Tuần trước, hàng nghìn người Venezuela đã đổ ra đường biểu tình kêu gọi tổng thống Nicolas Maduro từ chức.
Giữa đám đông, lãnh đạo đối lập Juan Guaido đã tự xưng là tổng thống lâm thời mới. Ngay sau đó, nhiều quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ ông Guaido.
"Đây là thời điểm để các quốc gia lựa chọn," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 26/1, kêu gọi các bên phủ nhận quyền tổng thống hợp pháp của ông Maduro.
Mỹ, Anh, Canada và đa số các nước Mỹ Latinh đã lên tiếng khẳng định ủng hộ ông Guaido, trong khi Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều quốc gia khác vẫn thể hiện sự tín nhiệm đối với ông Maduro.
Ông Ben Rowswell, đại sứ Canada tại Venezuela trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2017, nói Venezuela là "chiến trường về mặt lý tưởng" giữa các nước trên thế giới.
Bị Nam Mỹ và các nước phương Tây cô lập, trong những năm gần đây, ông Maduro đã tăng cường củng cố mối quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Evren Celik Wiltse - nhà khoa học chính trị tại Đại học bang South Dakota, chuyên nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ và chính trị Mỹ Latinh - nhận xét ông Maduro có cách điều hành đất nước giống tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong khi đó, Victor Mijares, nhà nghiên cứu chính trị tại Colombia, bổ sung: "Trung Quốc và Nga có quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc và điều này sẽ giúp chính quyền Venezuela tránh được nhiều điều bất lợi."
Theo CNN, những quốc gia nói trên ủng hộ ông Maduro vì những lợi ích nhất định.
Trung Quốc
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Theo cơ quan nghiên cứu Inter-American Dialogue, từ năm 2007 tới năm 2016, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã cho Venezuela vay 17 khoản nợ với trị giá tổng cộng 62,2 tỉ USD, nhiều hơn bất kì quốc gia Mỹ Latinh nào khác.
Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ nỗ lực của chính phủ Venezuela trong việc duy trì lãnh thổ, nền độc lập và ổn định của nước này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng các cấm vận và can thiệp từ nước ngoài thường khiến tình hình trở nên phức tạp hơn và không giúp gì cho vấn đề thực sự của Venezuela."
Viện nghiên cứu chính sách công American Enterprise Institute cho hay, từ năm 2005 tới năm 2015, các công ty Trung Quốc còn đầu tư khoản tiền 19,15 tỉ USD đối với các dự án tại Venezuela.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Getty Images
Tuy nhiên, số liệu cho thấy Trung Quốc đã cắt giảm đầu tư, có thể vì khoản nợ khổng lồ và các bằng chứng cho thấy rằng Venezuela không đủ khả năng để trả nợ.
Trong giai đoạn năm 2016-2018, Trung Quốc chỉ đầu tư thêm 1,84 tỉ USD vào Venezuela.
"Mối quan hệ giữa hai nước đã ngày càng trở nên phức tạp, và Trung Quốc ủng hộ ông Maduro vì những lí do về kinh tế cũng như địa chính trị, đặc biệt giữa lúc căng thẳng Mỹ-Trung đang leo thang," ông Mijares trả lời CNN.
Có thể thấy, nếu ông Maduro không còn nắm quyền, Trung Quốc sẽ khó thu hồi được khoản nợ nói trên. Các chuyên gia nhận định phe đối lập của ông Guaido ưu tiên giải quyết các vấn đề về thực phẩm và thuốc men hơn là thanh toán nợ nước ngoài.
Nga
Mối quan hệ giữa Nga và Venezuela đã bắt đầu từ thời tổng thống Hugo Chavez. Venezuela cũng đã ủng hộ quan điểm của Nga trong vấn đề về Syria và Ukraine.
"Ngày nay Nga là đối tác kinh doanh quan trọng nhất của Venezuela tại vành đai dầu Orinoco (khu vực khai thác dầu lớn ở miền bắc Venezuela - ND)," ông Mijares nói.
Năm 2017, mối quan hệ Nga-Venezuela dường như đã được củng cố hơn khi Kremlin đồng ý tái cơ cấu khoản nợ 3,15 tỉ USD của Venezuela. Tuy nhiên, tổng nợ của Venezuela với Nga có thể còn lớn hơn rất nhiều.
Một số chuyên gia đối ngoại cho rằng ông Putin đã đầu tư vào quốc gia này để xây dựng tầm ảnh hưởng đối với khu vực Mỹ Latinh.
Tổng thống Venezuela Maduro và tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Sau khi ông Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của Venezuela, tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với ông Maduro và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ trong cuộc khủng hoảng chính trị "bị kích động từ nước ngoài".
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cũng mô tả sự ủng hộ của Mỹ đối với ông Guaido là "đảo chính nửa vời" và cáo buộc Mỹ "đạo đức giả". Ông Medvedev cũng hỏi rằng Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tự xưng là tổng thống Mỹ.
Trước đó, vào tháng 12/2018, Nga đã cử máy bay ném bom Tu-160 - đủ khả năng đem theo vũ khí hạt nhân - tới dự cuộc diễn tập quân sự tại Venezuela.
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Derek Chollet khi ấy nói: "Rõ ràng ông Putin đang muốn gửi thông điệp tới Mỹ rằng Nga có thể đối đầu với Washington ngay tại 'sân sau' của Mỹ".
Thổ Nhĩ Kỳ
Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trải qua vụ đảo chính năm 2016, mối quan hệ của chính quyền nước này với Venezuela đã gắn bó hơn bao giờ hết.
Chính phủ ông Maduro đã trải qua nhiều cuộc nổi dậy trong những năm gần đây, và trong tuần vừa qua cả hai chính phủ đã mô tả cuộc khủng hoảng hiện tại tại Caracas cũng chỉ là một biến cố thông thường như những lần trước.
"Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, và đặc biệt là ông Erdogan, rõ ràng thấy ông Maduro đã bị công kích một cách bất công bởi phương Tây," Asli Aydintasbas, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Châu Âu về Quan hệ đối ngoại, cho hay.
"Có lẽ có một mối liên hệ đồng cảm sau khi ông Erdogan trải qua cuộc đảo chính bất thành năm 2016."
Cuộc gặp mặt giữa tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và ông Maduro. Ảnh: Reuters
Venezuela đã gửi vàng tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ xuất khẩu thực phẩm và gửi hỗ trợ nhân đạo tới Venezuela. Nhưng đối với cả hai nước, mối quan hệ chính trị đem lại nhiều lợi ích hơn là kinh tế.
"Khi Venezuela mất đi sự ủng hộ của Argentina và Brazil, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò như một đối trọng," Helen Yaffe, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Mỹ Latinh và Caribbean của Trường Kinh tế London, nói.
"Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đồng nghĩa với việc có một đồng minh liên quan tới châu Âu và là một thành viên của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ muốn có tầm ảnh hưởng lớn hơn, và để làm điều đó, Ankara đã xây dựng mối quan hệ đồng minh thông qua việc cung cấp viện trợ nhân đạo".
Mỹ
Mặc dù tổng thống Trump ủng hộ ông Guaido và đã áp các cấm vận đối với ông Maduro và chính quyền hiện tại của Venezuela, Mỹ vẫn là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của nước này.
Việc giao thương bị đình trệ sẽ khiến cả 2 quốc gia chịu thiệt hại. Do đó, lệnh cấm vận đối với công ty dầu mỏ Petroleos de Venezuela đã khiến nhiều người Mỹ bối rối.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steve Mnuchin và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, tiền mua dầu mỏ của Venezuela sẽ chỉ được chuyển tới "lãnh đạo hợp pháp" của Venezuela - ám chỉ tổng thống lâm thời tự xưng Juan Guaido.
Chuyên gia Helen Yaffe cho rằng Mỹ dường như cảm thấy bị đe dọa khi Venezuela tìm kiếm các mối quan hệ khác và nhận được sự giúp đỡ lớn từ Trung Quốc và Nga.
"Xuyên suốt những năm 2000, Nga và Trung Quốc đã có bước tiến lớn tại thị trường Mỹ Latinh, tăng cường thương mại và đầu tư. Mỹ đã tìm cách chống lại xu hướng này dưới thời ông Obama," bà Yaffe nói.
Hiện tại, các mối quan hệ của Venezuela có thể sẽ dẫn tới những cơ hội chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ có vị trí trong cuộc đối thoại giữa Mỹ và Caracas nếu xét tới mối quan hệ tốt đẹp giữa ông Erdogan với cả ông Trump và ông Maduro.
"Ông Trump có thể thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cầu nối hoặc thông qua Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi ông Maduro từ chức," một chuyên gia bày tỏ quan điểm trong cuộc phỏng vấn với CNN.