Lời hẹn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trang tin Oil Capital (Nga) cho hay, vào tháng 7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm tới Baku, Azerbaijan. Đây là thành phố khai thác tới một nửa số "vàng đen" của thế giới vào đầu thế kỷ 20, thủ phủ dầu mỏ của Liên Xô lúc bấy giờ. Thành phố đã gây ấn tượng rất lớn tới Bác.
Tại Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu rằng: "Tôi hy vọng và tin tưởng, rằng khi Việt Nam giành được thắng lợi cuối cùng trong cuộc kháng chiến, các bạn [Liên Xô] sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu mỏ, giúp chúng tôi khai thác và chế biến, tạo ra ngành công nghiệp như thế này."
Cuốn sách "Tới kho báu Rồng Vàng" (được xuất bản tại Nga năm 2018 với sự hỗ trợ của Công ty Gazprom EP International, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro) ghi lại, trong chuyến bay tới Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hồi lâu chăm chú nhìn qua ô cửa sổ máy bay liền quay lại, nói với "bé Phương" (cô sinh viên 21 tuổi học ở Nga được cử đi theo Bác Hồ để giúp phiên dịch) rằng: "Cháu Phương, cháu có thấy đằng kia là trạm khoan dầu không? Còn kia nữa, chỗ xa xa ấy, là bến cảng nối đất liền với biển để bốc dỡ dầu đấy!"
Im lặng đôi chút, Người nói thêm: "Dầu mỏ - đó là tài sản vô giá! Nước nào có dầu mỏ thì sẽ giàu rất nhanh."
Lời của Bác lúc đó như một lời tiên tri, lời hứa hẹn đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Việt Nam và sự hợp tác giữa Liên Xô và Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí.
Tạp chí PetroTimes nhận định, có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là "người đi tìm lửa" đầu tiên, mở đường, soi rọi cho các thế hệ của ngành Dầu khí Việt Nam tiến lên phía trước để chinh phục lòng đất và đại dương, khai thác tài nguyên cho đất nước.
Chiếc đồng hồ hợp tác dầu khí Liên Xô - Việt Nam bắt đầu chạy tích tắc
Quay trở lại tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến thăm chính thức tới Moscow. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Bác trên cương vị là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trước đó không lâu, vào ngày 23/5/1955, tại phiên họp của Đoàn Chủ tịch Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Xô diễn ra dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nikita Khrushchev đã thông qua quyết định về việc Liên Xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để khôi phục nền kinh tế.
Ngày 18/7/1955, Liên Xô và Việt Nam ký Hiệp ước về việc Liên Xô viện trợ kinh tế cho miền Bắc Việt Nam và Hiệp ước thương mại. Hai văn kiện này đã trở thành điểm khởi đầu cho quan hệ hợp tác kinh tế thường xuyên giữa hai nước.
Ngoài việc xây dựng ngành công nghiệp ở miền Bắc Việt Nam, Liên Xô còn đặc biệt chú ý đến việc tái thiết và phát triển hơn nữa ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - phục hồi lại các cơ sở khai thác than, các mỏ quặng.
Cuốn "Tới kho báu Rồng Vàng" cho biết, ngày 3/10/1955, tàu chở dầu Drogobych đã chở lô sản phẩm dầu mỏ đầu tiên của Liên Xô đến Hải Phòng, khởi động sự hợp tác về xăng dầu giữa hai nước. Một chuyên gia dầu khí Liên Xô nhận định, việc xây dựng các kho chứa xăng dầu mang tính chất cấp bách và thực chất là giai đoạn đầu tiên và điều kiện tiên quyết để thực hiện chương trình viện trợ của Liên Xô trong kế hoạch xây dựng 25 nhà máy xí nghiệp ở Việt Nam.
Việc cung cấp xăng dầu cho miền Bắc Việt Nam đã trở thành điểm then chốt của toàn bộ chương trình viện trợ kinh tế của Liên Xô bởi nếu không có xăng, dầu, nhiên liệu diesel, thì cả một số ít những cơ sở kỹ thuật còn lại ở Việt Nam sau khi thực dân Pháp rút đi, lẫn như những công trình sẽ được xây dựng tại đây theo chương trình viện trợ kỹ thuật của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, đều không thể hoạt động được.
Chiếc đồng hồ thời gian của sự hợp tác dầu khí hai nước đã bắt đầu chạy tích tắc từ khi ấy.
Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, với trữ lượng khoáng sản đáng kể dưới lòng đất, nhờ sự hỗ trợ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam đã trở thành nước được thăm dò nghiên cứu nhiều nhất ở Đông Nam Á. Các mỏ than, quặng sắt và quặng đồng, thiếc, apatit được đưa vào khai thác, đóng vai trò là nguồn tài nguyên khoáng sản cung cấp cho ngành công nghiệp nặng, giúp bổ sung đáng kể dự trữ ngoại tệ của đất nước khi được xuất khẩu.
Giai đoạn quan trọng nhất trong hợp tác dầu khí Liên Xô - Việt Nam
Trong vòng 4 năm kể từ khi thống nhất đất nước (1975), Việt Nam đã triển khai chương trình rộng rãi nhằm thành lập ngành dầu khí quốc gia và bắt tay vào thực hiện những bước đi độc lập để tìm mỏ dầu khí, chuẩn bị cơ sở luật pháp mới cho hoạt động ở thềm lục địa.
Tạp chí PetroTimes đánh giá, giai đoạn từ sau khi Việt Nam thống nhất cho đến giữa năm 1981 là giai đoạn quan trọng nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam, cũng như trong lịch sử hợp tác dầu khí giữa hai nước Việt Nam - Liên Xô.
