Nền kinh tế trong nước thời gian gần đây liên tục nhận được đánh giá tích cực. Việt Nam đã hội tụ được những điều kiện giúp duy trì tăng trưởng cao như hội nhập sâu, các chỉ số vĩ mô được ổn định, lạm phát thấp…
Dù vậy, nền kinh tế cũng đang tồn tại nhiều bất ổn, mà nó có thể là ngòi châm cho một cuộc khủng hoảng mới, có tính chu kỳ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn khi tổng kim ngạch xuất khẩu bằng 193% GDP năm 2017. Độ mở lớn khiến đất nước dễ bị tổn thương trước những bất ổn thế giới.
Ông cũng bày tỏ Chính phủ đang rất lo ngại chu kỳ 10 năm khủng hoảng và cho biết Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành xây dựng các kịch bản đánh giá và đối phó.
TS. Vũ Thành Tự Anh (ĐH Fulbright) nói về mối lo khủng hoảng khi cho biết nền tảng và nguồn lực tăng trưởng trong nước có vấn đề vì không được làm đến nơi, đến chốn. Những mâu thuẫn của nền kinh tế nằm ở sự chia tách giữa các khu vực như FDI và trong nước, kinh tế phụ thuộc nhiều vào FDI, hay dù hội nhập sâu rộng nhưng việc tận dụng, khai thác còn kém.
TS. Huỳnh Thế Du cũng đến từ Fulbright phân tích về tâm lý hành vi tại các thời điểm trước khủng hoảng. Trong đó, điểm chung là sự lạc quan, kỳ vọng thái quá của các nhà đầu tư khi thấy kinh tế đang tốt lên.
Sự chuyển dịch của dòng tiền từ thị trường sản xuất vào thị trường tài sản khiến cho đất đai, chứng khoán nóng lên. Theo đó, bong bóng tài sản xuất hiện, và khi thị trường quá nóng, bong bóng đổ vỡ kéo theo sự sụp đổ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sau các cuộc khủng hoảng trong thời gian qua đã có sự điều tiết mỗi khi nhận thấy nguy cơ. PGS. TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển bày tỏ ông không cho rằng khủng hoảng có cơ hội xảy ra vì nền kinh tế đang được điều hành rất tốt thông qua các đợt điều chỉnh ngân hàng, thị trường chứng khoán.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ dù lo ngại nhưng ông tin rằng sau 4 lần khủng hoảng trong 40 năm qua, Việt Nam đã có kinh nghiệm ứng phó.
Điều này được thể hiện qua việc khủng hoảng năm 2009 – tức 10 năm sau khủng hoảng tài chính 1997 – 1998, dù kinh tế bị thiệt hại nhưng sức phục hồi rất nhanh.