Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ở Ukraine trong vòng 24 giờ ngay sau khi nhậm chức. Đây là lời hứa mang tính cường điệu, khó tin, nhưng thể hiện chính quyền mới ở Washington mong muốn giải quyết cuộc xung đột Nga - Ukraine bằng đàm phán hoà bình.
Dù sao, đây cũng là một bước đi tích cực thể hiện sự thay đổi trong quan điểm của Mỹ đối với cuộc chiến kéo dài hơn hai năm hao người, tốn của này. Khó khăn, phức tạp còn đang ở phía trước.
Ý tưởng của ông Trump
Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ ngày 5/11 không chỉ là một cú sốc đối với đảng Dân chủ mà còn với chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Trump muốn giải quyết cuộc xung đột Ukraine, chuyển gánh nặng hỗ trợ Ukraine cho châu Âu và cố gắng đạt được thỏa thuận với Nga để tập trung vào đối đầu với Trung Quốc và Iran là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới.
Cựu Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ chấm dứt chiến tranh trên thế giới và nhắc lại cam kết giải quyết cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine có nguồn gốc lịch sử hết sức phức tạp, không dễ gì nếu không muốn nói là không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.
Thư ký báo chí của ông Trump, Carolyn Levitt, sau chiến thắng của ông Trump cũng chỉ nói rằng ông có thể "thương lượng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine, đưa Ukraine và Nga ngồi vào bàn đàm phán để chấm dứt cuộc chiến này". Các chuyên gia tin rằng chiến thắng của ông Trump sẽ thúc đẩy quá trình chuyển sang đàm phán hòa bình, nhưng nhiều người chưa tin các cố gắng của ông sẽ thành công.
Ông không nói rõ bằng cách nào, nhưng ông thường xuyên chỉ trích sự hỗ trợ không giới hạn của chính quyền Tổng thống Joe Biden dành cho Kiev, góp phần leo thang căng thẳng và kéo dài cuộc chiến với Nga.
Một trong những đề xuất này là “đóng băng” cuộc chiến, có nghĩa là Nga vẫn có thể chiếm giữ khoảng 20% lãnh thổ Ukraine; thành lập một khu phi quân sự dọc theo biên giới Ukraine - Nga dài 1.300 km do một lực lượng giữ gìn hoà bình với sự tham gia của quân đội các nước châu Âu chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh giữa hai nước. Mỹ sẽ không tham gia lực lượng này. Kiev chấp nhận quy chế trung lập, cam kết không gia nhập NATO trong ít nhất 20 năm và Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để ngăn chặn các cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga.
Volodymyr Fesenko, nhà khoa học chính trị Ukraine, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Ứng dụng "Penta”, thành viên Hội đồng công thuộc Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết: “Nhóm của ông Trump không hiểu rằng các cuộc đàm phán này sẽ phức tạp và rắc rối như thế nào, sẽ khó khăn biết bao để đi đến một thỏa thuận, để tìm ra một phương án thỏa hiệp nào đó?”
Kiev coi các ý tưởng của ông Trump là sự đầu hàng và rất khó có khả năng được lãnh đạo Ukraine chấp nhận.
Nhiều người ở Ukraine lo ngại rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, Mỹ sẽ buộc Kiev phải ký một thỏa thuận với những điều khoản bất lợi cho Ukraine. Việc đảng Cộng hòa luôn luôn tìm cách ngăn chặn viện trợ quân sự cho Ukraine đã làm tăng thêm những lo ngại này.
Theo Fesenko, dưới sự lãnh đạo của Trump, Mỹ rất có thể sẽ thay đổi hình thức hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Sự trợ giúp này có thể sẽ được cung cấp dưới dạng cho vay hoặc cho thuê. Tuy nhiên, khó có thể mong đợi rằng Mỹ sẽ ngừng cung cấp vũ khí và hỗ trợ tài chính cho Kiev. Điều này sẽ gây ra một loạt chỉ trích, kể cả từ phía đảng Cộng hòa.
Hỗ trợ quân sự có thể trở thành công cụ gây áp lực không chỉ đối với Ukraine mà còn đối với Nga, nhằm ép cả hai bên đi vào đàm phán. Nếu Kiev từ chối, Mỹ sẽ giảm số tiền hỗ trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine. Nếu Moscow không đồng ý thì ngược lại, Mỹ sẽ tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Thái độ của Ukraine
Ukraine đang đứng trước nguy cơ nguồn lực cạn kiệt, nếu ông Trump cắt giảm hoặc ngừng viện trợ cho Kiev. Cuối năm 2023, Quốc hội Mỹ cũng đã không thể thông qua luật hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vì đảng Cộng hòa muốn dành tiền cho việc củng cố biên giới với Mexico và thắt chặt chính sách nhập cư. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cường độ giao tranh khi lính pháo binh Ukraine bắt đầu hết đạn.
Các đối tác Ukraine ở phương Tây cũng đã quá mệt mỏi và chia rẽ sâu sắc xung quanh cuộc xung đột Ukraine - Nga. Nhiều nước không hài lòng với tình trạng viện trợ rót vào rất nhiều, nhưng quân Ukraine không ngăn cản được bước tiến của Nga trên các mặt trận. Hỗ trợ tài chính cho Ukraine đang giảm dần.
Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, trong 6 tháng qua Ukraine chỉ nhận được 10% những gì Mỹ và phương Tây hứa và số viện trợ này có thể giảm một nửa vào năm 2025. Viện trợ của Mỹ và phương Tây hiện nay chỉ đủ giúp cho Ukraine cầm cự chứ không thể đẩy lùi được bước tiến của quân Nga.
Trên chiến trường, lực lượng vũ trang Ukraine ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn. Quân đội Nga nắm quyền chủ động trên các trận tuyến và tiếp tục tiến vào Donbass. Theo các nhà phân tích của dự án DeepState, chỉ tính riêng trong tháng 10/2024, quân Nga đã chiếm được khoảng 500 km2, đây là bước đột phá lớn nhất kể từ năm 2023.
Tình trạng này đang khiến ngày càng nhiều người Ukraine chuyển sang ủng hộ đàm phán hòa bình. Điều này đã được thể hiện qua một cuộc khảo sát xã hội học gần đây của Trung tâm Razumkov. Kết quả thăm dò cho biết, mùa thu năm ngoái, ý tưởng tổ chức đàm phán với Nga được 21% số người được hỏi ủng hộ thì năm nay con số này đã lên tới 35%.
Vì vậy, những tuyên bố của ông Donald Trump về đàm phán hòa bình được nhiều người ở Ukraine nhìn nhận tích cực. Tuy nhiên, việc Trump và nhóm của ông đề nghi một lệnh ngừng bắn, đóng băng cuộc xung đột, tức là Nga vẫn ở lại những vùng lãnh thổ đã chiếm được là điều khó có thể được Kiev chấp nhận. Bất cứ ai ở Ukraine ủng hộ một ý tưởng như vậy sẽ là tự sát về chính trị. Các nhà phân tích chính trị Ukraine cho rằng, ông Trump chưa hiểu thỏa hiệp về lãnh thổ là không thể.
Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng, ông tin vào mong muốn của Trump, nhưng sẽ không thể nhanh chóng giải quyết được cuộc xung đột ở Ukraine vì điều này sẽ dẫn đến tổn thất cho Ukraine. Ông cảnh báo bất kỳ quyết định vội vàng nào cũng có thể dẫn đến thất bại cho Ukraine, tiếp thêm động lực cho Nga và có khả năng gây bất ổn cho châu Âu.
Tuy nhiên, Fesenko không loại trừ khả năng Kiev sẽ phải thực hiện bước đi như vậy, ngay cả khi nhiều người Ukraine phản đối. Ông giải thích: “Nếu Zelensky chấp nhận sáng kiến này, ông ấy sẽ trở thành kẻ phản bội, nhưng đây sẽ là một thế giới chịu áp lực từ Mỹ.”
Quan điểm của Nga
Nga đánh giá cao lời hứa chấm dứt xung đột ở Ukraine mà ông Trump đưa ra và sẵn sàng đối thoại. Tuy nhiên, điều kiện để đàm phán hòa bình là quân Ukraine phải rút khỏi toàn bộ các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporozhye và Kherson. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rõ, chỉ sau khi Ukraine bắt đầu rút quân khỏi các khu vực này, tuyên bố chấp nhận quy chế trung lập và từ bỏ yêu cầu gia nhập NATO thì Moscow mới sẵn sàng ngừng bắn và bước vào đàm phán.
Phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai được tổ chức tại Moscow ngày 7/11/2024, Tổng thống Nga Putin nêu rõ: “Nga công nhận biên giới của Ukraine là một phần của thỏa thuận sau khi Liên Xô sụp đổ. Tuyên ngôn Độc lập của Ukraine nêu rõ Ukraine là một quốc gia trung lập. Trên cơ sở này, việc công nhận đường biên giới mới của Ukraine sẽ phụ thuộc vào diễn biến của các sự kiện đang diễn ra và ý kiến của người dân trên các lãnh thổ lịch sử của Nga. Chúng ta không nên nói về một hiệp định ngừng bắn trong một giờ hoặc sáu tháng để rồi sau đó lại có thể nối lại cuộc chiến. Điều này có nghĩa là sẽ không thể đình chiến theo kịch bản Triều Tiên, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành các nhiệm vụ đề ra. Đây chính là hiệp ước mới về an ninh ở châu Âu".
Ông Putin giải thích rằng, Nga không vi phạm luật pháp quốc tế khi triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Thứ nhất, Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) quy định về quyền tự quyết của các dân tộc và đã có tiền lệ ở Kosovo. Liên quan đến Kosovo, Tòa án Công lý Quốc tế của LHQ đã quyết định rằng một vùng lãnh thổ tuyên bố độc lập không bắt buộc phải hỏi ý kiến hoặc cho phép của chính quyền trung ương của quốc gia, nơi lãnh thổ đó được đưa ra vào thời điểm quyết định.
Thứ hai, Nga có quyền ký kết các hiệp định thích hợp với các quốc gia mới này để bảo vệ, gồm cả quân sự, điều này đang được thực hiện thông qua “chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga".
Cuộc xung đột Ukraine đã bước sang năm thứ ba chứng tỏ không thể giải quyết được bằng quân sự. Đàm phán là biện pháp duy nhất có thể chấm dứt đổ máu, đem lại hoà bình cho Ukraine và Nga, bảo đảm an ninh cho toàn bộ châu Âu. Lẽ ra cuộc chiến đã có thể chấm dứt ngay sau một tháng bùng nổ. Ngày 29/3/2022, Nga và Ukraine đã đạt được thoả thuận tại các cuộc đàm phán Istanbul, theo đó Ukraine đã đồng ý quy chế trung lập và không gia nhập NATO, nhưng Mỹ và phương Tây đã can thiệp, xoá bỏ thoả thuận này.
Ý tưởng của ông Trump nhằm đưa Nga và Ukraine trở lại bàn đàm phán và giải quyết hoà bình cuộc xung đột là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, Moscow cho rằng các cuộc đàm phán chỉ có thể thực hiện được khi tính đến tình hình thực tế hiện nay và trên cơ sở các thỏa thuận đã đạt được ở Istanbul tháng 3/2022, chứ không phải "dựa trên danh sách mong muốn thay đổi theo từng tháng của Kiev".
Cơ sở duy nhất để giải quyết cuộc xung đột là các thỏa thuận Minsk-1 ngày 5/9/2014 được Bộ tứ Normandy, gồm Nga, Ukraine, Pháp và Đức thúc đẩy và Minsk-2 ngày 12/2/2015 ký kết giữa Nga, Ukraine, các lãnh đạo Donetsk và Lugansk cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Đức và Pháp làm trung gian theo thể thức Normandy và sau đó được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ra nghị quyết ủng hộ.