Mỹ rút quân để trừng phạt Saudi hay từ bỏ đối đầu Iran?
Sau hàng thập kỷ duy trì mối quan hệ ấm cúng, chính quyền tổng thống Trump mới đây thông báo sẽ rút một phần lá chắn tên lửa Patriot và một số chiến đấu cơ khỏi Saudi Arabia. Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ hiện đại đến nước đồng minh sau vụ tấn công nhằm vào các cơ sở của công ty dầu mỏ Aramco thuộc Saudi, mà cả hai nước cáo buộc Iran là thủ phạm đứng sau.
Mỹ sẽ rút 2 tổ hợp Patriot được dùng để nâng cao bảo vệ các cơ sở dầu mỏ của Saudi, cùng với 300 binh sĩ được triển khai để vận hành các tổ hợp này. Một hệ thống THAAD vẫn được duy trì hiện diện.
Động thái của Mỹ diễn ra vài tháng sau khi nước này bắt đầu gia tăng hiện diện quân sự tại Saudi nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ đến đối thủ chính của Washington trong khu vực: Iran.
Đề cập đến quyết định kể trên, tổng thống Trump nói, "Chúng tôi đã làm rất nhiều việc trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi đã bị lợi dụng trên toàn thế giới. Quân đội của chúng tôi, ở một góc độ nào đó, thì chuyện này không có liên quan đến Saudi Arabia, mà nói thẳng là có liên quan đến các nước khác nhiều hơn. Chúng tôi có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới."
Trong khi Trump nhấn mạnh việc rút Patriot không liên quan đến Riyadh, có một số tình tiết có thể hé mở động cơ đằng sau của Mỹ.
Theo báo cáo từ Reuters ngày 30/4, Trump đã cảnh báo thái tử Saudi Mohammed bin Salman (MBS) trong cuộc điện đàm hồi tháng 4 rằng Mỹ sẽ rút quân khỏi vương quốc này nếu Riyadh không đáp ứng các yêu cầu của Washington về cắt giảm sản lượng dầu. MBS cảm thấy bị "chấn động" bởi lời đe dọa, đến mức ông phải ra lệnh các trợ lý rời khỏi phòng họp để tiếp tục trao đổi riêng tư với ông Trump.
Nguồn cơn rắc rối bắt đầu từ khi Nga cự tuyệt một "tối hậu thư" của Riyadh hồi tháng 3 liên quan đến cắt giảm sản lượng dầu mỏ, khi giá dầu chứng kiến tình trạng lao dốc. Saudi trả đũa bằng cách bơm vào thị trường thêm 2.6 triệu thùng dầu mỗi ngày với giá ưu đãi khổng lồ - hành động bị Mỹ cho là liều lĩnh và hủy hoại vị thế của Saudi với Mỹ khi gây thiệt hại ho các nhà sản xuất đá phiến Mỹ cũng như tác động xấu đến các bang do đảng Cộng hòa Mỹ điều hành.
Darius Shahtahmasebi, nhà phân tích chính trị và luật về chính sách đối ngoại Mỹ ở Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, đánh giá trong bài viết trên RT (Nga): Trong nỗ lực phát động chiến tranh giá dầu với Nga và phần còn lại của thế giới, Saudi trên thực tế đã "tự tay vả mặt".
Dù vậy, thiệt hại cho ngành dầu mỏ thế giới có lẽ chỉ là một phần câu chuyện. Theo Shahtahmasebi, nếu xét đến việc các hệ thống Patriot triển khai ở Saudi trước đây đã không thể ngăn chặn một vụ tấn công lớn - được cho là do các nhóm vũ trang ở Yemen phát động, thì việc Mỹ rút các tổ hợp này có thể không phải là điều quá đáng sợ với Riyadh như nhiều chuyên gia dự đoán. Quân đội Saudi sẽ tự bố trí những lá chắn tên lửa tối tân để bảo vệ tài sản dầu mỏ của mình.
