Vắng bóng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Trung Nguyên làm ăn tốt hơn

Linh Linh |

Dường như việc bà Lê Hoàng Diệp Thảo mất dần ảnh hưởng đối với Trung Nguyên không tác động gì tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn này.

Sau bài phỏng vấn gây bão của bà Lê Hoàng Diệp Thảo - người vẫn được biết đến dưới danh phận là vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Trung Nguyên, câu chuyện của "đế chế" cà phê này lại nóng hơn bao giờ hết.

Theo lời kể của bà Thảo, Trung Nguyên hoàn toàn là công ty gia đình, có 93% cổ phần do hai vợ chồng Vũ – Thảo cùng sở hữu. Ở công ty này, ông Vũ là Chủ tịch HĐQT, có nhiệm vụ xây dựng và quảng bá thương hiệu. Còn bà Thảo đảm nhận vai trò Phó Tổng Giám đốc thường trực – như một người nội tướng của Trung Nguyên.

"Từ lúc thành lập đến năm 2014 thì hầu như tôi điều hành toàn bộ mọi công việc bên trong của Trung Nguyên. Tôi được quyền tự quyết toàn bộ mọi việc, từ chuyện lập ra các chiến lược, kế hoạch hành động, đến việc phát triển thị trường trong và ngoài nước, việc ký kết tất cả các hợp đồng …" – Bà Thảo nói.

Trước đó, khi trả lời trên báo chí, bà Thảo cho biết sau khi cuộc hôn nhân gặp sóng gió, công việc xuất khẩu của công ty phần nào xuống dốc. 

Trung Nguyên đánh mất vị trí trên thị trường, phải đóng cửa các quán cà phê (bao gồm cả ở Singapore) trong khi đối thủ cạnh tranh không ngừng gia tăng thị phần. Điều đó đã buộc bà tạo ra King Coffee như một thương hiệu cao cấp.

Vậy thực tế trong những năm qua, Trung Nguyên kinh doanh như thế nào? Theo số liệu mà chúng tôi có được thì nhìn chung, Trung Nguyên Group vẫn kinh doanh tốt dù vai trò của bà Thảo tại Trung Nguyên bắt đầu giảm đi đáng kể từ năm 2014.

Vắng bóng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Trung Nguyên làm ăn tốt hơn - Ảnh 1.

Doanh thu cũng như lợi nhuận của Trung Nguyên Group (công ty mẹ) tăng trưởng rất mạnh trong khoảng thời gian từ năm 2009 – 2014. Đây là doanh nghiệp sở hữu toàn bộ các công ty hiện tại của Trung Nguyên như Trung Nguyên Coffee, Trung Nguyên hòa tan và Trung Nguyên franchise. 

Đơn vị sở hữu của Trung Nguyên Group là Đầu tư Trung Nguyên – một công ty do ông Vũ và bà Thảo nắm cổ phần.

Cụ thể, doanh thu thuần năm 2009 mới chỉ có 1.712 tỷ đồng nhưng năm 2011 đã tiệm cận 3.000 tỷ đồng và đến năm 2014 là 3.889 tỷ đồng. 

Mặc dù từ khi có "mâu thuẫn gia đình" thì doanh thu của Trung Nguyên chững lại giai đoạn 2014-2016 nhưng có thể thấy đây là tình cảnh chung của ngành khi mà doanh thu cà phê của Vinacafe Biên Hòa cũng chững lại trong giai đoạn này.

Đáng chú ý là lợi nhuận của công ty mẹ Trung Nguyên lại tăng trưởng ấn tượng kể từ năm 2014.

Trong năm 2014, lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ Trung Nguyên Group đạt kỷ lục tới 1.525 tỷ đồng - cao đột biến so với giai đoạn trước.

Lợi nhuận tăng vọt như vậy là nhờ 2 công ty con chủ chốt gồm CTCP Cà phê Trung Nguyên và  CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên đã kết chuyển gần 460 tỷ đồng lợi nhuận tích lũy được trong giai đoạn 2012-2014 về cho công ty mẹ. 

Đây là nguyên nhân khiến cho doanh thu tài chính của công ty mẹ Trung Nguyên tăng đột biến. Nếu loại trừ phần lợi nhuận bất thường này, LNTT của Trung Nguyên Group mẹ là 840 tỷ đồng - nhỉnh hơn một chút so với 2 năm sau đó và vẫn cao hơn đáng kể so với Vinacafe Biên Hòa.

Vắng bóng bà Lê Hoàng Diệp Thảo, Trung Nguyên làm ăn tốt hơn - Ảnh 2.

Nếu loại trừ hoạt động kết chuyển lợi nhuận năm 2014, lợi nhuận giai đoạn 2014-2016 ổn định quanh mức 800 tỷ đồng/năm - tăng đột biến so với gian đoạn trước khi xảy ra mâu thuẫn

Sự phân ly của vợ chồng ông Vũ – bà Thảo đã dẫn đến sự phân chia các nhà máy chính của Trung Nguyên, kéo theo sự giảm sút lợi nhuận nhưng nhìn chung, Trung Nguyên Group vẫn kinh doanh tốt dù không có sự điều hành của bà Thảo.

Trong cơn bão của Trung Nguyên, truyền thông đăng tải một câu nói của nhân viên Tập đoàn này: "Công ty đang hoạt động tốt, kinh doanh hiệu quả thì lãnh đạo cao nhất phải bình thường (sức khỏe) chứ".

Các con số cũng chứng minh cho việc Trung Nguyên vẫn là đế chế cà phê khó có thể thay thế tại Việt Nam cho dù bà Lê Hoàng Diệp Thảo không còn điều hành như bà nói trên báo chí hay sức khỏe của ông Vũ đang là dấu hỏi của dư luận.

Thực tế, tại các doanh nghiệp lớn như Trung Nguyên, NutiFood, Tân Hiệp Phát… dù vẫn là công ty gia đình nhưng sự vận hành được quản lý rất chuyên nghiệp áp dụng mô hình của nước ngoài và nhờ vậy, toàn bộ bộ máy vẫn có thể hoạt động bình thường mà không cần sự điều hành trực tiếp của lãnh đạo cao nhất, ngoại trừ các quyết định mang tính chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại