Video: Trưởng thôn Kho Vàng kể 8 giờ chạy đua đưa 115 người lên núi tránh sạt lở.
Sáng 9/9, thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) trong tình trạng “no nước” do trải qua 2 ngày mưa liên tục mà chưa có dấu hiệu dừng lại.
Lo lắng cho người dân, trưởng thôn Ma Sao Chứ (SN 1991) huy động vài thanh niên cùng lên núi kiểm tra. Phát hiện quả đồi phía sau thôn có vết sạt lở khoảng 20cm, anh Chứ lập tức huy động mọi người tìm nơi cao ráo, an toàn để lập lán trại, sơ tán người dân.
Quyết định táo bạo, sáng suốt của anh Chứ đã cứu sống toàn bộ 115 người dân của thôn Kho Vàng khi chỉ một ngày sau, tất cả 17 nhà dân bị đất đá sạt lở vùi lấp. Ở nơi lán trại không có tín hiệu để liên lạc với bên ngoài, vì thế, đã có lúc chính quyền xã tưởng chừng 115 người dân thôn Kho Vàng mất tích, cho đến khi tìm được họ sau 2 ngày leo rừng, vượt suối.
Kể lại với phóng viên Báo điện tử VTC News về hành trình tìm kiếm 115 người dân thôn Kho Vàng, ông Nguyễn Quốc Nghi – Bí thư Đảng ủy xã Cốc Lầu cho biết, sau cơn bão số 3, trời đổ mưa lớn kéo dài gây sạt lở nhiều khu vực trong địa bàn xã, các tuyến đường giao thông quan trọng bị cắt đứt.
Khu vực thôn Kho Vàng nằm ở địa hình hiểm trở, xa xôi, dễ xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Nắm được tình hình này, chính quyền xã Cốc Lầu lập tổ công tác vào tận nơi tìm hiểu tình hình của người dân.
“Các điểm thôn đều bị chia cắt bởi sạt lở. Phải đến ngày thứ 2 chúng tôi mới vào được khu vực thôn Kho Vàng và phát hiện một khu vực lớn nhà dân bị đất sạt lở vùi lấp. Lúc này, chúng tôi đã nghĩ đến trường hợp xấu nhất khi cố gắng liên lạc với trưởng thôn nhưng không được.
Tuy nhiên, khi quan sát kỹ, chúng tôi không thấy dấu hiệu người bị vùi lấp. Vì thế, tổ công tác tỏa đi các hướng tìm tung tích của người dân”, ông Nghi kể.
Mọi nỗ lực của chính quyền được đền đáp khi tổ công tác xã Cốc Lầu tìm thấy toàn bộ 115 người dân thôn Kho Vàng đều an toàn tại khu lán trại cách bản làng cũ chừng 3km.
Anh Vạn Ngọc Thắng (thành viên Tổ an ninh trật tự thôn Cốc Lầu), người đầu tiên tìm thấy khu lán trại này cho biết, trước đây anh thường theo bố và ông đi đánh cá tại khu vực rừng vầu nên biết một con đường mòn trong rừng dẫn thẳng tới thôn Kho Vàng.
Ngay sau khi nhớ ra con đường này, anh Thắng lập tức báo cho tổ công tác cùng men theo trong tiết trời mưa, đường trơn trượt. Đến khi nghe thấy tiếng người dân, rồi lại tận mắt nhìn thấy khu lán trại mà 115 người dân đang ở, anh và các thành viên trong tổ tìm kiếm vỡ oà hạnh phúc.
“Lúc này họ rất đói và khát, trời cũng đã tối. Vì thế, chúng tôi có lương thực, nước uống đều để lại cho họ rồi hứa hôm sau sẽ mang thêm đồ ăn lên trợ cấp. Cả tổ tìm kiếm lại vượt hơn 7km leo rừng, vượt suối về trụ sở ngay trong đêm để báo cáo tình hình.
Sau khi kết nối được với người dân, ngày hôm sau chúng tôi quay lại và chu cấp đầy đủ những thực phẩm thiết yếu như gạo, mỳ tôm, thuốc men, nước uống… để đảm bảo cho cuộc sống của họ ở đây được tốt nhất”, anh Thắng kể.
Nghe anh Thắng kể, nhóm phóng viên Báo điện tử VTC News ngỏ ý muốn được tìm lên tận khu lán trại để có thể ghi lại cuộc sống của 115 người dân nơi đây. Anh Thắng đồng ý và không quên nhắc: “ Đường đi không hề đơn giản, rất khó khăn, quãng đường 7km nhưng sẽ phải đi mất gần 3 giờ đồng hồ. Đường rất trơn trượt và nguy hiểm, nếu các anh thấy bản thân chịu được thì hãy đi”.
Sau khi chuẩn bị chút lương thực và nước uống, anh Thắng khuyên chúng tôi bỏ hết thiết bị, máy móc ở nhà để thuận tiện cho việc đi lại trong rừng.
Đúng 11h30 ngày 13/9, anh Thắng đợi chúng tôi ở bìa rừng, chặt vài cây tre ven đường rồi đưa chúng tôi làm gậy chống.
Trải qua những ngày mưa kéo dài, mùi ẩm ướt bao trùm khu rừng vầu, dưới chân chúng tôi là bùn đất nhão, mỗi bước đi đều phải cẩn thận và chắc chắn, nếu không có thể trượt ngã bất cứ lúc nào.
Càng vào sâu trong rừng con đường đi càng nhỏ, chỉ rộng khoảng 50cm, vừa một người đi, nhiều đoạn bị sạt lở, phía dưới là dốc đồi thoai thoải. Khoảng 15 phút đầu của cuộc hành trình vượt núi đến với khu lán trại, nhiều lúc chúng tôi có suy nghĩ muốn bỏ cuộc.
Vượt qua khoảng 9 quả đồi với gần 3 giờ di chuyển, chúng tôi bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu của con người sinh sống. Những bó củi được buộc chặt, xếp gọn 2 bên đường, lác đác những chai nước và vài vỏ gói mỳ tôm vừa được sử dụng.
Nghe thấy tiếng trẻ em cười nói vọng lại, chúng tôi chạy thật nhanh về phía phát ra âm thanh. Sau lùm cây, một khu lán trại được sắp xếp hợp lý như bản làng thu nhỏ hiện ra. Chúng tôi nhìn nhau, không kìm nén được cảm xúc mà thốt lên: “ Đây rồi, họ đây rồi” .
Trước mắt là khung cảnh người dân sinh hoạt, bếp củi được nhóm, khói ấm tỏa lên nghi ngút. Trẻ em của thôn làng dường như chưa biết chuyện gì vừa xảy ra, vô tư nô đùa, chạy nhảy, tiếng cười nói vang cả cánh rừng.
Chị Hằng Thị Sây đang ngồi nhóm củi đun nước, thấy chúng tôi đến mừng rỡ chào hỏi. Theo chị Sây, từ khi được chính quyền tìm thấy, mỗi ngày thanh niên và phụ nữ khỏe mạnh trong thôn sẽ cùng nhau vượt núi xuống dưới làng để lấy đồ cứu trợ lên phục vụ cuộc sống tại lán trại.
“Những ngày đầu ở trên này, ai cũng nghĩ chỉ lên ở tạm một, hai hôm rồi về nên không mang theo nhiều đồ dùng, lương thực. Nhưng bây giờ, bản làng đã bị vùi lấp hết, chúng tôi không thể quay về được nữa. Những ngày mất liên lạc thiếu thốn về mọi thứ, nhất là nước uống, mưa gió cũng rất lớn khiến bà con gặp vô vàn khó khăn ”, chị Sây kể.
Nhớ lại 8 tiếng đồng hồ chạy đua với tử thần sơ tán bà con lên núi tránh sạt lở, trưởng thôn Ma Seo Chứ cho biết: “ Khoảng 8h sáng, chúng tôi phát hiện vết sạt lở khoảng 20cm, liền huy động nhau đi chặt cây vầu về khu vực an toàn để dựng lán, sử dụng những tấm bạt có sẵn để che chắn, đưa bà con lên đó ở tạm, tránh trú một thời gian.
Chúng tôi chạy đua với thời gian bởi biết rằng quả đồi phía sau có thể sạt, đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Từ lúc phát hiện đến khi mọi người an toàn đến nơi lán trại chỉ khoảng 8 tiếng đồng hồ. Đến 16h cùng ngày, tất cả 115 người dân đã đến nơi an toàn. Không ngờ sau khi mọi người lên đến nơi, ngày hôm sau quả đồi phía sau sạt lở xuống đúng khu thôn làng ở".
Khi mọi người di tản lên chỗ trú mới, tránh sạt lở, người dân chỉ mang theo những đồ thiết yếu như chăn màn, bát đũa, xoong nồi và ít gạo để nấu cơm.
Trong số 115 người của thôn Kho Vàng di tản tránh sạt lở, có 50 trẻ em trong độ tuổi 0 - 15 tuổi. Trên khu vực bằng phẳng của ngọn núi, trưởng thôn Chứ cùng thanh niên trong thôn dựng 14 chiếc lán, được che chắn bằng bạt, đóng cọc bằng tre.
“Khi thấy lực lượng chức năng tìm tới, chúng tôi vô cùng vui mừng, biết rằng mình đã được cứu sống. Mọi người mang cơm, gạo, mỳ tôm, lương khô và bánh kẹo. Ngày hôm sau, chính quyền xã và huyện mang theo rất nhiều đồ cứu trợ, giúp bà con ổn định cuộc sống”, trưởng thôn Kho Vàng nhớ lại.
Nói về tương lai của 115 người dân, anh Chứ cho biết, hiện tại việc quay về nơi ở cũ là không thể, bởi khu vực đó đã bị sạt lở nghiêm trọng. Vì thế, trong thời gian tới, anh Chứ và người dân mong muốn chính quyền địa phương sớm tạo điều kiện, tìm nơi ở mới an toàn để người dân di dời, xuống xây dựng lại nhà cửa, an cư lập nghiệp.
Mặt Trời dần khuất núi, anh Thắng giục chúng tôi nhanh chóng quay trở về, bởi việc di chuyển trong rừng lúc đêm tối tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thêm 3 tiếng để rởi khỏi rừng trở về với trung tâm xã Cốc Lầu, bước chân của chúng tôi dường như được tiếp thêm sức mạnh. Ai cũng cố gắng đi nhanh hơn, tiếng cười nói, tiếng bếp núc tại khu lán trại của người dân thôn Kho Vàng vẫn văng vẳng bên tai.
Đại diện xã Cốc Lầu cho biết, chính quyền xã đang tích cực tìm cách mở đường mòn có thể đi xe máy lên tới khu lán trại để thuận tiện hơn cho việc chu cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thôn Kho Vàng.
“Chúng tôi cũng đang tìm một khu đất mới, an toàn và rộng rãi để người dân có thể xây dựng lại nhà cửa, có chỗ ở mới. Một bản làng mới của dân thôn Kho Vàng sẽ được xây dựng lại ngay trong thời gian tới” , đại diện xã Cốc Lầu nói.