20 năm cùng tìm kiếm dầu mỏ và khí đốt ở Đồng bằng sông Hồng đã hình thành một hình thức hợp tác mới, chặt chẽ hơn giữa hai nước - xí nghiệp liên doanh. Bằng những tác động trực tiếp, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô S. A. Orudzhev đã xây dựng đường lối chiến lược chung để khai thác vùng thềm lục địa phía Nam Việt Nam giàu tiềm năng về nguyên liệu hydrocarbon, trong đó bao gồm không chỉ việc phối hợp thăm dò địa chất, mà còn xây dựng tại khu vực này một căn cứ dịch vụ tổng hợp để hỗ trợ các hoạt động ngoài khơi.
Từ năm 1976, lãnh đạo Việt Nam tìm tới Liên Xô với đề nghị giúp đỡ phát triển mạnh ngành dầu khí quốc gia. Liên Xô liên tục đáp ứng lời kêu gọi này bằng cách cử các nhà địa chất, máy móc, chuyên gia nghiên cứu sang Việt Nam.
Vietsovpetro ra đời
Ngày 17/12/1979, Tổng Bí thư Lê Duẩn đưa ra lời đề nghị chính thức với Tổng Bí thư Leonid Ilyich Brezhnev về việc Việt Nam mong muốn Liên Xô giúp đỡ xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và khai thác mỏ dầu khí trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Ngay tháng 3/1980, Tổng Bí thư L. I. Brezhnev đã đáp lại lời yêu cầu này.
Ngày 4/3/1980, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã ban hành nghị định về việc gửi một nhóm chuyên gia từ Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô, Ủy ban Nhà nước về quan hệ kinh tế, Bộ Công nghiệp đóng tàu Liên Xô, do Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô Y. V. Zaitsev dẫn đầu, đến miền Nam Việt Nam.
Vào giữa tháng 4/1980, ý tưởng thành lập một liên doanh Việt - Xô trên cơ sở bình đẳng và hỗ trợ vốn vay cho phía Việt Nam đã chính thức được công bố.
Ngày 17/4/1980, trong cuộc gặp gỡ với ông Y. V. Zaitsev và các chuyên gia, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã phát biểu rằng: "Với mục tiêu nhanh chóng tiến hành phát triển các mỏ dầu trên thềm lục địa miền Nam Việt Nam, phía Việt Nam sẵn sàng tạm dừng khởi công xây dựng các công trình quốc gia khác để tập trung lực lượng vào vấn đề chính này".
Ngày 3/7/1980, tại Điện Kremlin, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư L. I. Brezhnev và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng A. N. Kosygin phía Liên Xô, Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng phía Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch Nhà nước của hai nước là ông N. K. Baibakov và ông Nguyễn Lam đã ký Hiệp định về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam. Đây là một thỏa thuận khung, xác định quan điểm nguyên tắc của hai nước.
Ngày 19/6/1981, trong dinh thự sang trọng số 17 phố Alexey Tolstoy, Lễ ký kết Hiệp định giữa Chính phủ LBCHXHCN Xô viết và Chính phủ CHXHCN Việt Nam về việc thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô (Vietsovpetro) tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam CHXHCN Việt Nam và phụ lục hiệp định là điều lệ của xí nghiệp liên doanh mới đã diễn ra.
Tất cả những gì chúng tôi có, chúng tôi đều cung cấp cho người Việt Nam
Tiến sĩ Khoa học Địa chất - Khoáng vật học, Tiến sĩ Khoa học - Kỹ thuật V. S. Vovk, những năm 1984-1986 là Vụ trưởng Khoan ngoài khơi, giai đoạn 1988-1993 là Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro, chia sẻ cảm nghĩ khi là một trong những người Liên Xô sang Việt Nam hỗ trợ phát triển dầu khí:
"Tôi và các đồng nghiệp buộc phải rời nhà đi xa, đến một đất nước đang bị tàn phá sau chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt.
... Chúng tôi đến đây không phải để nghỉ ngơi trên những bãi biển đẹp mà là để làm việc ngày đêm bên những khối sắt thép hàn bỏng rẫy. Khi nghĩ tới chuyện này, tôi luôn kinh ngạc vì một đất nước đang chịu cảnh thiếu thốn tài nguyên (Liên Xô) mà đã quyết định dành hỗ trợ kinh tế cho một đất nước khác, thậm chí còn khó khăn hơn nhiều.
Liên Xô và Việt Nam lúc bấy giờ đều không có những ngân hàng và những tập đoàn hùng mạnh. Tất cả những gì chúng tôi có, chúng tôi đều cung cấp cho người Việt Nam, không áp đặt ràng buộc."
Một trong những dự án hợp tác kinh tế với nước ngoài thành công nhất của Nga
Vietsovpetro đã được ra đời trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi Việt Nam vừa trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt và lại chịu sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cộng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của tập thể lao động quốc tế, Liên doanh dầu khí Việt-Xô đã nhanh chóng trưởng thành.
Theo Tiến sĩ V. S. Vovk, liên doanh Vietsovpetro được thừa nhận là một trong những dự án hợp tác với nước ngoài mang lại lợi ích kinh tế và thành công nhất của Nga.
Tờ Năng lượng Việt Nam tháng 11/2023 cho biết, bắt nguồn từ khát vọng lớn lao “tìm dầu cho Tổ quốc”, cùng tinh thần đoàn kết hữu nghị, Vietsovpetro đã trải qua chặng đường hơn 40 năm với nhiều thành tựu, đóng góp vào ngân sách nhà nước và giữ vững vai trò là đơn vị tiên phong chủ lực của ngành dầu khí Việt Nam.
Đến nay, Vietsovpetro đã khai thác gần 248 triệu tấn dầu thô, vận chuyển hơn 38,7 tỷ mét khối khí về bờ, đạt doanh thu gần 87,5 tỷ USD.