Theo ước tính, tăng trưởng lợi nhuận quý 1/2022 sẽ có sự phân hóa lớn giữa các ngân hàng. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế (LNTT) bình quân chỉ đạt khoảng 9% -11%, điều này phần lớn là do hai ngân hàng VietinBank và Vietcombank có lợi nhuận giảm từ nền so sánh cao trong cùng kỳ năm 2021.
Các ngân hàng còn lại có thể đạt mức tăng trưởng LNTT bình quân khoảng 25% -27% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn so với dự báo trước đây do VPBank đã gia hạn Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với AIA cùng với một khoản phí trả trước bổ sung, giúp ngân hàng này có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận tốt trong quý 1/2022.
Mức tăng trưởng LNTT cao nhất được kỳ vọng tại SHB, Sacombank, MSB, VPBank và LienVietPostBank.
Các yếu tố chính giúp các ngân hàng đạt mức tăng trưởng LNTT ổn định trong quý 1 gồm:
Tín dụng tăng trưởng mạnh từ 15% -16% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng của các ngân dao động trong khoảng 2%-10% so với đầu năm. Một số ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn quý 1/2021 bao gồm VietinBank, BIDV, MB, HDBank, và TPBank.
Trong khi HDBank, VPBank và Techcombank tăng lãi suất huy động từ 10 - 20 điểm phần trăm, các ngân hàng khác không có sự thay đổi. Một số ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu hóa hệ số LDR và duy trì NIM ổn định trong kỳ.
Do các ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu và củng cố bộ đệm dự phòng rủi ro tín dụng mạnh mẽ trong quý 4/2021, nợ xấu và các khoản cho vay tái cơ cấu không có quá nhiều biến động trong quý 1/2022.
Các khoản cho vay tái cơ cấu bắt đầu có xu hướng giảm ở một số ngân hàng (Vietcombank, ACB), và tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức tương đối ổn định so với quý trước. Điều này có thể khiến áp lực trích lập dự phòng không quá nặng nề trong quý 1/2022.
Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố kế hoạch lợi nhuận cho cả năm, ngoại trừ Techcombank và VPBank. Đối với các ngân hàng còn lại, LNTT năm 2022 dự kiến sẽ tăng khoảng 24%-25% so với cùng kỳ.
Với mức tăng trưởng LNTT cho cả năm 2022 gấp đôi tốc độ tăng trưởng của quý 1/2022, triển vọng lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong 3 quý còn lại là khá khả quan.
Hạn mức tín dụng ban đầu được cấp cho năm 2022 dao động trong khoảng 7%-15% và cao hơn hạn mức năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm 2022 của các ngân hàng này sẽ duy trì ở mức tương đối cao.
Mùa Đại hội cổ đông năm nay, hầu hết các ngân hàng đều dự kiến tăng vốn điều lệ từ 15%-35% trong năm 2022 được thực hiện thông qua hình thức chia cổ tức/chia thưởng bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, hai “ông lớn” Vietcombank và BIDV chưa công bố chi tiết về kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu mới.
Những yếu tố tác động tích cực khiến lợi nhuận của nhóm ngành có thể đạt mức cao hơn so với ước tính hiện tại là nền kinh tế phục hồi tốt hơn dự kiến, các khoản thu nhập bất thường từ việc liên kết với bảo hiểm sẽ giúp một số ngân hàng có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, rằng rủi ro lớn nhất là trường hợp lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến.
Mặc dù diễn biến lãi suất huy động từ đầu năm đến nay phù hợp với kỳ vọng của nhà đầu tư, rủi ro lạm phát vẫn là một mối lo ngại - đặc biệt là do tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu tăng nhanh.
Đây sẽ là yếu tố tác động trực tiếp lên thị trường chứng khoán và nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Với kịch bản giá dầu bình quân trong năm 2022 ở mức 95 USD/thùng, lạm phát ước tính sẽ đạt 4%.