Lời giải thích khó tin về Navalny trở thành thảm họa, Tổng thống Putin đưa Nga vào thế khó?

Hải Võ |

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tuần trước đã có cuộc điện đàm với đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để trao đổi về vụ thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny bị hạ độc.

Ông Macron giận dữ trước lời giải thích của ông Putin

Business Insider dẫn các nguồn tin tình báo, nói rằng nỗ lực của ông Putin nhằm giải thích với Pháp về vụ hạ độc Navalny đã có kết quả tồi tệ.

Thủ lĩnh đối lập nổi tiếng của Nga Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok hồi cuối tháng 8, sau đó được chuyển tới Đức để điều trị. Ngày 23/9, ông này được bệnh viện Charité ở Berlin cho phép xuất viện.

Báo Le Monde (Pháp) cho hay, ông Putin nói với ông Macron rằng có thể Navalny đã tự đầu độc bản thân nhằm thực hiện ý đồ làm mất uy tín nước Nga. Các nguồn tin tình báo của Insider mô tả, lời giải thích của ông chủ điện Kremlin là vô tác dụng và mang tính xúc phạm, đến mức có thể làm tổn hại nghiêm trọng mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga với các nước châu Âu.

Lời giải thích khó tin về Navalny trở thành thảm họa, Tổng thống Putin đưa Nga vào thế khó? - Ảnh 1.

Ông Alexei Navalny cùng người thân tại bệnh viện Charité hospital ở Berlin, Đức (Ảnh: Reuters)

Một quan chức an ninh Pháp ẩn danh tiết lộ, cuộc trao đổi trên đã khiến Tổng thống Macron giận dữ, dù nhà lãnh đạo này thường e ngại đối đầu trực tiếp với Nga.

"Đã có sự chế giễu từ các lãnh đạo châu Âu nhằm vào ông Putin khi đề cập những sự kiện này," quan chức trên cho hay, nói thêm rằng ông Macron dường như trông đợi sẽ được người đồng cấp Nga giải thích rằng vụ Navalny "là vấn đề nội bộ, có khả năng là một hành động trái phép từ cấp dưới và đang được điều tra", mà ông Putin không biết hoặc không chấp thuận.

Theo nguồn tin, các cuộc trao đổi trong quá khứ giữa Macron và Putin "không thỏa đáng nhưng đủ hợp lý để khiến việc đối đầu [Putin] trở nên khó khăn". Nhưng thay vào đó, lần này Tổng thống Pháp đã nhận được "[lời giải thích] hoàn toàn vô nghĩa về chuyện Navalny tự đầu độc mình bằng loại chất độc chết người chỉ có thể tìm được ở những kho chứa bảo mật nhất của quân đội Nga".

Vị quan chức Pháp cho biết ông Macron "phẫn nộ" với thông tin do ông Putin cung cấp.

"Ông ấy (Macron) sẽ tự đưa ra quyết định về cách giải quyết chuyện này, nhưng những hậu quả mà ông nêu ra có thể trở thành sự ủng hộ to lớn hơn để khiến bà Merkel phải có hành động về dự án Nord Stream," nguồn tin nói, đề cập Thủ tướng Đức Angela Merkel và dự án đường ống dẫn khí dưới biển có tên Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), kết nối Nga với Đức.

Lời giải thích khó tin về Navalny trở thành thảm họa, Tổng thống Putin đưa Nga vào thế khó? - Ảnh 2.

Ông Putin và ông Macron tại cuộc gặp ngày 19/8/2019 (Ảnh: Gerard Julien/Pool via Reuters)

Quan hệ với Nga lao dốc, châu Âu mong Mỹ vào cuộc

Căng thẳng chính trị leo thang giữa Nga và phương Tây nhiều lần khiến dự án trên bị đe dọa gián đoạn. Bà Merkel cũng đứng trước sức ép lớn từ trong nước và các nước châu Âu trong việc lợi dụng Nord Stream 2 như một "đòn bẩy", buộc Moskva đưa ra câu trả lời đối với vụ việc Navalny.

"Quan điểm của Macron là các vị không thể nói dối với Tổng thống của Pháp như thể ông ấy là một anh nông dân Nga nào đó," nguồn tin nói với Insider.

Một quan chức phản gián vùng Trung Âu làm việc thân cận với Đức trong các vấn đề về Nga tin rằng châu Âu có thể nhận thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài hành động.

"Cả ông Macron và bà Merkel đều bận rộn với các vấn đề chính trị vào lúc này, và cả hai đều nổi giận khi bị ông Putin đưa vào vị thế hiện nay, họ thậm chí giận dữ hơn rằng ông [Putin] đang xử lý chuyện này theo cách xem thường họ," nguồn tin hé lộ.

"Việc [Nga] đổ lỗi cho Đức và ông Navalny về việc thủ tiêu chứng cứ làm bà Merkel nổi giận, trong khi việc ẩn ý rằng Navalny tự đầu độc bản thân đã khiến ông Macron 'điên đầu'."

"Nhưng qua trao đổi với các đồng nghiệp Đức, tôi nhận thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có ý nghĩa quan trọng trong tính toán của tất cả mọi người."

Nguồn tin nói thêm rằng "một liên minh thống nhất và mạnh mẽ gồm Đức, Pháp và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác có thể đối đầu với Putin, song sẽ mạnh mẽ và hiệu quả hơn nhiều nếu Tổng thống Mỹ cũng là một thành viên".

"Hiện có rất ít lòng tin về việc Mỹ sẽ là đối tác trong một nỗ lực [chống lại Nga]," nguồn tin cho biết. "Nhưng điều đó có thể thay đổi sau cuộc bầu cử."

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại