Wim Hof - người đàn ông 53 tuổi đến từ Hà Lan - hiện đang nắm giữ kỉ lục thế giới về khả năng chịu lạnh. Trong khi chúng ta còn mải co ro vì cái lạnh của mùa đông, Wim có thể thoải mái đi dạo dưới tiết trời -20 độ của Bắc Cực, lặn sâu dưới lớp băng với một bộ đồ bơi bình thường, và leo lên đỉnh Everest chỉ với một chiếc quần short.
Thậm chí trong lịch sử cũng chưa từng ghi nhận bất kỳ ai có khả năng giống như Hof. Nhờ vậy, ông được tất cả mọi người đặt cho cái tên: Ice Man - Người băng.
Người băng Wim Hof - người đàn ông chịu lạnh giỏi nhất thế giới
Lời giải của khoa học
Khả năng kì lạ của Wim Hof đã khiến khoa học đặc biệt chú ý. Mới đây, Otto Musik – một bác sĩ tại ĐH Y bang Wayne (Mỹ) đã thử quan sát những biến đổi cơ thể của Hof khi tiếp xúc với môi trường lạnh giá, bằng việc sử dụng máy chụp cộng hưởng từ (MRI).
Kết quả thì cực kỳ bất ngờ, khi chìa khóa lại nằm ở bộ não của Hof. Ông có khả năng tự đánh lừa cơ thể mình, khiến nó không còn cảm thấy lạnh nữa.
Cụ thể, ông kích hoạt một hệ thống giảm đau trong cơ thể bằng phương pháp thở đặc biệt. Nói cách khác, đây có thể coi là một cách "hack" vào hệ thống sinh lý thông thường, để từ đó "Người băng" cảm thấy hưng phấn hơn. Và điều đó cực kỳ hữu dụng trong môi trường khắc nghiệt ấy.
Phương pháp thở của "Người Băng"
Sau khi tạo nên một loạt kỉ lục về khả năng chịu lạnh siêu phàm của mình, Wim Hof đã tiết lộ bí kíp của mình. Đó là một phương pháp thở được ông đặt tên là "Phương pháp Wim Hof", mà theo ông thì ai cũng có thể tập được.
Kỹ thuật đầu tiên đòi hỏi sự thư giãn hoàn toàn, có thể là trên một chiếc sofa hoặc giường. Bước tiếp theo mà bạn cần làm là hít thở sâu liên tục trong vài phút.
Quá trình này sẽ gây ra cảm giác râm ran trong cơ thể, do lượng CO2 trong máu giảm đi. Đó cũng chính là điều mà bạn cần làm khi đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên.
Wim Hof cho rằng bộ não của con người có thể kiểm soát nhận thức về sự đau đớn. Đây là cơ chế quan trọng cho sự sinh tồn của con người.
Để xác nhận sự hiệu quả của phương pháp này, bác sĩ Musik đã quan sát Wim qua máy MRI, đồng thời liên tục xối nước nóng hoặc lạnh vào cơ thể ông.
Kết quả, bài tập của Wim tỏ ra có tác dụng, khiến cơ thể trở nên kém nhạy cảm với nhiệt độ. Thậm chí, cơ thể của "Người băng" lúc này còn giải phóng những hợp chất làm ông cảm thấy hưng phấn hơn.
Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn bị một con hổ dữ rượt đuổi, trong khi mắt cá chân đang bị thương. Quả là bi kịch đúng không? Nhưng thực tế thì lúc ấy, bộ não của chúng ta có khả năng loại bỏ cảm giác đau ở chân, để tập trung hoàn toàn vào việc chạy trốn. Đây là cách thức mà cơ chế này hoạt động.
Chỉ cần tập thở như vậy thì ai cũng thành Người băng?
Rất tiếc, câu trả lời là không. Theo Musik, phương pháp của Wim Hof chỉ có tác dụng trong một thời gian ngắn, khoảng vài phút mà thôi.
Để chống lại cảm giác lạnh sau đó, cơ thể của ông phải có khả năng dự đoán những ảnh hưởng của môi trường, và từ đó duy trì trạng thái một cách bền vững. Đây có lẽ là khả năng bẩm sinh của Hof thì đúng hơn.
Dù vậy, khám phá về phương pháp thở của Người băng cũng giúp các nhà khoa học mở ra những hướng đi mới, đặc biệt là nghiên cứu sâu hơn về tác động của suy nghĩ lên hoạt động cơ thể trong thực tế.
Tham khảo: Smithsonian