Máy bay Su-35 của Nga đã không đáp ứng được kỳ vọng kể từ khi xung đột toàn diện nổ ra với Ukraine từ năm 2022. Theo chuyên gia người Mỹ Brandon J. Weichert, vấn đề không phải là do bản thân máy bay. Trên thực tế, Weichert tin rằng Su-35 là một máy bay hiện đại, sở hữu nhiều đặc điểm của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4+ và thứ 5.
80 năm trước, trong Thế chiến 2, các phi công Mỹ và Anh đã thực hiện các nhiệm vụ giống như phi công Su-35 Nga ngày nay. Ngày đó, các phi công quân Đồng minh thường bay ở độ cao thấp hơn nhiều so với dự định. Các máy bay chiến đấu của họ buộc phải thả bom chính xác hơn, nghĩa là bay chậm hơn và thấp hơn.
Ngày nay, Su-35 của Nga cũng phải hoạt động ở tầm bay thấp, do đó nó rất dễ trở thành mục tiêu của các hệ thống phòng không Ukraine. Su-35 được thiết kế để hoạt động ở độ cao lớn và tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn. Tuy nhiên, trên chiến trường Ukraine, chiếc máy bay này đã không được triển khai theo đúng sở trường của mình.
Các hệ thống tên lửa nguy hiểm của Ukraine
Các khẩu đội tên lửa đánh chặn như PATRIOT, cùng với các hệ thống phòng không khác như NASAMS, IRIS-T, S-300 và thậm chí cả S-200 cũ hơn, đã được Ukraine sử dụng một cách hiệu quả. Điều này buộc Nga phải triển khai máy bay Su-35 ở độ cao thấp hơn và khoảng cách gần hơn.
Trong Thế chiến 2, các phi công Đồng minh có thể tùy ý bay ở độ cao thấp để tấn công chính xác hơn vào các mục tiêu của Đức Quốc xã, tuy nhiên ngày nay phi công Nga buộc phải thực hiện chiến thuật như vậy, để né tránh các hệ thống phòng không của Ukraine.
PATRIOT, NASAMS và IRIS-T là các hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến, có khả năng phòng không mạnh mẽ. Các hệ thống này được thiết kế để phát hiện, theo dõi và tấn công các mối đe dọa trên không ở nhiều độ cao và phạm vi khác nhau, khiến chúng trở thành đối thủ đáng gờm đối với các máy bay chiến đấu của Nga.
Hệ thống PATRIOT do Mỹ phát triển, nổi tiếng với khả năng đánh chặn tên lửa và máy bay đang bay tới ở độ cao lớn. NASAMS (Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến của Na Uy) sử dụng tên lửa AIM-120, có khả năng tấn công các mục tiêu tầm trung đến xa. IRIS-T (Hệ thống hình ảnh hồng ngoại được điều khiển bằng đuôi/vector đẩy) có độ chính xác và tính linh hoạt cao, đặc biệt hiệu quả khi đối đầu với các mục tiêu di chuyển nhanh và cơ động.
Vũ khí phòng không cầm tay
Bằng cách bay ở độ cao thấp hơn, Su-35 sẽ né tránh được radar của các hệ thống phòng không tiên tiến ở Ukraine. Tuy nhiên, chiến thuật này cũng sẽ khiến máy bay phải đối mặt với các mối đe dọa như pháo phòng không trên mặt đất và hệ thống phòng không vác vai (MANPADS).
Do đó, Ukraine đã khoét sâu vào điểm bất lợi này để săn lùng Su-35. Điều này không có nghĩa là Su-35 không hiệu quả mà chỉ ra rằng, chiếc máy bay này đã không thể hoạt động đầy đủ theo khả năng được thiết kế, do bản chất đặc biệt của cuộc xung đột mà nó đang tham gia.
Ngay cả nhà sản xuất, Komsomolsk-on-Amur cũng thừa nhận rằng, Su-35 không hoạt động như mong đợi trong cuộc xung đột hiện tại. Hơn nữa, Quân đội Nga rất cần sự hỗ trợ trên không ở phạm vi gần và độ cao thấp, vì vậy mà Su-35 sẽ chỉ được triển khai cho vai trò hỗ trợ chiến đấu và không đúng sở trường của loại máy bay này.
Su-35 không phải là quan trọng nhất
Mặc dù là một máy bay có khả năng chiến đấu cao, nhưng Su-35 không được Nga coi trọng do chi phí vận hành và yêu cầu bảo dưỡng cao. Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) năm 2020, hệ thống điện tử hàng không và động cơ tiên tiến của Su-35 đòi hỏi phải bảo dưỡng thường xuyên và tốn kém, điều này có thể gây căng thẳng cho ngân sách quốc phòng của Nga.
Một lý do khác khiến Su-35 không được coi trọng là do số lượng sản xuất hạn chế. Tính đến năm 2021, Nga chỉ sản xuất khoảng 100 chiếc Su-35, tương đối nhỏ so với số lượng máy bay trong phi đội bay của các cường quốc quân sự khác.
Ngoài ra, những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ máy bay không người lái cũng tác động đến vai trò của Su-35. UAV ngày càng có khả năng thực hiện nhiều vai trò mà máy bay chiến đấu có người lái thường đảm nhiệm, bao gồm trinh sát và tấn công chính xác. Sự thay đổi về công nghệ này có thể làm giảm tầm quan trọng chiến lược của máy bay chiến đấu có người lái như Su-35.
Hơn nữa, bối cảnh địa chính trị đang thay đổi và Su-35 có thể không hiệu quả trong môi trường chiến tranh hiện đại. Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) năm 2021 nhấn mạnh rằng, chiến tranh hiện đại ngày càng dựa vào các hệ thống tích hợp và chia sẻ dữ liệu thời gian thực, những lĩnh vực mà Su-35 có thể tụt hậu so với các máy bay hiện đại hơn.
Cuối cùng, Su-35 phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các máy bay mới hơn trong kho vũ khí của Nga. Sự ra đời của Su -57, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Nga, đã làm lu mờ Su-35. Su-57 có khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến mà Su-35 không có.
Quang Hưng