Biểu tượng Facebook trên màn hình điện thoại. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo The Verge, vào tháng 10/2021, các kỹ sư của Facebook đã phát hiện một số nội dung bị các thành viên trong chương trình kiểm tra tính xác thực của bên thứ ba đánh dấu nghi vấn nhưng vẫn được thuật toán của Facebook lựa chọn để đăng tải rộng rãi trong News Feed của người dùng.
Lỗi này nghiêm trọng tới mức một nhóm kỹ sư đã phải lập báo cáo nội bộ và miêu tả đây là thất bại nghiêm trọng trong việc xếp hạng nội dung. Do không tìm được gốc rễ nguyên nhân, các kỹ sư đã theo dõi tình trạng này cho đến khi vấn đề xếp hạng nội dung được khắc phục vào ngày 11/3 vừa qua.
Phản ứng về thông tin đăng trên The Verge, Facebook cho rằng trang tin công nghệ này đã đã phóng đại lỗi xếp hạng nội dung nói trên, đồng thời khẳng định lỗi này không ảnh hưởng lâu dài đến các nội dung đăng tải bị xác định là "có vấn đề".
Theo người phát ngôn của Meta (công ty mẹ của Facebook) Joe Osborne, lỗi trên chỉ ảnh hưởng đến một lượng rất nhỏ lượt xem các nội dung đăng tải trên Facebook, bởi vì phần lớn các bài đăng trong News Feed của người dùng không đủ điều kiện để bị hạ bậc ưu tiên. Ngoài ra, các cơ chế khác được thiết lập nhằm hạn chế lượt xem các nội dung tiêu cực vẫn được duy trì, trong đó có việc hạ bậc, dán nhãn xác minh tính xác thực và loại bỏ các nội dung vi phạm.
Kể từ tháng 12/2016, Facebook đã hợp tác với khoảng 80 tổ chức để triển khai Chương trình kiểm tra tính xác thực nội dung đăng tải trên nền tảng này, WhatsApp và Instagram. Những nội dung bị xếp hạng "thông tin sai" sẽ bị hạ bậc trong News Feed nên sẽ có ít người xem hơn. Nếu người dùng cố chia sẻ nội dung này, họ sẽ được liên kết đến một bài viết giải thích lý do nội dung gây hiểu nhầm.
Nếu họ vẫn tiếp tục chọn chia sẻ nội dung thì sẽ nhận được thông báo kèm đường link bài viết. Tuy nhiên, nội dung sẽ không bị gỡ bỏ khỏi nguồn cung cấp dữ liệu của Facebook. Bên kiểm tra tính xác thực có quyền chọn lựa cách thức và nội dung họ muốn điều tra.