Những người theo đuổi điểm tối đa muốn mọi thứ đều hoàn hảo, kết quả thường sẽ là kiệt quệ về thể chất và tinh thần.
Những người chỉ theo đuổi điểm số vừa đủ để qua là những người biết cách hài lòng ngay cả khi họ thỉnh thoảng vẫn có những thiếu sót. Họ sống tiêu diêu, nhàn nhã và vui vẻ.
Trạng thái thoải mái nhất trong cuộc sống là ngay cả khi mọi thứ không hoàn hảo, bạn vẫn có thể sống một cách rực rỡ nhất.
01
Có một câu chuyện như vậy:
Có một người đánh xe kéo một xe tuyết từ ngoài đường và dự định đổ tuyết vào một bể chứa khô. Vốn dĩ chỉ cần đỗ xe ngựa sát mép đập là đã có thể đổ được tuyết vào, nhưng người đánh xe lại hơi thiếu linh hoạt. Anh muốn đỗ xe để đổ tuyết sao cho tuyết có thể được đổ thẳng xuống đáy bể, không muốn để tuyết dính ở mép bể. Vì vậy, anh không ngừng la hét với những con ngựa, không ngừng dùng dây cương kéo những con ngựa. Kết quả là cả xe và ngựa cùng rơi xuống đáy để, xe bị đập nát, ngựa ngã lăn ra chết.
Cố tình theo đuổi sự hoàn hảo thực chất là một hình thức hà khắc với bản thân, nó chẳng qua cũng chỉ là một sự dày vò vô ích. Kết quả thường là bạn làm khổ chính mình và người khác.
Bạn tôi, Phi, cũng là một người cầu toàn. Bạn bè tới nhà nhau ăn cơm là chuyện hết sức bình thường, nhưng với anh ấy, đó là "chuyện lớn". Mỗi lần như vậy, anh ấy đều dành hơn sáu tiếng đồng hồ để dọn dẹp nhà cửa, lau sàn nhà, lau cửa sổ, cắt tỉa hoa cỏ… Anh ấy không bao giờ bỏ qua bất cứ chi tiết nào. Cuối cùng, anh thậm chí còn không đủ thời gian để nấu bữa tối.
Bạn bè vốn không quá để ý tới chuyện này, nhưng Phi lại không nghĩ vậy. Cả buổi tối hôm đó, anh ấy chìm trong hối tiếc và phiền muộn, không còn tâm trí để nói chuyện với bạn bè. Những chuyện tương tự xảy ra rất nhiều. Vì yêu cầu quá cao đối với bản thân, đôi khi anh ấy khiến mình sống rất gò bó.
Rõ ràng, theo đuổi quá mức sự hoàn hảo, đối với anh ấy, giống như mặc một chiếc quần bó, thứ sẽ chỉ bóp nghẹt anh ấy.
Có người từng nói: "Đừng đi định nghĩa sự hoàn hảo, đừng theo đuổi sự hoàn hảo, sự hoàn hảo sẽ thu hẹp bạn. Bạn không cần phải hoàn hảo, bản thân tôi cũng chưa bao giờ hoàn hảo."
Tuy nhiên, trong cuộc sống thực của chúng ta, rất nhiều người bị chủ nghĩa hoàn hảo chi phối sâu sắc.
Vì luôn muốn đạt điểm tối đa trong mọi việc, không thể chịu đựng được một chút khuyết điểm nào nên họ thường không hài lòng trong các mối quan hệ gia đình và giữa các cá nhân.
Thay vì đòi hỏi bản thân và yêu cầu sự hoàn hảo, tốt hơn là nên trút bỏ gánh nặng rồi nhẹ nhàng tiến về phía trước.
02
Năm ngoái, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã chiếu một quảng cáo dịch vụ công cộng với tiêu đề "Những khoảng trống khiến cuộc sống đẹp hơn". Đoạn clip mở đầu bằng cảnh một người bà đang dạy cháu gái của mình vẽ tranh. Khi cô bé muốn vẽ thêm vài cái cây vào chỗ trống, bà nội đã nói rằng để lại một ít khoảng trống sẽ đẹp hơn. Quả nhiên, cô bé chỉ chấm vài chú chim đang bay vào khoảng trống rồi vui vẻ nói với bà nội: "Bà ơi, bức tranh trông thoáng hơn rất nhiều rồi này".
Cuối clip, bà nội nói với cô bé: "Vẽ tranh cần để lại khoảng trống, cuộc sống cũng vậy. Đừng lấp đầy cuộc sống với quá nhiều thứ, hãy để lại nhiều khoảng trống hơn cho bản thân."
Video quảng cáo tuy ngắn nhưng nó lại nói lên được một cảnh giới sống: Một cuộc sống lý tưởng, cần tới những khoảng trống.
Tạo ra những khoảng trống vừa phải là một loại trí tuệ và cũng là một cách sống.
Hãy tạo ra không gian cho trái tim của bạn, có như vậy đường mới thông, cuộc sống cũng sẽ trở nên hài hòa và thật hơn.
Tôi đã từng xem một bài nói chuyện có tên "Sức mạnh của kỳ nghỉ" trên TED.
Diễn giả là Stefan Sagmeister, vì yêu thích âm nhạc và thiết kế, anh đã mở phòng thu của riêng mình ở New York. Cứ bảy năm, anh sẽ nghỉ ngơi một năm, không nhận bất cứ khách hàng nào. Trong khoảng thời gian này, anh ấy sẽ đi du lịch vòng quanh thế giới và làm mọi thứ mà mình muốn làm.
"Đó là khoảng thời gian tươi đẹp và tràn đầy năng lượng," Stefan nói. Anh hưởng thụ cuộc sống nhàn hạ của mình trong kỳ nghỉ ở Bali và cho ra những tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời của chính mình.
Những kỳ nghỉ như vậy không chỉ mang đến cho anh nguồn cảm hứng mới mà còn giúp anh có thêm nhiệt huyết với công việc.
Một thiền sư đã từng nói: "Sống, đừng chỉ nghĩ đến việc lấp đầy nó, hãy biết để lại một khoảng trống. Bạn chỉ có thể nghe thấy tiếng nói của tâm hồn ở nơi trống rỗng."
Xã hội ngày một hiện đại, môi trường xung quanh chúng ta cũng luôn chứa đầy những thứ "không cần thiết" khác nhau. Chúng ta bị cuốn vào những xích mích nội tại vô tận, và tâm trí dần bị phong tỏa.
Chỉ bằng cách dọn sạch những mảnh vụn, ánh mặt trời chiếu mới có thể chiếu rọi vào và trái tim mới có thể được thắp sáng.
Dành ra một khoảng trống trong công việc, kết hợp giữa làm việc và nghỉ ngơi để hoàn thành công việc hiệu quả hơn.
Dành ra một khoảng trống trong các mối quan hệ, tôn trọng lẫn nhau, mối quan hệ có như vậy mới có thể tươi mới lâu dài.
Dành ra một khoảng trống cuộc đời, chăm sóc cho bản thân, để tìm thấy niềm vui giữa cuộc sống đôi khi có phần tẻ nhạt.
Cuộc đời ngắn ngủi, sinh mệnh có hạn.
Chỉ khi học được cách thường xuyên loại bỏ những thứ vô dụng khỏi cuộc sống của bản thân, bạn mới có thể sống một cuộc sống cao cấp.
03
Người thực sự thông minh chỉ sống 60% cuộc đời.
Một nhà ngôn ngữ học từng nói: "Ai cũng muốn phấn đấu cho một cuộc sống hoàn hảo. Tuy nhiên, tự cổ chí kim, trong và ngoài nước, không có cái gọi là cuộc sống hoàn hảo 100%. Thế nên tôi mới nói rằng không hoàn hảo mới chính là cuộc sống."
Đúng vậy, không ai sinh ra đã hoàn hảo, và cũng không có cuộc đời của ai là trọn vẹn.
Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, đây chính là quy luật đẹp đẽ nhất của sinh mệnh.
Khi bạn đối mặt với cuộc sống với thái độ 60%, bạn sẽ thấy rằng: chỉ khi buông bỏ sự ám ảnh quá mức về việc theo đuổi sự hoàn hảo, bạn mới có thể dành ra một khoảng trống để theo đuổi những điều đáng giá hơn.
Khi ấy, vạn vật đều đáng yêu, mọi thứ đều đáng mơ ước.
Suy cho cùng, "vừa đủ" mới là cách sống khôn ngoan.
Trong phần đời còn lại của mình, tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta đều có thể sử dụng tâm thái 60% để nhìn mọi thứ xung quanh bằng một nụ cười và tận hưởng cuộc sống.
(Sohu)