng Hidden của họ đã gây được tiếng vang lớn và trở thành một trong những địa điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn cho khách du lịch. Kế thừa sự thành công đó, Liu tiếp tục thực hiện dự án tiếp theo của mình - một khách sạn nhỏ có tên Found do chính tay anh gây dựng.

Lối sống chậm lên ngôi: Người trẻ Trung Quốc phải lòng các quốc gia Đông Nam Á - Ảnh 6.

Nhà hàng Hidden

Anh cho biết: “Tôi đã ở Langkawi trong ba năm từ 2018 đến 2021 để giám sát việc xây dựng Found. Nhưng khi đại dịch xảy ra, việc di chuyển giữa Malaysia và Trung Quốc ngày càng khó khăn hơn. Cuối cùng, tôi phải bay về nhà cùng với gia đình, và chính điều đó đã khiến tôi gặp khó khăn khi phải quản lý công việc từ xa".

Bất chấp những quy định nghiêm ngặt của chính sách Zero Covid và hạn chế đi lại giữa các nước, Liu vẫn quyết tâm quay trở lại Malaysia để gia đình có thể trải nghiệm được “thiên đường" mà anh đã tìm thấy: “Tôi hy vọng một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ được tận hưởng một nhịp sống chậm hơn".

Nguồn: South China Morning Post

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại