Tuy nhiên, Guatemala không phải là quốc gia duy nhất ở Mỹ Latin cố làm vui lòng tổng thống Mỹ, bất chấp lợi ích của người Palestine.
Chỉ vài ngày trước khi ông Morales có động thái trên, một số nước Mỹ Latin và Caribbean đã bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đối với nghị quyết chống lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đó là Mexico, Argentina và Colombia - những nước mà Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến thăm hồi tháng 9-2017.
Sự thay đổi thái độ của Mỹ Latin đối với Palestine tượng trưng cho tầm ảnh hưởng mạnh hơn của Israel trong khu vực từng bị Tel Aviv thờ ơ. Nó cũng đi đôi với sự tái trỗi dậy của Mỹ như một thế lực thống trị tại khu vực luôn được xem là "sân sau" của Washington.
Trước đây, cuộc đấu tranh của Palestine nhận được nhiều ủng hộ ở Mỹ Latin. Từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, Brazil, Argentina, Bolivia, Chile và Ecuador chính thức công nhận nhà nước Palestine, gia nhập danh sách bên cạnh những nước Cuba, Venezuela, Nicaragua và Costa Rica. Khi đó, các nước Mỹ Latin dường như trở thành đồng minh thực sự của Palestine, dưới thời các nhà lãnh đạo cánh tả như Hugo Chavez (Venezuela), Rafael Correa (Ecuador), Cristina Fernandez de Kirchner (Argentina), Lula da Silva và Dilma Rousseff (Brazil).
Thế rồi, ông Chavez qua đời, ông Lula và bà Rousseff mất quyền lực, ông Correa không còn tại vị, còn bà Kirchner cùng chính phủ cũ của bà đối mặt cáo buộc phản quốc. Venezuela, Nicaragua, Bolivia, Ecuador và Cuba - những đại diện chính trong Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ (ALBA) - vẫn lớn tiếng chỉ trích chính sách của Mỹ ở Trung Đông nhưng tác động chỉ giới hạn trong khu vực.
Mỹ Latin dần chuyển sang cánh hữu và điều này ảnh hưởng đến mối quan hệ của khu vực với phần còn lại của thế giới. Một số nước Mỹ Latin từng công nhận nhà nước Palestine trong giai đoạn 2008-2013 - trong đó có Cộng hòa Dominica, Paraguay, Argentina và Haiti - đã chọn phương án bỏ phiếu trắng khi Liên Hiệp Quốc lên án quyết định của Mỹ chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv sang Jerusalem.
Thậm chí, Guatemala và Honduras - từng công nhận Palestine trong giai đoạn trên - còn bỏ phiếu phản đối nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Cả 2 nước này đang nhận hàng trăm triệu USD của Mỹ để tiếp tục cuộc chiến chống các băng đảng tội phạm và nạn buôn ma túy. Giới lãnh đạo chính trị tại 2 nước gần đây cũng trải qua khủng hoảng nghiêm trọng nên rất cần sự hậu thuẫn của Mỹ.