Bên cạnh đó, có thể thế giới đang nhận thấy thực tế rằng Iran không thực sự xứng đáng nhận được những quan tâm ồn ào từ lực lượng quân sự Mỹ.
Theo báo New York Times, tình báo Israel tin rằng Tehran không còn là một mối đe dọa an ninh cận kề đối với nước này nữa.
Tâm lý này cũng được thể hiện trong một báo cáo mới đây của Wall Street Journal, khi các quan chức Mỹ cho biết họ cảm thấy Iran "không còn gây ra đe dọa tức thời đối với các lợi ích chiến lược của Mỹ".
Tổng thống Mỹ Trump và Thái tử bin Salman của Saudi (Ảnh: Reuters)
Mỹ "xoay trục" chống lại Trung Quốc
Từ góc độ những kế hoạch vĩ mô, việc đối đầu với Iran dường như là "trò chơi trẻ con" đối với Mỹ. Darius Shahtahmasebi nhận định, trên thực tế Washington đang có những động thái rõ rệt ở hậu trường nhằm chống lại một thế lực lớn hơn và có khả năng đe dọa hạt nhân lớn hơn.
Theo đề xuất ngân sách của Nhà Trắng cho năm 2021 và điều trần trước Quốc hội của một số chỉ huy quân sự Mỹ, Lầu Năm Góc có ý định trang bị cho thủy quân lục chiến các phiên bản của tên lửa hành trình Tomahawk đặt trên tàu chiến. Bước phát triển này được cho là nhằm đối đầu với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương - khu vực mà Bắc Kinh được cho là "cửa trên" với năng lực về tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Quan ngại trước những động thái của Mỹ, Trung Quốc phản ứng rằng Washington nên "ngừng di chuyển các quân cờ" và "khoe cơ bắp quân sự ở xung quanh Trung Quốc".
"Đến cuối cùng, mọi chuyện đều liên quan đến Trung Quốc," Shahtahmasebi chỉ ra. Theo ông, bất kỳ mối đe dọa nào mà Iran gây ra cho Mỹ hoặc đồng minh luôn luôn có thể được liên hệ trực tiếp trở lại mối đe dọa tổng thể mà Bắc Kinh tạo ra đối với lợi ích kinh tế của Mỹ.
Đại dịch Covid-19 bùng phát trao cho ông Trump lý do hoàn hảo để công kích Trung Quốc bằng các cuộc "khoe cơ bắp" quân sự trong khu vực, cũng như những cáo buộc Trung Quốc làm rò rỉ virus corona (SARS-Cov-2) từ phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Một lính thủy đánh bộ Mỹ tham gia tập trận chung giữa hải quân Mỹ và Saudi, tổ chức tại cảng quân sự ở Ras Al Ghar, Jubail, Saudi Arabia, ngày 26/2/2020 (Ảnh: Reuters / Hamad I Mohammed )
Trong bài viết trên Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 9/5, tổng biên tập tờ này - ông Hu Xijin - nói rằng Trung Quốc cần xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình như một "công cụ răn đe", giữa bối cảnh giới chức Mỹ thể hiện ngày càng nhiều sự bất mãn nhằm vào Trung Quốc liên quan đến dịch Covid-19. Ông Hu lý giải điều này nhằm "bảo vệ an ninh quốc gia".
"Trước đây, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc được coi là đủ để tạo ra khả năng răn đe hạt nhân đầy đủ, song điều đó không đồng nghĩa kho dự trữ tương tự sẽ đủ lớn trong tương lai để kiềm chế tham vọng chiến lược của chính phủ Mỹ và hành động bắt nạt nhằm vào Trung Quốc," ông Hu cảnh báo.
Theo ông này, Trung Quốc cần mở rộng số lượng đầu đạt hạt nhân lên 1.000 trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời Quân giải phóng nhân dân (PLA) cần trang bị ít nhất 100 tên lửa chiến lược DF-41, với tầm bắn vươn đến lục địa Mỹ.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus: