Trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa, vương triều Đại Thanh có tổng cộng 268 năm trị vì, trải qua 12 đời Hoàng đế.
Thanh triều cũng là triều đại thứ hai của nước này không do người Hán thành lập và cũng là vương triều phong kiến cuối cùng của Trung Quốc.
Khi bàn về kết cục của vương triều này, nhiều người cho rằng, một trong số những nhân vật chủ chốt dẫn đến sự suy vong của Đại Thanh không ai khác chính là Từ Hy Thái hậu.
Người phụ nữ khiến giang sơn Đại Thanh trượt dài trên con đường diệt vong
Nhìn lại giai đoạn cuối thời Thanh, có thể thấy Từ Hy Thái hậu chính là người giữ vai trò trọng yếu nhất trong bộ máy thống trị lúc bấy giờ.
Mặc dù bà từng lập liên tiếp mấy vị Hoàng đế, nhưng thực ra từ đầu đến cuối đều thao túng quyền lực trong tay mình.
Từ Hy Thái hậu là nhân vật nắm quyền hành chủ chốt trong giai đoạn cuối thời nhà Thanh. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Từ Hy vốn thuộc dòng họ Diệp Hách Na Lạp. Dưới thời Hàm Phong, bà được chọn vào cung và phong làm Quý nhân, sau tấn thăng làm Quý phi.
Hàm Phong Hoàng đế lúc sinh thời vốn có thân thể ốm yếu nhiều bệnh, không đủ sức lực điều hành triều chính. Bấy giờ, nhà vua từng cho phép Từ Hy thay mặt mình phê duyệt không ít tấu chương.
Có thể nói, tham vọng quyền lực và thủ đoạn chính trị của Lão Phật gia sau này được hình thành cũng như tôi luyện từ thời điểm đó.
Việc Từ Hy can dự triều chính đã bắt đầu manh nha từ thời kỳ vua Hàm Phong còn tại vị. (Ảnh minh họa).
Khi đã nắm trong tay quyền điều hành triều chính, đối diện với những nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, Từ Hy trên cơ bản luôn lấy việc nhượng bộ làm phương châm, từ đó ký kết những hiệp ước bất bình đẳng.
Chính điều này đã khiến lãnh thổ Trung Quốc không ngừng bị xâm chiếm, Thanh triều cũng vì vậy mà trượt dài trên con đường diệt vong.
Khi nhận xét về vị Tây Thái hậu này, có ý kiến cho rằng không phải ngẫu nhiên mà Từ Hy có thể phá hủy cơ nghiệp mấy trăm năm của Thanh triều.
Theo một giai thoại truyền lại, việc vương triều đại Thanh sẽ bị hủy trong tay một người phụ nữ vốn bắt nguồn từ một "lời nguyền" nhằm vào gia tộc Ái Tân Giác La.
"Lời nguyền" ứng nghiệm lên đầu gia tộc Ái Tân Giác La
Sử cũ có ghi, Từ Hy Thái hậu xuất thân trong gia đình quan gia thế tập thuộc dòng họ Diệp Hách Na Lạp thị.
Thế nhưng sự thực là dòng họ Diệp Hách Na Lạp của bà khi xưa từng có mối thù không đội trời chung với gia tộc Ái Tân Giác La – hoàng tộc Thanh triều sau này.
Mối thâm thù của dòng họ Diệp Hách Na Lạp với hoàng tộc nhà Thanh bắt nguồn từ thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích. (Tranh: Nguồn Baidu).
Cụ thể, dưới thời Nỗ Nhĩ Cáp Xích, Diệp Hách Na Lạp lúc bấy giờ vẫn là một nhánh của tộc Nữ Chân, cai quản một lãnh địa phồn vinh của riêng họ.
Sau này, bộ tộc của Nỗ Nhĩ Cáp Xích không ngừng lớn mạnh. Để tránh khỏi kết cục bị bộ tộc này thâu tóm, Diệp Hách Na Lạp đã liên kết cùng một vài bộ tộc khác để chống lại Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Thế nhưng nhóm người này vốn không phải là đối thủ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích. Sau cùng, họ vẫn phải chịu kết cục đại bại.
Thấy rõ thất bại là kết cục bất khả kháng, thủ lĩnh của Diệp Hách Na Lạp trước khi chết đã từng thề với trời rằng, cho dù dòng tộc của mình chỉ còn lại một người phụ nữ cũng phải báo thù.
Lúc bấy giờ, người ta chỉ cho rằng đó là lời bất mãn trước lúc lâm chung của một kẻ bại trận. Nhưng không ai ngờ rằng mấy trăm năm sau, lời thề ấy rốt cục đã ứng nghiệm lên đầu gia tộc Ái Tân Giác La.
Thực tế lịch sử cũng đã cho thấy, cơ nghiệp của hoàng tộc Thanh triều sau cùng đã bị hủy trong tay Từ Hy – một người phụ nữ thuộc dòng họ Diệp Hách Na Lạp.
Liệu rằng việc giang sơn Thanh triều bị hủy trong tay một người phụ nữ thuộc họ Diệp Hách Na Lạp là Từ Hy có phải chỉ là sự trùng hợp? (Tranh minh họa).
Vào thời kỳ Lão Phật gia chấp chính, xa xỉ, lãng phí thậm chí đã trở thành vấn nạn.
Khi Thanh triều mới được thành lập, tiêu chuẩn mỗi bữa ăn của Hoàng đế thường có hơn trăm món. Sau này, nhà vua cảm thấy như vậy quá lãng phí nên đã cắt giảm số món ăn xuống chỉ còn hơn hai mươi.
Nhưng tới thời của Từ Hy, thực đơn với mỗi bữa hơn trăm món ăn lại một lần nữa được khôi phục, thậm chí còn xa hoa và lãng phí hơn nhiều so với trước kia.
Vì vậy, dù Thanh triều diệt vong có phải do "lời nguyền" của thủ lĩnh Diệp Hách Na Lạp ứng nghiệm hay không, thì Từ Hy cũng vẫn là nhân vật có mối liên quan mật thiết tới sự sụp đổ của vương triều này.
Nếu năm xưa Tây Thái hậu không chuyên chính, độc tài, rất có thể những trang sử cuối cùng của Đại Thanh sau này sẽ được viết theo một cách khác…